Nhân duyên - giá trị đằng sau những nét chạm trổ

Theo chân anh Chử Văn Vân – chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Hoàng Vân, tôi đến ngôi làng Đồng Kỵ - Từ Sơn, Bắc Ninh, với lịch sử hơn 300 năm thổi hồn cho gỗ.
Nhân duyên - giá trị đằng sau những nét chạm trổ

Anh Chử Văn Vân, chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Hoàng Vân

Qua những gì anh Vân kể, tâm huyết của anh và thực tế những gì thấy được nơi các nghệ nhân làng gỗ, tôi như được trở về với suối nguồn của truyền thống. Ở đó, những nét hoa văn, chạm trổ thì thầm kể tôi nghe câu chuyện về mối nhân duyên lạ kỳ của người thợ, của cộng đồng những người đam mê giá trị cổ truyền, của sự giao thoa mềm mại cũ mới, của một nền văn hóa đặc sắc ngàn đời được cô đọng lại…

Câu chuyện nhân duyên của người thợ Chử Văn Vân

Sinh ra trong ngôi làng vừa giàu nền nếp truyền thống, lại được lớn lên trong cái nôi của nghề gỗ mỹ nghệ đối với anh Vân cũng như bao người con Đồng Kỵ đó chính là mối duyên tiền định. Mối duyên ấy giúp anh nuôi dưỡng tâm hồn của một người tạo hình cho những khối gỗ vô tri, tạo cho anh sức mạnh để vượt qua những khó khăn của cuộc đời, để rồi sau những lựa chọn, anh trở về với khao khát được phát triển hơn nữa nghề truyền thống.

Chính mối nhân duyên trời cho ấy mà cậu bé Vân hôm nào quyết định rời mái trường trung học phổ thông khi mới vừa kết thúc học kỳ I lớp 10. Cậu theo chân những nghệ nhân đi trước, học hỏi và cuối cùng trở thành một người thợ, bước đầu đem đến hình hài cho sản phẩm gỗ mỹ nghệ.

Anh Vân vừa sản xuất, vừa “truyền nghề” cho anh em

Người thợ ấy miệt mài làm nghề nhưng dường như vẫn không đủ cho tâm huyết đưa giá trị thực sự của đồ gỗ mỹ nghệ được vươn xa. Anh muốn nhân lên gấp nhiều lần mối nhân duyên ấy tới thật nhiều người hơn nữa. Anh về nhà mở xưởng mộc để chắp cánh cho mối “lương duyên thiên định” của mình. Thấy vậy, anh em, bạn bè, người thân trong làng đến xin anh cho làm thợ phó nhỏ. Và thế là anh vừa sản xuất, vừa hướng dẫn, truyền lại những gì anh đã được học. Dưới sự chỉ bảo tận tình của anh Vân và lòng quyết tâm của những người thợ, rất nhiều anh em đã trở thành những người thợ phó cả lành nghề, có người ra nghề, mở xưởng sản xuất, có người ở lại gắn bó cùng anh xây dựng thương hiệu Hoàng Vân. Chia sẻ về điều này, anh nói: “Tôi cảm thấy rất vui vì đã đóng góp một phần nhỏ vào việc lưu giữ nghề mộc không bị thất truyền và ngày càng được nhân rộng”.

Sau hơn 20 năm làm nghề, đến nay anh đã có một showroom trưng bày sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ với diện tích gần 1.000m2 và hai xưởng sản xuất, tạo được công ăn việc làm cho rất nhiều lao động trong và ngoài làng.

Và cũng từ đó, duyên gỗ của Hoàng Vân lan tỏa đến mọi miền trong và ngoài nước.

Duyên gỗ - sự nối kết của biết bao con người

Không như những sản phẩm khác, thậm chí đến sản phẩm tương tự như gỗ công nghiệp, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ có quy trình sản xuất phức tạp, không chỉ là số lượng nhân công lớn mà còn đòi hỏi rất cao ở sự phối hợp, sự tinh tế của đôi tay, sự sáng tạo của khối óc và sự tỉ mỉ tài hoa của trái tim.

Từ những khúc gỗ sần sùi vô tri vô giác, qua bàn tay của những con người đam mê giá trị văn hóa cổ truyền để rồi tạo ra những sản phẩm đẹp về thẩm mỹ và có giá trị cao trong ứng dụng thực tiễn cũng như trong việc lưu truyền câu chuyện xưa cũ.

Từ những khúc gỗ vô tri, vô giác thành những tác phẩm nghệ thuật có sức lan tỏa diệu kỳ

Theo như anh Vân chia sẻ, để có được một sản phẩm gỗ mỹ nghệ là một quá trình kết hợp nhuần nhuyễn của nhiều công đoạn, của nhiều bàn tay và khối óc, từ thiết kế, tạo hình, mẫu mã, pha chế, lắp ghép, khắc chạm đường nét hoa văn, đánh giấy giáp nhẵn mịn, phun bóng…

Bên cạnh đó, sản phẩm gỗ mỹ nghệ còn là sự tổng hòa của những giá trị văn hóa cổ truyền được lưu giữ lại từ sự cần mẫn, tài hoa, tình yêu của những nghệ nhân và người thợ gỗ. Những nét hoa văn mềm mại ẩn mình trên thớ gỗ cứng như kể lại những câu chuyện về tích Tam Đa Phúc Lộc Thọ, về Tứ Linh, Tứ Quý, tích Đồng quê, bốn mùa, hội làng… Cứ như thế, văn hóa xưa, văn hóa nay tưởng chừng như khác biệt về thời gian lại có sự nối kết kỳ lạ. Từ sự giao thoa văn hóa ấy mà con người xích lại gần nhau hơn. Bởi nó không chỉ sống với hôm nay, ngày mai mà còn truyền lại cho các thế hệ về sau.

Thế mới nói, tại sao có những người vẫn dành cả cuộc đời để sưu tầm những đồ cổ, dù rằng giá trị sử dụng thực tiễn của nó không có. Ấy là vì người ấy đang ngày càng mở rộng mối duyên của mình ra xa và sâu hơn nữa, nối kết với người đời trước và truyền lại cho người đời sau.

Những nét hoa văn mềm mại ẩn mình trên thớ gỗ cứng như kể lại những câu chuyện về tích xưa cũ

Cũng chính vì điều này mà anh Chử Văn Vân – chủ cơ sở Hoàng Vân luôn mong muốn phát triển hơn nữa đồ gỗ mỹ nghệ. Đó là cách anh sống với mối lương duyên nghề gỗ của mình và đặc biệt hơn, là đưa cái duyên gỗ của anh đi thật xa trong nền văn hóa đậm chất truyền thống mà trong cuộc sống hiện đại ngày nay cần bảo lưu di truyền cho hậu thế.

Chỉ một chữ “duyên” thôi nhưng lại có thể nói lên bao điều. Ở đó có sự gặp gỡ, giao lưu giữa người với người, giữa người với văn hóa và giữa văn hóa xưa với văn hóa hiện đại. Thật không ngoa khi nói rằng, những nét hoa văn cổ xưa khắc chạm trên gỗ quý giống như di sản. Có “duyên” thì cũng có “phận”, và “phận” của những người tiếp bước cha ông giữ lửa cho hồn gỗ như anh Vân, của thương hiệu gỗ mỹ nghệ Hoàng Vân cùng biết bao nghệ nhân làng Đồng Kỵ chính là khơi dậy, truyền đi di sản quý giá đó cho hôm nay, mai sau và mãi mãi…

Có thể bạn quan tâm