Nhóm cổ đông nào đang “chơi khăm” ở Eximbank?

Ngày 29/4, sau gần 2 giờ chờ đợi, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã: EIB) phải tuyên bố hoãn họp ĐHCĐ thường niên năm 2016. Lý do vì cổ đông tham dự chỉ đạt 50,19%, chưa đủ 65% tổng
Nhóm cổ đông nào đang “chơi khăm” ở Eximbank?

Theo lịch, ĐHCĐ thường niên 2016 của Eximbank sẽ khai mạc lúc 8h30 phút sáng 29/4. Song đến tận 10h05, có 487 cổ đông tham dự đại diện cho 50,19% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, chưa đủ mức tối thiểu 65% theo quy định. Do đó, ĐHCĐ thường niên năm 2016 đã không đủ điều kiện tiến hành. Lãnh đạo Eximbank tuyên bố cuộc họp ĐHCĐ đã bất thành, và sẽ chọn một ngày khác để tổ chức lại lần thứ 2, cách lần 1 tối thiểu 30 ngày.

Cổ đông lớn “quên” đăng ký?

Ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT Eximbank đã xin lỗi các cổ đông quan tâm đến họp, nhưng tỷ lệ cổ đông dự họp không đảm bảo đủ mức tối thiểu 65%. Ông Tùng cũng tiết lộ tỷ lệ cổ đông tham dự đạt thấp 50,19% là do “hai nhóm cổ đông lớn đã yêu cầu đề cử bổ sung 2 thành viên vào HĐQT, nhưng các nhóm cổ đông đã không hiện diện ngày hôm nay, làm cho cổ đông và cả ngân hàng tốn thời gian và chi phí”.

Dù không nêu đích danh, song ông Ngô Thanh Tùng xác nhận nhóm cổ đông này có đại diện đến dự họp, song lại không đăng ký với tư cách cổ đông.

“Tôi cũng nhìn thấy một vài gương mặt đại diện cho 2 nhóm cổ đông này nhưng không rõ sao họ lại không đăng ký tham dự. Khi họ không tới tham dự ĐHCĐ thì tạo ra thông điệp không tốt cho thị trường, và hình ảnh của Eximbank. Tôi mong cổ đông lớn và cổ đông nhỏ cùng đồng lòng cho việc xây dựng ngân hàng”- Ông Tùng chia sẻ.

Theo giới đầu tư, tỷ lệ cổ đông tham dự 50,19% này đang cho thấy sự phân rẽ giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank. Tại thời điểm 31/12/2015, Eximbank có vốn điều lệ 12.355 tỷ đồng, nhưng có lượng cổ phiếu quỹ tương ứng 7,827 triệu cổ phần, do đó tổng cổ phần biểu quyết là 1.227,67 triệu cổ phần. ĐHCĐ lần 1 của Eximbank chỉ còn thiếu 14,81% cổ phần là đủ điều kiện diễn ra, vậy số cổ phần này đang nằm trong tay nhóm cổ đông lớn nào? Hồi tháng 3/2015, Eximbank bố hồ sơ sở hữu của 6 nhóm cổ đông có ứng viên tranh cử vào HĐQT nhiệm kỳ 2016-2020.

Cụ thể, ông Phạm Hữu Phú đại diện sở hữu hơn 10,09% cổ phần, ông Trần Ngọc Tâm đại diện sở hữu hơn 10,38% vốn, ông Trần Ngô Phúc Vũ là 10,03%, ông Naoki là 10,049%, ông Yasuhiro là 10,049%, ông Lê Minh Quốc đại diện sở hữu 10,22% (sau xác định chỉ là hơn 9,985%)…

Hai nhóm cổ đông nào mà ông Ngô Thanh Tùng nhắc tới là “quên” đăng ký tư cách cổ đông dự họp ĐHCĐ, dẫn tới cuộc họp bị huỷ ngoài kế hoạch? Và sắp tới, chỉ cần 2 nhóm cổ đông lớn “giận dỗi” không dự họp thì ĐHCĐ tổ chức lần 2 có nguy cơ không đạt đủ tỷ lệ tối thiểu 51%, dẫn tới lại bị huỷ họp. Tình huống này cũng đã lặp lại ở ĐHCĐ của các ngân hàng OceanBank, GPBank, VNCB và phải họp lần 3 mới thành công (không phụ thuộc vào tỷ lệ cổ đông tham dự).

Khủng hoảng nhân sự

Trước thềm ĐHCĐ lần này, dư luận cũng đặt nghi vấn Eximbank đang gặp khủng hoảng trong vấn đề nhân sự, vì việc bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016-2020 liên tục bị trì hoãn, lùm xùm. Cuộc họp ĐHCĐ bất thường cuối năm 2015 đã xảy ra nhầm lẫn về tỷ lệ biểu quyết của ông Lê Minh Quốc chỉ đạt hơn 40%, sau đó sửa lại thành 58,11% - đảm bảo đủ điều kiện trúng cử. Ông Quốc hiện là Chủ tịch và thành viên HĐQT độc lập của Eximbank.

Với biến động nhân sự và hoạt động kinh doanh sa sút nghiêm trọng, mới đây, lãnh đạo Eximbank đã lên tiếng bác bỏ những đồn đoán về cuộc “thanh trừng nội bộ” đang diễn ra căng thẳng tại ngân hàng. Thế nhưng, đến ĐHCĐ 2016 này, cổ đông Eximbank thêm lần nữa bất an vì sự vắng mặt của các nhóm cổ đông lớn đã khiến cuộc họp bất thành. Mà kỳ họp này sẽ thảo luận12 nội dung nghị sự quan trọng, trong đó có 3 tờ trình về thay đổi nhân sự HĐQT.

Đáng chú ý, HĐQT Eximbank đã nhận được thư của bà Nguyễn Thị Xuân Loan đại diện nhóm cổ đông nắm giữ 11,82% cổ phần có quyền biểu quyết tại Eximbank và thư đề nghị của ông Phạm Hữu Phương đại diện nhóm cổ đông nắm giữ 10,42% cổ phần có quyền biểu quyết. Hai nhân vật này không hề xa lạ với giới ngân hàng, vì bà Xuân Loan là nguyên Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) đã từ nhiệm từ năm 2015. Ông Phạm Hữu Phương nguyên là Trưởng Văn phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM.

Với tỷ lệ sở hữu mỗi nhóm hơn 10%, các cổ đông này đã yêu cầu đưa vào chương trình họp ĐHCĐ thường niên năm 2016 nội dung bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT của Eximbank – hiện chỉ còn 9 người. Còn nhớ, hai nhóm cổ đông đến từ NamABank do ông Trần Ngọc Tâm và ông Trần Ngô Phúc Vũ đại diện đã ứng cử vào HĐQT Eximbank, song đến phút chót, đã bị loại khỏi danh sách ứng viên trình ĐHCĐ diễn ra cuối năm 2015.

Khi hai nhân vật này rút lui, quay lại điều hành NamABank thì sự xuất hiện của bà Xuân Loan làm dấy lên nghi vấn NamABank vẫn chưa từ bỏ ý định tham gia Eximbank.

Hải Hà

 

Có thể bạn quan tâm