Nhờ EVFTA, KNXK Việt Nam - Hà Lan có thể tăng thêm 15% vào 2030

Đó là kỳ vọng của ông Pavel A. Poskakukhin - Trưởng phòng cấp cao nhóm Dịch vụ Khách hàng Châu Âu - Deloitte Việt Nam và Chủ tịch Hiệp hội DN Hà Lan tại Việt Nam khi trao đổi với Thương Gia về giá t
Nhờ EVFTA, KNXK Việt Nam - Hà Lan có thể tăng thêm 15% vào 2030

Thưa ông, khi Việt Nam và EU ký kết hiệp định trên, DN Hà Lan sẽ có cơ hội gì để xuất khẩu, đầu tư và phát triển tại Việt Nam?

Đầu tiên, phải nhận định rằng, đây là các hiệp định đem lại giá trị lớn về thương mại cho hai bên. Đối với khối liên minh EU, hiệp định loại bỏ 65% thuế quan đối với các sản phẩm từ EU và dần loại bỏ phần trăm thuế quan còn lại trong 10 năm tới. Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp sẽ có mức thuế nhập khẩu 0%. Điều này tạo nên lợi thế đáng kể cho các công ty Hà Lan khi chúng tôi có nền tảng cơ sở mạnh mẽ trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, có dây chuyền sản xuất tiên tiến.

EVFTA cũng tạo cơ hội để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, đầu tư của DN Hà Lan tại Việt Nam. Các thành viên của Hiệp hội DN Hà Lan (DBAV) hiện đang đầu tư và đang đóng vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp với các dòng sản phẩm chế biến như sữa của công ty FrieslandCampina; Thức ăn gia súc của De Heus hay Hạt giống East-West Seed, NedSpice,...

Trong lĩnh vực đóng tàu và khai thác cảng, Hà Lan cũng là quốc gia có nhiều kinh nghiệm. Việt Nam có đường bờ biển dài 1650km với hơn 272 cảng và hàng ngàn tàu thuyền vẫn đang tiếp tục tăng mạnh. Đây chính là cơ hội đầu tư phát triển hệ thống logistic đáp ứng nhu cầu xuất khẩu khi mà các cảng biển góp phần tạo nên vị trí chiến lược cho Việt Nam trong khu vực ASEAN. Một số công ty Hà Lan đã tiên phong có thể kể đến Nhà máy đóng tàu Damen Sông Cấm, Cảng Quốc tế Cái Mép, Westerman.

Liên quan đến năng lượng xanh, Việt Nam có tiềm năng lớn và hoàn toàn có thể chuyển hướng đầu tư phát triển năng lượng mặt trời, gió ngoài khơi và sóng biển. Điều này cũng mở ra cơ hội cho DN Hà Lan chúng tôi đầu tư nhiều hơn.

Còn phía Việt Nam, DN sẽ có cơ hội đầu tư và xuất khẩu vào lĩnh vực nào của Hà Lan?

Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất hiện nay của EU tại Việt Nam với số vốn đăng ký là 9,5 tỷ USD và cũng là đối tác xuất nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam tại EU. Năm 2018, giá trị hàng nhập khẩu về Việt Nam lên tới 116 triệu USD trong khi lượng hàng xuất khẩu sang Hà Lan đạt 958 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính từ Việt Nam sang Hà lan bao gồm linh kiện điện tử, máy móc và phụ tùng, giày dép, dệt may, thực phẩm, ... Trong số đó, hai lĩnh vực mà các công ty Việt Nam có thể tập trung đầu tư và xuất khẩu sang Hà Lan chính là thực phẩm và linh kiện điện tử.

Việt Nam là nước có diện tích đất trong lớn, khí hậu thích hợp để phát triển rau củ và cây ăn trái nhiệt đới với chi phí sản xuất thấp. Năm 2018, Hà Lan cũng là quốc gia tiêu thụ hạt điều Việt Nam nhiều nhất tại EU với giá trị nhập khẩu lên đến 303,6 triệu USD. Trong khi đó, chúng tôi cũng là một nước xuất khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp và sữa ra toàn thế giới. Hai quốc gia hoàn toàn có thể tận dụng các yếu tố trên để hợp tác tạo nên những giá trị xuất khẩu cao hơn.

Chúng tôi cũng nhận thấy, ngành công nghiệp linh kiện điện tử tại Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển. Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu thành phần sẽ được giảm theo lộ trình (hiện là dưới 5%). Việt Nam cũng đã phê duyệt đầu tư công nghệ nhiều hơn, nơi các khu công nghiệp công nghệ cao được xây dựng trên cả nước. Nhiều tập đoàn quốc tế đến từ Hà Lan đã tăng đầu tư, giúp các DN Việt Nam có cơ hội nhận chuyển giao công nghệ từ FDi.

Theo ông, ưu thế của hai khối DN Việt Nam và Hà Lan là gì?

EVFTA sẽ tạo ra một cầu nối mạnh mẽ về thương mại và dịch vụ giữa Việt Nam và Hà Lan. Bên cạnh đó, hai nước có lợi thế nhờ mối quan hệ hợp tác đã được xây dựng trong suốt 45 năm qua. Sự tương đồng giữa các ngành công nghiệp sẽ tạo thuận lợi cho cả hai khối DN.

Việt Nam và Hà Lan đều là những quốc gia có hệ thống sông lớn, nằm sát biển tạo nên lợi thế chiến lược về thương mại. Nhờ đó, DN Việt Nam có cơ hội tận dụng vị trí địa lý này trong khi DN Hà Lan có hơn 100 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý và khai thác. Với lợi thế này, hai nước có thể hợp tác để nâng tầm trong lĩnh vực hàng hải, sông và cảng biển.

Ngoài ra, cả hai nước đều đang thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo. Các tỉnh thành tại VN như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và Cà Mau đều đang xúc tiến đầu tư về vấn đề này. Như tôi đã chia sẻ ở trên, đây chính là lợi thế của hai khối DN Việt Nam và Hà Lan.

Việt Nam và Hà Lan đã có hơn 45 năm thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược. Trong giai đoạn đầu, sự hợp tác giữa hai nước chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hợp tác phát triển khi Chính phủ Hà Lan viện trợ cho Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, hỗ trợ kỹ thuật để phát triển khu vực nông nghiệp. Sau đó, sự hợp tác dần chuyển sang lĩnh vực nông nghiệp. Vậy, khi EVFTA và IPA có hiệu lực, ông kỳ vọng, sự hợp tác giữa hai quốc gia sẽ tập trung mạnh mẽ vào lĩnh vực nào?

Việt Nam và Hà Lan có thể hợp tác trong các lĩnh vực mà cả hai nước có sự tương đồng và đạt được lợi ích nhiều nhất. Lĩnh vực quản lý tài nguyên nước và biến đổi khí hậu là hai lĩnh vực quan trọng nhất đối với Hà Lan và Việt Nam. Hai quốc gia đều bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao. Việt Nam có thể học hỏi Hà Lan sử dụng tốt năng lượng xanh, áp dụng các phương pháp mới trong sản xuất, quản lý tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Khi EVFTA chính thức được thực thi, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam sang Hà Lan và ngược lại sẽ đạt đến con số là bao nhiêu, thưa ông?

Phòng Thương mại Châu Âu cùng DBAV đã đưa ra những dự báo ước tính giá trị xuất khẩu của Eu sang VN sẽ tăng lên 11,8% và giá trị nhập khẩu sẽ rơi vào khoảng 11,5% vào năm 2030. Với Hà lan – đối tác thương mại lớn thứ hai của Eu tại Việt Nam, kỳ vọng vào kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước có thể tăng thêm 15%.

Có thể bạn quan tâm