Nhiều bất cập xung quanh dự án sân bay Long Thành

Sáng 13/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành.
Nhiều bất cập xung quanh dự án sân bay Long Thành

Hai phương án chưa thuyết phục đại biểu Quốc hội.

Cả hai phương án Chính phủ đề xuất thêm vốn cho giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành đều chưa thuyết phục được đại biểu Quốc hội.

Dự thảo nghị quyết nêu tổng mức đầu tư dự án là 22.938 tỷ đồng và nêu hai phương án về nguồn vốn bổ sung, ngoài 5.000 tỷ đồng đã được Quốc hội quyết.

Phương án 1: Bố trí bổ sung 15.000 tỷ đồng trong số 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội và 2.938 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất, giao đất tái định cư giai đoạn đầu; trường hợp không đủ thì bố trí từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Phương án 2: Ngân sách Trung ương bố trí bổ sung kinh phí 17.938 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 để thực hiện dự án.

Nhận xét cả hai phương án đều gợn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai nói 15.000 tỷ ở phương án 1 đã dự kiến bố trí cho 4 dự án đường sắt và 10 dự án đường bộ, đều được cho là cấp thiết. Còn nếu phương án hai thì cũng chưa đúng với tinh thần tại nghị quyết của Quốc hội và chính Chính phủ cũng không nhất quán về sử dụng nguồn này.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre), Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng phương án hai hợp lý hơn, bố trí trước từ vốn dự phòng sau đó hoàn trả lại thì khả thi hơn.

Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân lại cho rằng phương án 1 khả thi hơn vì nguồn dự phòng không phải là dự phòng chung mà của từng bộ, từng  ngành, từng địa phương nên không thể lấy được mà phải có kế hoạch chi tiết, giải trình rõ ràng, phải qua nhiều bước mới bố trí được.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) lại cho rằng nên chọn phương án 2.

Phương án 2 cũng là phương án được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể mong đại biểu ủng hộ, vì đây là phương án Chính phủ chọn.

Bộ trưởng trình bày, vốn trung hạn nhiệm kỳ này tập trung chủ yếu vào đường cao tốc nên đường sắt và một số công trình đường bộ dở dang mà không phải cao tốc hiện đang là bức xúc rất lớn. Có những công trình đường bộ đã làm một phần nhưng đến bây giờ có những công trình có cầu mà chưa có đường, nếu không bố trí vốn làm trong nhiệm kỳ này thì còn khoảng 4-5 năm nữa mới bố trí được sẽ dẫn đến bức xúc ghê gớm, dẫn đến lãng phí. Do đó Chính phủ đề xuất bố trí nguồn vốn thực hiện 10 công trình quốc lộ đang bức xúc từ 80 ngàn tỷ cho các dự án quan trọng Quốc gia. 4 dự án cầu yếu của đường sắt, theo Bộ trưởng nếu nhiệm kỳ này không làm xong thì 4-5 năm nữa mới xong được... nếu xảy ra sự cố thì hết sức khó khăn.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc

Riêng cơn bão số 12 vừa qua ở Phú Yên bị sạt lở đoạn 35m, sâu 30m, rộng 10m thì tốn hơn 100 tỷ để khắc phục mà đến thời điểm này chưa xong. Tuyến đường sắt Bắc – Nam dù lạc hậu nhưng vẫn là thế mạnh của chúng ta, nếu đường sắt có vấn đề thì có ảnh hưởng nghiêm trọng, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Vẫn nóng vấn đề hỗ trợ tái định cư

Cũng trong sáng 13/11, thảo luận tại hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị làm rõ đến năm 2020 dự án này sẽ hết bao nhiêu tiền.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) lo ngại thực trạng lấn chiếm diễn ra tại khu vực dự án và đề nghị Bộ Giao thông vận tải điều tra, khảo sát nhu cầu ở từng hộ dân, số hộ có nhu cầu tái định cư tập trung, nhu cầu tách hộ ra sao.

Chung quan điểm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phản ánh tình trạng tái lấn chiếm đất đai ở khu vực Long Thành đã được các đại biểu Quốc hội nói rất nhiều. “Làm thế nào để chống được tình trạng này là hết sức quan trọng. Thực tế đã có nhiều hộ “nhảy dù” lấn chiếm, phải bồi thường tái định cư cho cả các hộ nhảy dù, đã vậy khi thu hồi rồi lại tiếp tục tái lấn chiếm”- ông Nhưỡng nói và đề xuất Nghị quyết cần bổ sung quy định, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lợi dụng chính sách trục lợi, lấn chiếm đất đai.

Trong khi đó, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết mình phát biểu với tâm thế của người đã gắn bó với Đồng Nai 15 năm qua, với 3 nhiệm kỳ Quốc hội. Quy hoạch sân bay Long Thành đã có cách đây 20 năm.

“Bất kỳ dự án nào được triển khai, dư luận cũng luôn đặt ra câu hỏi đầu tiên là dự án có tiêu cực hay không? Dự án có khả năng xảy ra tiêu cực hay không?. Người dân Đồng Nai, đặc biệt là người dân Long Thành rất mong muốn dự án phải sớm thực hiện vì 12 năm gần như là dự án treo, khi đó lãnh đạo tỉnh đã triển khai tất cả các biện pháp hạn chế tiêu cực xảy ra, trong khi đó dự án đã chờ đợi quá lâu rồi”- ông Quốc nói.

Tuy nhiên, vị đại biểu đoàn Đồng Nai cũng nhắc đến câu thành ngữ quen thuộc: “Quan tham, dân gian”. Nói điều này, ông Dương Trung Quốc muốn nhấn mạnh đến việc giám sát chặt chẽ trong quá trình thực thi. “Bởi chúng ta đã có quá nhiều dự án lớn, không phải “đầu voi đuôi chuột”, mà là…“đầu chuột đuôi voi”. Nghĩa là dự án khi đưa ra thì rất nhẹ nhàng nhưng cuối cùng lại phình ra rất ghê gớm, tạo nợ công lớn”- ông Quốc lo lắng.

Có thể bạn quan tâm