Nhà văn Trần Thị Trường: Kẻ đa tình?

Học mỹ thuật công nghiệp dở dang vì chọn đi xuất khẩu để “cứu nhà”, viết văn khi không còn trẻ và tạo được tiếng vang,“bầu sô” ca nhạc cho nhiều tên tuổi lớn,.. Và bất ngờ một ngày đẹp trời Trần Thị Trường trưng ra một loạt tranh tĩnh vật đẹp và có hồn!
Nhà văn Trần Thị Trường: Kẻ đa tình?

Thương Gia đã có cuộc trò chuyện với chị xung quanh những đam mê khiến chị trở thành “kẻ đa tình” trong đời sống vốn dĩ có quá nhiều mảng màu đan xen – và dĩ nhiên không thể thiếu là những bức tranh gần đây.

Thưa nhà văn Trần Thị Trường  có phải  với chị hội họa như niềm say mê của mối tình đầu bị  lỡ và rồi cho đến một ngày khi đã nếm trải đủ mọi vui buồn, ngọt đắng , tưởng như đã vắt kiệt mình cho mưu sinh , cho văn chương chị bỗng quay ngoắt lại tìm về  ‘người xưa'...Điều gì đã xảy ra vậy ?

Nhà văn Trần Thị Trường (TTT): Tôi cũng không lý giải được. Có vẻ như số phận dắt lối. Mặc dù tôi chưa bao giờ thôi yêu hội họa- một loại nghệ thuật tạo hình có khả năng nâng đỡ tâm hồn người ta. Nhưng yêu là một chuyện để có thể thực hiện, sáng tạo ra những tác phẩm hội họa đủ sức lôi cuốn không phải là điều dễ dàng… Cũng có thể tôi quá cầu toàn, cũng như văn chương tôi ra tiểu thuyết ở tuổi không còn trẻ, và như chị nói, tôi còn một việc quan trọng hơn- chăm sóc một gia đình, mà chồng tôi cũng đã là họa sĩ rồi. Nhưng khi nỗi lo ấy chấm dứt, các con tôi đã thành đạt, và cơ bản là tôi gặp được người hướng dẫn, một họa sĩ mà theo tôi có những bức tranh thật đẹp, có một phương pháp sư phạm tốt- Họa sĩ Hải Kiên.

Có gì giống và khác nhau khi chị' trải tâm hồn' mình trên những trang giấy và những tấm toan? Trong tác phẩm văn học của chị những số phận người, những thông điệp nhân văn 'đứng về phe nước mắt'... được tải trên những  con chữ rất rõ - còn ở những bức tranh - thông điệp chị muốn gửi gắm là gì?

TTT: Văn học và hội họa khác nhau ở ngôn ngữ biểu cảm, dĩ nhiên rồi, và đối tượng gây cảm xúc cũng khác. Tiểu thuyết của tôi đặt vấn đề xã hội và thời cuộc, về thân phận con người… nhưng hội họa thì tôi chỉ vẽ tĩnh vật thôi. Nhưng có nhiều điều thì văn học và hội họa lại khá giống nhau, đó là cái đẹp. Cho dù tiểu thuyết có những trang viết về nỗi khổ đau, về sự bất an về những khúc đen tối, nhưng chung cuộc tôi vẫn nói về cái đẹp- hy vọng cái đẹp, hội họa của tôi cũng miêu tả cái đẹp qua một thông điệp nhỏ: vạn vật có linh hồn như con người…

Tôi thích tranh của chị , đặc biệt là bức khung cửa sổ với tựa đề “Cuộc sống màu hồng” bởi nhìn thấy sau những hình khối và màu sắc là thấp thóang một cuộc đời, một con người , một thời đã qua... Chị có thể chia sẻ về lý do , tâm trạng khi vẽ những bức tranh ấy?

TTT: Tôi thật xúc động khi chị- người thưởng thức đã nhận và thú vị khi xem tranh của tôi và nhận ra điều tôi gửi gắm trong đó. Vâng. Cả một thời kỳ, một đời sống, một số phận đã gắn bó với những đồ vật cổ kính, khung cửa gỗ, bức tường… có màu của thời gian, màu của trải nghiệm thống khổ… nhưng chỉ cần vươn tầm nhìn ra phía ánh sáng, thấy những màu xanh của lá, là thấy hy vọng… tương lai. “Cuộc sống màu hồng” ( La vie en Rose - tên của cuốn tiểu thuyết viết về Edith Piaf  nữ ca sĩ huyền thoại, số 1 nước Pháp)…

Tôi nghĩ phải chăng chính cái nhìn riêng biệt, cái tôi của họa sĩ đã mang đến cho tác phẩm cái sự: Nó đấy mà không phải là nó đấy chăng?

TTT: Chị cũng là nhà văn- chị biết đấy, sáng tạo văn học nghệ thuật luôn ao ước cái ký ức của cá nhân ( cái tôi của mình) sống động/ đánh thức được ký ức của người khác/ nhiều người khác thì thật ý nghĩa.

Chị có nghĩ văn chương giúp chị vẽ khác những họa sĩ khác không? 

TTT: Văn chương cũng như hội họa đều là một thành tố của văn hóa, vẽ cũng là nghĩ… người họa sĩ nhìn khi và nghĩ khi vẽ… Nhưng không chỉ riêng tôi, những họa sĩ mà tôi biết họ đều có tri thức, có văn hóa và có nhiều người còn viết văn, làm thơ, viết sách. Có thể họ ưu tiên vẽ trước viết sau mà thôi…

Được biết chị vừa hoàn thành một cuốn tiểu thuyết khá dày lại sắp bầy triển lãm mấy chục bức tranh vừa vẽ  - Liệu chị có định ra mắt sách và triển lãm tranh một ngày gần đây?

TTT: Trước hết tôi nghĩ đến Triển lãm tranh vào tháng 12.2019, rồi mới quan tâm tới cuốn sách ấy. Tuy nhiên, tôi có khi nào ngừng viết đâu, nó là cảm xúc mà, những vấn đề xã hội, cuộc sống diễn ra hàng ngày vẫn khiến tôi viết và in những tản văn ngắn, những bài báo…

Nếu chị cho phép hỏi một câu hỏi mà độc giả quan tâm: Văn nghệ sĩ thường lãng mạn, lang bang, sống chẳng theo khuôn khổ và đa tình- cái được cho là nguồn cảm hứng sáng tạo, chị có đa tình như người ta đồn trong khi đang sống độc thân hay không?

TTT: Lẽ ra, đây là phần riêng tư nhất, nhưng tôi hiểu, nó biểu hiện sự thân thiện  mà độc giả dành cho người nghệ sĩ là phụ nữ như tôi. Tôi không lảng tránh chữ đa tình. Đa tình là yêu nhiều đúng không? Tôi không chỉ yêu đàn ông mà yêu cả đàn bà, những con người mà tôi nhận thấy ở họ sự thú vị nào đó. Là người viết văn, làm báo, tôi quen thân nhiều người ở nhiều lĩnh vực khác nhau, ai hay, ai tốt, ai có tài thì tôi viết về người đó, rồi trở nên thân quen. Nhiều lắm. Có người tôi còn lấy hình mẫu của họ làm cốt lõi để dựng nhân vật của mình. Và chỉ thế thôi. Tôi thích tình bạn, giới hạn đó cũng đem đến không ít thú vị... Nhưng khổ thân tôi là cứ thân với những người nổi tiếng là bị gán cho 2 chữ yêu đương. Tôi không sợ yêu, nhưng tôi sợ đau khổ. Mà đã yêu thì tránh sao được đau khổ.

Xin hỏi thật, có phải nhân vật chị nhắc đến đó là ca sĩ Ngọc Tân nổi tiếng một thời?

TTT: Đúng đấy. Nhưng chúng tôi là bạn đúng nghĩa mà. Chị đã hỏi thì tôi nói luôn, chả cứ Ngọc Tân, Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, và bây giờ giờ là Dương Thụ đều là những nhạc sĩ đàn anh mà tôi ngưỡng mộ, mỗi người mỗi vẻ, tôi đã viết về họ qua những bài báo, và chúng tôi là bạn, có thời cùng làm việc chung... Chả nhẽ, khái niệm tình bạn không còn trong thời đại chúng ta?

Tôi hoàn toàn đồng ý với chị về điều đó. Tình bạn đẹp, thuỷ chung sẽ đi với ta đến hết cuộc đời. Hạnh phúc cho những ai có được những tình bạn đẹp như vậy. Giờ đây thấy chị hay nhắc đến họa sĩ Hải Kiên?

TTT: Quả thật, tôi ngưỡng mộ tài năng của người họa sĩ trẻ này. Hơn cả ngưỡng mộ là sự biết ơn chân thành.  Họa sĩ Hải Kiên là người có một cuộc sống bình dị nhưng phong phú, vợ là họa sĩ Nguyễn Thị Huyền, đồng nghiệp cùng dạy ở Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương. Chúng tôi coi nhau là bạn vong niên. Cuốn sách mà chị nhắc đến lúc này tôi cũng đưa họa sĩ Nguyễn Thị Huyền đọc khi còn là bản thảo…

Cảm ơn nhà văn, à quên, họa sĩ Trần thị Trường.

Có thể bạn quan tâm