Nhiều hệ luỵ do dịch Covid-19 đang "chờ" các ngân hàng

Theo chuyên gia Tài chính-ngân hàng TS.Nguyễn Trí Hiếu, năm nay, ngân hàng khó kỳ vọng sẽ có lợi nhuận cao, thậm chí mục tiêu giảm nợ xấu cũng khó đạt.
Nhiều hệ luỵ do dịch Covid-19 đang "chờ" các ngân hàng

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, dư nợ từ các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch tính đến thời điểm này vào khoảng 925.000 tỷ đồng, tương đương 11% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng.

Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, hệ thống các TCTD đã triển khai nhiều giải pháp trực tiếp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất…

Lợi nhuận sụt giảm

Theo ông Trần Minh Bình - Tổng giám đốc Vietinbank, ngân hàng sẽ dành khoảng 800 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tương tự, đại diện Vietcombank cũng cho biết, ngân hàng sẽ cơ cấu thời hạn trả nợ, giãn nợ, không tính phí phạt trả nợ chậm với các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. 

Đồng thời, với khách hàng hiện hữu vay vốn ngắn hạn bằng VND,Vietcombank áp dụng lãi suất ưu đãi giảm thêm mức 1%/năm, khách vay vốn trung và dài hạn lãi suất giảm 1,5%/năm. 

Khách hàng vay vốn bằng USD lãi suất giảm 0,5%/năm với kỳ hạn ngắn và 0,7%/năm với kỳ hạn trung và dài hạn. 

“Đối với khách hàng vay vốn mới, Vietcombank sẽ giảm lãi suất tối đa thêm mức 1%/năm khi vay bằng VND và 0,5%/năm khi vay bằng USD. Ngoài ra căn cứ diễn biến dịch, mức độ ảnh hưởng, Vietcombank sẽ cân đối mở rộng đối tượng, lĩnh vực được hỗ trợ. Thời gian thực hiện chương trình từ 11/2 đến 30/4/2020”, vị đại diện này thông tin.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành BIDV chia sẻ, BIDV sẽ triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng cá nhân, 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD cho khách hàng doanh nghiệp, dự định triển khai giảm lãi suất 1%/năm so với lãi suất thông thường…

Agribank cũng có văn bản chỉ đạo các đơn vị tiến hành cơ cấu thời hạn, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ. Dự định giảm 1%/năm lãi suất cho các đối tượng. Thực hiện giảm phí qua giao dịch điện tử, qua Internet. Dành quỹ  từ 70.000-100.000 tỷ đồng để cho vay đối tượng ưu tiên.

Cơ cấu thời gian trả nợ, giãn nợ, giảm lãi suất...cũng là tinh thần chung của nhiều ngân hàng thương mại khác nhằm hỗ trợ tối đa khách hàng trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 phát triển.

Giới chuyên gia nhận định, việc cắt giảm lãi suất hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ khó tránh tác động tới lợi nhuận ngân hàng, song đây được xem là giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. Bởi doanh nghiệp khoẻ thì ngân hàng mới phát triển.

Theo ước tính của Vietcombank, quy mô dư nợ của các khoản vay được giảm lãi suất hiện nay của Vietcombank khoảng 30.000 tỷ đồng
Theo ước tính của Vietcombank, quy mô dư nợ của các khoản vay được giảm lãi suất hiện nay của Vietcombank khoảng 30.000 tỷ đồng

Theo ước tính của Vietcombank, quy mô dư nợ của các khoản vay được giảm lãi suất hiện nay của Vietcombank khoảng 30.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng của khoảng 300 khách hàng là tổ chức kinh doanh lớn, số tiền giảm lãi suất mà Vietcombank chia sẻ với doanh nghiệp ước khoảng 300-450 tỷ đồng.

Tương tự, lãnh đạo các ngân hàng khác cũng chia sẻ sự phức tạp của dịch bệnh với mức độ chưa lường được hết nên có thể điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận nếu cần thiết.

Nợ xấu gia tăng

Không chỉ sụt giảm lợi nhuận, ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và chờ giải thể tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái cũng đặt ra lo ngại về việc gia tăng nguy cơ nợ xấu.

Theo TS. Cấn Văn Lực – Kinh tế trưởng BIDV, dịch Covid-19 sẽ khiến nhu cầu tín dụng giảm, bởi hoạt động sản xuất kinh doanh bị chậm lại, khiến khả năng tài chính của doanh nghiệp yếu đi, từ đó dẫn đến nợ xấu tăng.

Tính đến nay, con số dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ước tính lên tới 926.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của các TCTD này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Trong đó, một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn như: nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…

Thực tế, theo ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho hay, việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi trong cơ cấu cho vay của Agribank, nông nghiệp chiếm tới 70%. Điều này cũng có thể tác động làm gia tăng nguy cơ nợ xấu.

Từ giữa tháng 2, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cũng cho biết các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu cũng như mức trích lập dự phòng.

Đại diện Eximbank thì cho biết, qua thống kê từ các báo cáo của các đơn vị kinh doanh của ngân hàng, có khoảng 10% dư nợ cho vay của khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân bị tác động bởi dịch bệnh, các khó khăn này diễn ra trên diện rộng cả nước, tập trung nhiều nhất tại TPHCM; Nha Trang; Đà Nẵng và các tỉnh miền Tây Nam bộ với các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nhất là kinh doanh khách sạn, các homestay, nhà hàng ăn uống, các khu du lịch, giải trí và xuất khẩu nông sản/các ngành công nghiệp phụ trợ sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), triển vọng ngành ngân hàng không sáng sủa bằng năm 2019, nên khi có bệnh dịch bùng phát thì có tác động tiêu cực hơn, nợ xấu đáng lo ngại hơn.

Có thể bạn quan tâm