Nhà đầu tư rút khỏi Trung Quốc, Việt Nam có thể là một sự thay thế tuyệt vời

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến Việt Nam, nếu Chính phủ có thể lấy lại lòng tin từ doanh nghiệp, nền kinh tế vẫn sẽ vững vàng tiến bước.
Nhà đầu tư rút khỏi Trung Quốc, Việt Nam có thể là một sự thay thế tuyệt vời

PGS.TS Trần Đình Thiên

Giới chuyên gia kinh tế của Việt Nam ví von cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung như "hai con voi gầm gừ giận dữ lao vào nhau để tranh giành lãnh thổ, tuy nhiên, điều đó chưa hẳn đã xấu vì 2 con voi mà yêu nhau quá cũng không tốt".

“Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể là cơ hội để Việt Nam phất lên, quan trọng là chúng ta phải tìm ra cách đúng”, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, nhận định trong Hội thảo Hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam vừa được VCCI tổ chức.

Theo ông Thiên, nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không phải chỉ đơn thuần là về vấn đề thương mại (Mỹ không muốn tiếp tục nhập siêu từ Trung Quốc) mà Mỹ đang ‘tự ái’ trước những tuyên bố của Trung Quốc rằng mình là cường quốc kinh tế không ngại bất cứ đối thủ nào. Mỹ muốn thông qua cuộc chiến này để thế giới lần nữa chiêm ngưỡng ‘sức mạnh Mỹ’. Cả hai đang tranh chấp vai trò chiến lược, chia lại trật tự thế giới.

Dựa theo nhận định này, Bộ Công thương đã đưa ra 5 khía cạnh mà cuộc chiến này có thể tác động đến nền kinh tế Việt Nam.

Thứ nhất, tác động chuyển hướng thương mại: không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam, vì cấu trúc Trung – Mỹ không giống Việt Nam – Mỹ.

Thứ hai, cấu trúc dội lại: những mặt hàng Mỹ bị Trung Quốc từ chối hoặc áp thuế không bán sang Việt Nam.

Thứ ba, cấu trúc lẩn tránh: các công ty Trung Quốc sẽ xuất hàng sang Việt Nam rồi từ Việt Nam xuất qua Mỹ. Tuy nhiên, phương pháp này có thể không khả thi vì Mỹ đã đặt ‘chòi quan sát’ khắp nơi. Các doanh nghiệp Việt Nam cần cẩn trọng khi có thương vụ liên quan đến vấn đề ‘nhạy cảm’ này.

Thứ tư, đứt chuỗi: Việt Nam không tham gia nhiều vào các chuỗi cung ứng của Mỹ hoặc Trung Quốc, nếu có tham gia cũng không đóng vai trò quan trọng.

Thứ năm, tác động về đầu tư: khi các nhà đầu tư rút khỏi Trung Quốc, Việt Nam có thể là một sự thay thế tuyệt vời, đây vừa là cơ hội cho tăng trưởng song đồng thời cũng là thách thức với các doanh nghiệp nội khi đối thủ cạnh tranh nhiều hơn.

“Vấn đề tôi lo nhất là: doanh nghiệp Trung Quốc sẽ nhằm vào Việt Nam sau khi bị Mỹ làm khó dễ. Trong 6 tháng tới, hàng Trung Quốc có thể ồ ạt vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch. Chính phủ luôn muốn chính quy hóa các hoạt động thương mại nhưng một bộ phận lớn người dân Việt vẫn thích buôn lẻ qua biên giới, điều này cũng không dễ cản. 6 tháng đầu năm xuất siêu nhưng 6 tháng cuối năm Việt Nam có thể nhập siêu”, ông Thiên cảnh báo.

Theo các chuyên gia kinh tế, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải liên tục quan sát và ứng xử thận trọng hơn khi làm việc với các đối tác kinh doanh đến từ Trung Quốc và Mỹ.

Trong bối cảnh hiện tại, điều quan trọng nhất đối với Việt Nam theo ông Thiên là Chính phủ làm sao lấy lại được lòng tin của doanh nghiệp. Chính sự nghi ngờ và lo lắng của các doanh nghiệp về những dự thảo chính sách gần đây đã khiến nền kinh tế có dấu hiệu chững lại.

Cho tới tháng 5/2018, nền kinh tế Việt Nam đang ‘chạy’ rất tốt. Đánh giá của quốc tế về Việt Nam rất đáng tự hào: Thornton cho rằng môi trường kinh doanh ở Việt Nam là hấp dẫn nhất, mặc dù còn nhiều vấn đề song cải thiện rất tốt.

“Quý I/2018, Việt Nam tăng trưởng 7,38%, 6 tháng đầu năm là 7,08%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong thời gian tới, việc tỷ lệ tăng trưởng sụt hay tăng là tùy thuộc vào hành động của chúng ta cùng những chính sách hỗ trợ của Chính phủ như thế nào.

Có cảm tưởng người Việt rất dễ bị lôi cuốn nhưng hay thay đổi và lòng tin khá mong manh. Để củng cố lòng tin – nền tảng bên trong, các chính sách cần được xem xét lại một cách tỉ mỉ và xử lý cẩn trọng nhất là dự thảo luật đặc khu kinh tế, các doanh nghiệp cũng đừng mất bình tĩnh”, ông Thiên đề nghị.

Ngoài câu chuyện đặc khu, một vấn đề quan trọng không kém mà Chính phủ cần phải giải quyết trong năm nay để tạo động lực tốt cho nền kinh tế: cải cách hành chính.

Mặc dù, Chính phủ đã tỏ ra rất tích cực trong công cuộc cải cách hành chính trong năm 2018, nhưng trở lực quá lớn. Ngay khi bắt đầu thực hiện việc cải cách, Chính phủ đã biết khó, nhưng tới khi vào việc mới biết công việc này khó hơn mong đợi.

Trước đây, thủ tục Hải quan có mấy nghìn thủ tục, sau một thời gian mạnh tay cải cách, đã giảm xuống được 13%, tuy nhiên, mức độ vẫn còn xa yêu cầu từ các doanh nghiệp (giảm khoảng 50% thủ tục). Ngoài hải quan, các ngành khác vẫn còn rất ì ạch và chậm chạp trong việc cải cách hành chính, nguyên nhân là do tinh thần trách nhiệm cá nhân của các cán bộ nhân viên nhà nước chưa tốt.

Có thể nói, chính các thủ tục hành chính quá rườm rà phức tạp đang là vật cản lớn của nền kinh tế Việt Nam, nó khiến việc giải ngân ngân sách chậm chạp, nhiều công trình hạ tầng quan trọng như metro phải ‘đắp chiếu’ đợi chờ từ năm này sang năm khác cũng như làm các doanh nghiệp tư nhân nản lòng thoái chí.

Trong 6 tháng đầu năm, có 64.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập song cũng có 61.000 doanh nghiệp biến mất. Rõ ràng, môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa đủ thuận lợi khiến chúng ta chỉ có thể ‘đẻ’ chứ không thể ‘nuôi’ doanh nghiệp. Tất nhiên, không ít doanh nghiệp trong số đó, ‘từ bỏ cuộc chơi’ vì vấn đề thủ tục hành chính.

 Theo The Leader

Có thể bạn quan tâm