Nhất thiết phải trở thành Doanh nhân?

Sáng tới văn phòng, Giám đốc Marketing hỏi ý tưởng cho chương trình kỷ niệm 5 năm thành lập công ty, tự nhiên có một cảm xúc đặc biệt: Nhớ về những ngày đầu khởi nghiệp…
Nhất thiết phải trở thành Doanh nhân?

Ông Phạm Hữu Hùng - CEO Địa Ốc Đất Nam

Cũng giống như hầu hết các bạn khởi nghiệp, tôi bắt đầu với một chữ Thiếu. Gần như thiếu thốn tất cả. Thiếu vốn, thiếu mối quan hệ, thiếu kinh nghiệm kinh doanh thực tế, thiếu sự chín chắn trong suy nghĩ, không kiểm soát được cảm xúc của chính bản thân mình. Thất bại là điều có thể nhìn thấy được…

Sếp cũ nhìn thấy khi tôi nộp lá đơn thôi việc, bố mẹ nhìn thấy khi tôi gọi điện nhờ vay dùm mình ít tiền làm vốn, những tiền bối nhìn thấy khi hỏi tôi bán cái gì, vợ tôi nhìn thấy khi một DN nhỏ xíu mà có quá nhiều sếp vì họ đều là cổ đông… Chỉ có điều là khi đó ai cũng nhìn thấy nhưng người duy nhất không nhìn thấy những điều ấy lại chính là tôi.

Rồi điều gì đến cũng phải đến, cổ đông ra đi, nợ càng ngày càng nhiều thêm, không có sản phẩm để bán… đâu đó được khoảng hơn 6 tháng thì Công ty phải tạm ngưng hoạt động. Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, ngồi nhìn cái bản tên Tổng Giám đốc, suy nghĩ về món nợ nhiều trăm triệu mang tên mình rồi tự hỏi: Mình là Doanh nhân hay chỉ là một kẻ ngốc mơ mộng?... Cuối cùng gật gù và mỉm cười MÌNH LÀ MỘT DOANH NHÂN!

Rất nhiều bạn đang chọn con đường trở thành doanh nhân nhưng khoảng cách giữa doanh nhân và những kẻ mơ mộng thường rất mong manh, đó là lý do có rất nhiều doanh nhân thất bại và họ trở thành kẻ ngốc trong mắt người khác. Vậy điều gì giúp bạn trở thành doanh nhân?

Không thành công vì chưa đủ… thất bại

Hẳn nhiều người nhớ câu nói nổi tiếng của Thomas Edison "Tôi không thất bại, tôi chỉ tìm ra 10.000 cách không có kết quả". Câu nói đó của ông đã ngầm cho chúng ta biết lý do hầu hết các doanh nhân sẽ thất bại chỉ đơn giản là do họ không thất bại đủ nhiều lần trước khi chạm được thành công hay nói theo cách khác mà ông bà ta vẫn thường nói là không đủ kiên trì.

Hãy xem thất bại là bạn đồng hành, nhưng luôn nhớ chỉ chơi với những thất bại nhỏ đủ để bản thân nhận ra cái sai để còn đứng dậy được. Đừng đùa giỡn với những thất bại lớn vì rất có thể bạn sẽ không đứng dậy nổi. Cách để có những thất bại nhỏ là kìm chế lòng tham, làm từ từ thôi, nhiều bạn vội vàng ham làm lớn để rồi không kiểm soát được lúc nào không hay.

Đánh mất sự tập trung (tinh thần khởi nghiệp)

Chủ tịch VinGroup, ông Phạm Nhật Vượng từng nói phải đổi sologan của tập đoàn tỷ đô này từ "Nơi tinh hoa hội tụ” thành “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp". Chia sẻ của ông Vượng cho thấy thấy tầm quan trọng của sự tập trung vào công việc hay nói đúng hơn là vào DN của mỗi doanh nhân.

Hãy nhớ lại mà xem, khi mới bắt đầu khởi nghiệp tình yêu bạn dành cho nó to lớn đến như thế nào, bạn làm việc hăng say không mệt mỏi bạn sẵn sàng làm việc 18 tiếng mỗi ngày… Nhưng tiếc rằng cái sự tập trung cao độ và tình yêu mãnh liệt cho DN ấy chẳng tồn tại được lâu, khi bắt đầu có ít tiền DN làm ăn bắt đầu có vẻ ổn định thì cũng là lúc các doanh nhân bắt đầu có dấu hiệu lơ là mất tập trung. Thậm chí nhiều doanh nhân còn cho phép mình hưởng thụ để bù lại những ngày khởi nghiệp gian khổ trước đó. Chuyện gì đến sẽ đến, thất bại là điều hiển nhiên với những ai lơ là mất tập trung.

Hãy tập trung vào tầm nhìn này "SỨC KHOẺ - GIÀU CÓ - HẠNH PHÚC - DI SẢN", đó là tất cả những gì bạn cần làm cho cuộc đời mình.

Làm DN là trường học tốt nhất với học phí cao nhất mà lại không có ngày tốt nghiệp.

Bỏ qua những việc nhỏ nhưng quan trọng

Trong một lần tình cờ thấy mấy bạn nhân viên nữ đi bộ trên những đôi giày cao gót để vào công ty. Ngay ngày hôm sau việc gửi xe được điều chỉnh không còn cứng nhắc như trước đây là tầng 1 để xe ở công ty, tầng 2 đi gửi xe nữa mà thay vào đó sẽ linh động danh sách hơn chia theo nam nữ cho các bạn nữ đỡ cực hơn. Ai biết được cái việc nhỏ xíu ấy lại chính là những hình ảnh và câu chuyện tốt đẹp lan truyền ở công ty tạo nên một nét đặc trưng cho DN. Hay những việc nhỏ khác như công ty cho chị lao công vay mấy chục triệu để chữa bệnh cho người nhà. Khi đó nhiều người nói với tôi lỡ họ đi luôn thì sao, biết đường nào mà tìm? Quả thật mấy chục triệu với mình thì nhỏ nhưng với chị lao công là cả năm làm việc, vì lòng tham và cuộc sống cũng có thể lắm chứ?

Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ như vậy. Giáo dục tư tưởng và đạo đức vẫn luôn là việc làm nhỏ nhưng quan trọng, giúp chúng tôi có được ngày hôm nay. Hãy luôn nhớ "người ta không vấp ngã bởi một hòn núi lớn, người ta vấp ngã bởi những hòn đá nhỏ".

DN chỉ lớn lên khi Doanh nhân lớn lên

Nhất thiết phải trở thành Doanh nhân? ảnh 1

Có bạn hỏi tôi: Em đang làm nhân viên và em bán hàng rất tốt, em có nên ra mở công ty không? Tôi trả lời là cũng còn tuỳ.

Để một DN phát triển được thì cần bán hàng tốt đó là điều hiển nhiên nhưng nếu chỉ biết bán hàng sẽ không đủ. Có rất nhiều góc khuất đằng sau đó mà chỉ khi dấn thân chúng ta mới nhận ra. Khi bạn nghỉ việc để khởi sự DN, những thứ bạn không biết sẽ lập tức xuất hiện. Bạn sẽ không thất bại bởi những gì mình đã biết mà bạn sẽ thất bại bởi những gì mình chưa biết. Bạn phải bắt đầu làm những công việc mà bạn không biết, phải học tập và rèn luyện những vấn đề mà có thể bạn không thích. Xác định tâm thế đối mặt với nỗi sợ và sự thất bại, trả giá vì không có kinh nghiệm nào miễn phí cả.

Nếu trước đây tôi biết những điều này có thể tôi cũng không dám mở DN, cũng có thể tôi sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền. Nhưng suy cho cùng tiết kiệm không phải là cách để làm giàu. Hãy chuẩn bị tâm thế sẽ mất rất nhiều tiền khi làm doanh nhân. Làm DN là trường học tốt nhất với học phí cao nhất mà lại không có ngày tốt nghiệp.

Nếu những điều này truyền cảm hứng cho bạn, bạn hãy trở thành doanh nhân. Nếu nó làm cho bạn sợ hãi, hãy suy nghĩ cho thấu đáo. Để giàu có, khoẻ mạnh, hạnh phúc còn nhiều con đường, không nhất thiết phải làm doanh nhân.

Phạm Hữu Hùng/CEO Địa Ốc Đất Nam

Có thể bạn quan tâm