Nhạc cổ điển còn giấc mơ nào hơn thế?

Được bảo trợ lâu dài bởi một doanh nghiệp uy tín, được dẫn dắt bởi một nhạc trưởng Pháp giàu kinh nghiệm và có một mức thu nhập đủ để cống hiến cho âm nhạc, các nghệ sỹ nhạc cổ điển còn mơ giấc mơ nào
Nhạc cổ điển còn giấc mơ nào hơn thế?

Sự kiện được nghệ sỹ mong chờ

“Vui mừng”, đó là xúc cảm của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam trước thông tin ra mắt Dàn nhạc giao hưởng tư nhân Sun Symphony Orchestra (SSO) và tương lai, nhà hát Opera hiện đại ngang tầm quốc tế sẽ được xây dựng tại Việt Nam. “Một quyết định quá dũng cảm trong thời đại mà cơn bão văn hóa đang tạo nên những làn sóng rất mạnh trong tất cả các lĩnh vực”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ.

Gọi đây là quyết định dũng cảm, bởi theo Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trong cả một rừng văn hóa như pop, rock, dân gian đương đại, nhà bảo trợ lại chọn nhạc giao hưởng. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bình luận thêm: “bà đỡ” cực kì phúc hậu và có tầm nhìn khi lên kế hoạch xây dựng một ngôi nhà vững chãi cho “những đứa trẻ” của mình, đó là một nhà hát cho các nghệ sĩ biểu diễn.

Có doanh nghiệp uy tín bảo trợ, có dàn nhạc, có nơi diễn, nghệ sĩ được trả thù lao xứng đáng, còn giấc mơ nào hơn thế?
Vậy nên nhạc sĩ Thiếu Hoa gọi Lễ ra mắt Hội đồng điều hành dàn nhạc giao hưởng Sun Symphony Orchestra là “một sự kiện mà tôi đã mong chờ và rất hạnh phúc bởi hôm nay đã trở thành sự thật”. Vị nhạc sĩ được đào tạo bài bản tại Nhạc viện Tchaikovsky với ngót nghét gần 30 năm làm nghệ thuật ở Nga khẳng định, với sự bảo trợ thiết thực và có ý nghĩa của Tập đoàn Sun Group, các nghệ sĩ trẻ sẽ có cơ hội theo đuổi tiếp giấc mơ giao hưởng, “để những tài năng trước đây từng phải xa rời quê hương để duy trì, theo đuổi nghề, nay có thể trở về Việt Nam làm việc”.

Bởi, chính ông những năm 1995 – 1996 sau khi học ở Nga xong đã từng quay về nước làm việc 2 năm nhưng rồi lại dứt áo ra đi. Ông nhớ lại, “thời đó, số lượng nghệ sĩ chuyên nghiệp của ta rất nhiều, chất lượng rất cao, nhưng rồi cứ mất mát dần đi. Mà lý do là để mưu sinh bằng nhạc cổ điển thời ấy quá khó. Chúng tôi còn không đủ để nuôi bản thân chứ chưa nói cho cả gia đình. Nhiều người phải chuyển nghề. Tôi biết có những nghệ sĩ violon rất xuất sắc đã bỏ nghề để đi làm đàn. Những người khác bỏ nghề để mưu sinh hoặc muốn theo nghề thì bám trụ ở nước ngoài”.

Với cam kết bảo trợ lâu dài của Tập đoàn Sun Group cùng quy trình tuyển chọn công khai, minh bạch, nhạc sĩ Thiếu Hoa cho rằng SSO sẽ trở thành sân chơi mới lý tưởng cho giới nghệ sĩ dòng giao hưởng.
Lan tỏa giao hưởng đến công chúng

Trái với lo ngại về tình trạng sân chơi cho nhạc cổ điển ngày càng trầy trật vì dòng nhạc này kén khách, những năm gần đây, thị hiếu của công chúng đang dần thay đổi. Bằng chứng là các show diễn tại Nhà Hát Lớn với sự tham gia của các nghệ sĩ Việt Nam đã thành danh trên trường quốc tế như như Đặng Thái Sơn, Bùi Công Duy, Lưu Hồng Quang, rồi chuỗi chương trình Hòa nhạc Hennessy được tổ chức thường niên đã dần trở thành những sự kiện âm nhạc có uy tín được khán giả thủ đô đón đợi. Còn ở TP HCM, những chương trình biểu diễn chất lượng cao, những cuộc liên hoan quy mô lớn, thu hút hàng trăm nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước như "Giai điệu mùa thu" được duy trì đến nay sang năm thứ 11 đã góp phần đáng kể đưa âm nhạc bác học đến với công chúng.

Bởi lý do đó, người yêu nhạc có quyền kỳ vọng một mô hình hoạt động tư nhân năng động như SSO sẽ góp phần đưa nhạc giao hưởng lan tỏa rộng hơn nữa, đặc biệt giới trẻ, với việc tổ chức thường xuyên các chương trình hòa nhạc cùng nhiều hoạt động khác hướng tới cộng đồng.

Phát biểu tại Lễ ra mắt Hội đồng điều hành dàn nhạc giao hưởng SSO, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phấn chấn: “Tôi hy vọng chúng ta lôi cuốn được thêm những khán giả trẻ để tâm hồn họ được nuôi dưỡng ngay từ khi còn bé. Dàn nhạc hãy dành thời gian tới các trường học để giới thiệu cho các bạn học sinh về những nhạc cụ, những phần nho nhỏ về âm nhạc cổ điển. Trong tương lai chính khán giả trẻ sẽ cùng chúng ta nuôi dưỡng thế giới âm nhạc kinh điển. Thế hệ chúng tôi có thể không được thưởng thức quá nhiều những đêm nhạc kinh điển nữa nhưng hy vọng thế hệ con, thế hệ cháu chúng ta sẽ tung tăng tới nhà hát với niềm hào hứng và biết đâu sẽ có lúc coi đó là giá trị tinh thần không thể thiếu trong đời sống của công dân Việt Nam trong tương lai”.

Kỳ vọng của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

Quân hoàn toàn có cơ sở bởi với sự bảo trợ của Sun Group theo hình thức phi lợi nhuận, các nghệ sĩ trong dàn nhạc SSO có thể yên tâm về mức thu nhập để sống trọn với nghề. Nói như MC Anh Tuấn – người được mời về làm GĐ điều hành dàn nhạc: “Quyền lợi tối thiểu cho các nhạc công của dàn nhạc là những quyền lợi mà ngày xưa chúng tôi thậm chí không dám mơ đến”.

SSO cũng đặt mục tiêu xây dựng dàn nhạc tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam, phát triển những tài năng âm nhạc cổ điển Việt Nam cũng như đưa những nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới đến biểu diễn. Hiện, nhạc trưởng người Pháp Olivier Fabrice Ochanine - người đã xuất sắc vượt qua gần 120 nhạc trưởng từ 23 nước trên thế giới để giành giải nhất cuộc thi nhạc trưởng quốc tế Antal Dorati International Conducting Competition năm 2015 tại Budapest, Hungary đã được mời về làm Giám đốc âm nhạc của SSO.

Và như vị nhạc trưởng tài năng chia sẻ, “sẽ có rất nhiều thách thức nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy an tâm khi nhận được sự ủng hộ chặt chẽ của Tập đoàn Sun Group. Tất cả khiến chúng tôi có thêm động lực để cố gắng làm việc”.

Có thể bạn quan tâm