Nhà đầu tư KSA và KHB đang “ngồi trên đống lửa”

Qua 10 phiên giảm sàn liên tiếp, cổ phiếu KSA đã “phá đáy” 4 năm về trước, dư bán sàn hơn 68 triệu cổ phiếu. Tương tự, cổ phiếu KHB cũng lao dốc không phanh tới 10 phiên vừa qua, khiến các nhà đầu tư
Nhà đầu tư KSA và KHB đang “ngồi trên đống lửa”

Nguy cơ “trắng tay”

Sau hiện tượng gần như “mất trắng” khi đầu tư vào MTM trong thời gian gần đây, các cổ đông của CTCP khoáng sản Bình Thuận (mã: KSA) và CTCP khoáng sản Hoà Bình (mã: KHB) cũng đang có những e ngại trước diễn biến giao dịch bất thường của cổ phiếu. Với 10 phiên giảm sàn liên tục của KSA, đẩy cổ phiếu này chỉ sau một tháng đã đánh mất tới 50% giá trị.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/7/2016, KSA về mức giá 2,700 đồng/cổ phiếu, chỉ tương đương giá một cốc trà đá. Đáng lo ngại hơn nữa là khối lượng bán sàn ngày càng tăng. Theo thống kê, tổng khối lượng khớp lệnh trong một tuần trở lại đây chỉ đạt 140 ngàn đơn vị/phiên, trong khi đó, khối lượng đặt bán giá sàn có phiên lên tới hơn 50 triệu đơn vị. Với tổng khối lượng đặt bán lên tới hơn 50 triệu cổ phiếu, con số này chiếm hơn 50% tổng khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của KSA.

Thống kê lệnh đặt mua bán KSA từ 22/06 – 05/07

Có nhà đầu tư nói vui: “Nếu công ty này tốt thì chắc cũng đã có đại gia thâu tóm vì lượng cổ phiếu bán ra xấp xỉ 50% xem như có thế chi phối doanh nghiệp”. Ngay cả số lượng cổ phiếu đem ra bán sàn cũng lên tới 31 triệu, tương ứng 33% trong tổng số gần 94 triệu cổ phiếu đang lưu hành.

Điều tương tự cũng đến với KHB, với mức giá đóng cửa phiên 07/07 là 1,700đồng/cổ phiếu, KHB đã phá đáy lịch sử 7 năm lên sàn của công ty vào cuối tháng 8/2015 - thời điểm KHB chỉ còn giá 1,800 đồng/cổ phiếu. Hơn nửa năm sau đó, cổ phiếu này lại nằm vùng quanh mức giá 4,000-5,000 đồng/cổ phiếu. Mặc dù đạt đỉnh vào tháng 3/2016 ở mức giá 6,000 đồng/cổ phiếu cùng với con sóng toàn ngành khoáng sản nhưng “vinh quang” của KSA qua đi nhanh chóng 3 tháng sau đó, cổ phiếu này lại trở về đáy cũ.

Mất hơn 30% giá trị trong một tuần và hơn 63% trong một tháng giao dịch. Cổ đông của KHB đang trải qua những tháng ngày tồi tệ mà không biết phải làm gì. Vì cho tới thời điểm hiện tại chưa có thông tin chính thức nào được đưa ra để giải thích cho điều này.

Biểu đồ giao dịch của KHB trong 1 tháng qua

Sự trùng hợp đáng sợ  Ngoài ra, KSA và KHB đều có những điểm chung đặc biệt khác. Chủ tịch của cả hai công ty xuất hiện tên tuổi nhiều trong nhóm cổ phiếu khoáng sản và chứng khoán. Chủ tịch HĐQT của KSA và KHB đều là bà Phạm Thị Hinh, hiện bà Hinh đang nắm giữ hơn 1.2 triệu cổ phiếu KSA (tương ứng 1.3% vốn) và 1.18 triệu cổ phiếu KHB (hơn 4% vốn).

Trong nhóm khoáng sản, bà Hinh cũng đang là Chủ tịch HĐQT của KHL. Bà tham gia HĐQT và giữ vị trí này trong năm 2012. Đến năm 2014, bà Hinh và công ty liên quan là Tài Nguyên Sài Gòn mua lần lượt 20% và 35% vốn từ đợt phát hành thêm.

Đến tháng 7/2015, bà Hinh đã gần như thoái hết vốn (chỉ còn nắm 200,000 cp – 1.67% vốn KHL) và tổ chức này cũng thoái hết 29% vốn khỏi KHL (3.48 triệu cp). Không giữ vị trí chủ chốt tại KSK, nhưng bà Hinh cũng nắm giữ 1.86 triệu cổ phiếu, tương ứng 7.8% vốn. Khi bà Hinh xuất hiện ở KSK thì công ty cũng phát hành thêm tăng vốn.

Được biết, tháng 12/2014, KSK chỉ phát hành được 8.2 triệu cổ phiếu trong tổng số chào bán 35 triệu cổ phiếu cho 4 nhà đầu tư cá nhân, trong đó có bà Phạm Thị Hinh mua 2 triệu cp (8.37% vốn). Xâu chuỗi sự kiện, nhà đầu tư có thể nhận thấy sự hiện diện của bà Phạm Thị Hinh có nhiều điểm chung ở các công ty khoáng sản khác nhau trong thời gian đó. Trong giới chứng khoán, hiện bà Hinh đang giữ chức Chủ tịch của CTCP Chứng khoán VSM.

Trước đó, bà cũng đã từng đảm nhiệm qua các chức vụ quan trọng khác tại các công ty chứng khoán là An Bình (ABS), Phố Wall (WSS) và Quốc gia (NSI). Hiện tại VSM đang là cổ đông lớn nhất tại KSA khi nắm giữ tới gần 6% vốn điều lệ.

Két của KSA và KHB chỉ có "bạc lẻ"? 

Cũng là “đại gia” nhưng không có tiền mặt. Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2016, KSA có tổng tài sản lên tới 1.167 tỷ đồng nhưng tiền và tương đương tiền chỉ có 373 triệu đồng, còn nợ ngắn hạn lên tới 123 tỷ đồng. Trong tổng tài sản trên, số tiền được mang đi trả trước ngắn hạn chiếm đến 556 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh chưa khả quan, với vốn chủ sở hữu lên tới hơn 900 tỷ đồng. Doanh thu trong năm 2015 của công ty chỉ đạt 108 tỷ đồng và lợi nhuận chỉ vẻn vẹn 6 tỷ đồng. Gần nhất quý 1/2016, công ty có doanh thu là 69.3 tỷ đồng và lợi nhuận cũng chỉ ở mức 1 tỷ đồng. Dẫu biết khó có thể đánh giá hiệu quả sản suất kinh doanh của công ty qua các con số trong ngắn hạn, nhưng qua đó cũng có thể thấy được một phần hình ảnh phản chiếu giá trị của doanh nghiệp.

Cơ cấu tài sản của KHB cũng tương tự, tổng tài sản tại thời điểm cuối quý 1/2016 đạt 366 tỷ đồng. Trong đó, tiền và tương đương tiền cũng chỉ duy trì ở mức hơn 1 tỷ đồng. KHB có vốn chủ sở hữu là 296 tỷ đồng. Trong quý 1 này, KHB chỉ đạt doanh thu 42 tỷ đồng và 679 triệu đồng lợi nhuận sau thuế.

Bán cổ phiếu ra tiền, "chê" vốn ngân hàng

Vào tháng 11/2015, KSA thực hiện phát hành 56 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:3. Mỗi cổ đông nắm giữ 3 cổ phiếu KSA sẽ có quyền mua 2 cổ phiếu phát hành thêm. Với giá phát hành ấn định bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong khi thị giá của KSA thời điểm đó chỉ dao động ở mức 5.500 đồng/cổ phiếu, không ngạc nhiên khi chỉ có 1.22 triệu cổ phiếu phát hành thêm được thực hiện mua.

Số cổ phiếu “ế” còn lại (54.8 triệu đơn vị) được bán cho 10 nhà đầu tư. Nhưng sau chỉ 5 tháng nắm giữ các cổ đông này đã thông báo bán ra toàn bộ số cổ phiếu này và chịu “lỗ” khá nặng. Nhiều người tham gia thị trường cũng đặt ra câu hỏi về động cơ của thương vụ này là gì? Nhưng có lẽ chỉ những người trong cuộc mới biết được câu trả lời.

Giao dịch các cổ đông lớn của KSA

Cùng “kịch bản”, tháng 10/2014, KHB đã phát hành 20 triệu cổ phiếu cho 4 nhà đầu tư chiến lược gồm CTCP Phương Trung (11 triệu cổ phiếu  - 41.87%), CTCP Tư vấn Đầu tư xây dựng Ba Đình (7 triệu cổ phiếu - 26.64%), bà Phạm Thị Hinh (1 triệu cổ phiếu - 3.8%) và ông Vũ Đình Hưng (1 triệu cổ phiếu - 3.8%). Sau vài giao dịch, CTCP Tư vấn Đầu tư xây dựng Ba Đình đã giảm sở hữu xuống còn 4.82% (tháng 3/2016).

Còn CTCP Phương Trung cũng đã bán hết 41.87% vốn vào tháng 11/2015, sau giao dịch mua vào, mới đây vào giữa tháng 6/2016 công ty này cũng đang đăng ký bán hết 1.1 triệu cp KHB (3.78%). Khoảng trống thông tin về hoạt động của hai doanh nghiệp đang ngày càng rộng nhưng những gì đang diễn ra với 2 cổ phiếu này đang khiến nhà đầu tư khốn đốn, không biết được tài sản mình đầu tư sẽ đi về đâu. Liệu có như các công ty khoáng sản cùng ngành như KSS, BAM, PTK, KTB hay MTM hay không?

Theo Vietstock

Có thể bạn quan tâm