Nhờ chất "điên" start-up Umbala thuyết phục được "cá mập" rót 260.000 USD

Nhiều tâm huyết và thậm chí thừa tự tin, 2 trên 3 dự án đến thương thuyết với “cá mập” trong Shark Tank tập 9 đã ra về thành công với tổng cộng 8,5 tỷ đồng vốn đầu tư.
Nhờ chất "điên" start-up Umbala thuyết phục được "cá mập" rót 260.000 USD

Những nhà khởi nghiệp trong số phát sóng kỳ này tuy vẫn còn “bệnh” phóng đại giá trị công ty nhưng đã tỏ ra đầy bản lĩnh để thương thuyết “tay đôi” với cá mập.

Trái ngược với phong cách chậm rãi của nhà sáng lập dự án đầu, Nguyễn Minh Thảo – Founder kiêm CEO Umbala Việt Nam gây ấn tượng với 5 nhà đầu tư bằng phong cách nói như “bắn liên thanh”.

Thực tế, Umbala Việt Nam là một nền tảng livestream ca hát, mới vận hành chức năng phát sóng trực tuyến được 3 tháng. Trong 2,5 tuần đầu ra mắt, ứng dụng có doanh thu vỏn vẹn 34 triệu đồng và đến nay đạt được 165.000 người dùng.

Minh Thảo cho biết nền tảng này ra đời khi anh vào Sài Gòn với tâm trạng chán đời. Trong một dịp đi nghe nhạc, anh đã nghĩ ra nền tảng giúp người có tài năng ca hát ở các phòng trà, quán bar có thể livestream để kiếm thêm thu nhập và gia tăng người hâm mộ.

Hiện tại, Umbala Việt Nam kiếm tiền từ 3 nguồn. Thứ nhất là hợp tác với Telco để thu phí dữ liệu. Thứ hai, đầu tư vào các nhóm tài năng ca hát để cùng chia sẻ doanh thu. Cuối cùng là bán quảng cáo. Nhà sáng lập cho biết đã từng đưa start-up sang Silicon Valley để gọi vốn một năm nhưng không thành công. Tuy nhiên, tài sản lớn nhất của công ty hiện là đội ngũ thành viên cực kỳ tài năng, đạt nhiều giải thưởng công nghệ quốc tế và có kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Ấn tượng với đội ngũ giỏi, Shark” Vương mở màn với deal 150.000 USD cho 10% cổ phần. Trong khi đó, “shark” Thủy bắt đầu hứng thú khi Minh Thảo tuyên bố “CEO phải là thằng ngu nhất công ty” khi nói về quan điểm tìm kiếm và giữ chân nhân tài. Thậm chí, nhà sáng lập này còn tự tin về một giải pháp công nghệ chưa ai làm, sẽ triển khai cuối 2018 để giải bài toán mở rộng server khi ông chủ Egroup đặt vấn đề.

Bất chấp “shark” Hưng từ chối đầu tư vì không hiểu rõ về startup và “shark” Linh không tham gia vì có nhiều sản phẩm tương tự, “shark” Thủy vẫn đưa ra đề nghị 150.000 USD cho 10% cổ phần Umbala Việt Nam. Tuy nhiên, gói đầu tư kèm điều kiện có thể rót thêm 150.000 USD trong vòng gọi vốn tiếp theo với giá bằng một nửa giá chốt vớt nhà đầu tư mới.

Không muốn mất cơ hội, Shark Vương đưa thêm lời đề nghị đồng đầu tư 300.000 USD cho 20% cổ phần công ty. Tuy nhiên, Minh Thảo tuyên bố chỉ chấp nhận tỷ lệ tối đa 15%. Chấm nhận “xuống nước”, hai “cá mập” cuối cùng chốt deal với nhà sáng lập ứng dụng livestream ca hát với số tiền 260.000 USD đổi 15% cổ phần, kèm theo điều kiện được rót thêm 260.000 USD ở vòng gọi vốn sau với mức giá thấp hơn 25% giá chốt với nhà đầu tư mới.

Chia tay Minh Thảo, Shark Thủy bật bí, chính chất “điên” của chàng trai này đã thu hút sự chú ý và khiến anh quyết định rót tiền đầu tư cho dự án này. Shark Thủy tin tưởng founder này sẽ làm được gì đó hay ho, sáng tạo.

Có thể bạn quan tâm