Nhộn nhịp thị trường đào rừng nơi phố núi Mường Thanh

Gần 2 tuần qua, đào rừng đã có mặt trên nhiều tuyến phố trước khi tập kết tại đường Nguyễn Hữu Thọ-Quốc lộ 12 nối dài ở phố núi Mường Thanh (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).
Nhộn nhịp thị trường đào rừng nơi phố núi Mường Thanh

Mỗi ngày, tại tuyến phố này, có tới hàng chục gốc đào thuộc các “dòng” đào đá, đào mốc, đào phai xuất xứ từ những “miền thủ phủ” nổi tiếng về đào rừng tại các huyện vùng cao trên địa bàn, như Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Tuần Giáo… được hội tụ về đây bày bán, phục vụ nhu cầu mua sắm chơi Tết và thưởng lãm của du khách du xuân.

Con phố Nguyễn Hữu Thọ (phường Thanh Trường) vốn dĩ có “thâm niên phố chợ đào” lại càng trở nên nhộn nhịp bởi các thương lái đổ nguồn đào rừng về đây. Điều này nhanh chóng biến con đường thành một địa chỉ nhộn nhịp trong sắc hoa. Vô số cành, gốc đào rừng xuất xứ nhiều nơi quy tụ về đây phục vụ người dân lựa chọn mua, thưởng ngoạn thỏa thú yêu hoa.

Đào rừng dựng kín hai bên đường Nguyễn Hữu Thọ trên suốt chiều dài cả kilômét, lượng người qua lại đông, cộng thêm những đoạn nhộn nhịp cảnh bán mua các loại cây cảnh, chim cảnh đồng thời, là con phố đấu nối với cầu Mường Thanh lịch sử vào khu chợ sầm uất nên con đường này trở thành “phố hoa” của thành phố Điện Biên Phủ trong những ngày giáp Tết.

Những gốc đào cổ thụ cũng được mang về bày bán tại tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, dọc bờ sông Nậm Rốm (thành phố Điện Biên Phủ). (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Dịp Tết đến, Xuân về, trong vô số những loài hoa, cây cảnh có thể trưng bày thì người dân vẫn ưu ái, thiên về lựa chọn đào rừng, bởi lẽ đào rừng có vẻ đẹp riêng, không rực đỏ, thắm sắc như đào Nhật Tân mà phớt hồng, dịu nhẹ, thân và gốc cây đào rừng lại thì xù xì, rêu mốc hanh hao, thế dáng cây lại mang nhiều đặc điểm lạ, cổ.

Anh Trần Đức Tuấn, tổ 21, phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho biết, những ngày gần Tết, anh thường tranh thủ sắp xếp thời gian để đi chọn mua đào cành, gốc rừng. Không riêng gì anh, người dân Điện Biên đã quá quen với việc mua đào rừng trưng bày trong gia đình mỗi dịp Tết. Do nhà cửa gia đình hạn chế về không gian nên anh Tuấn chọn mua cành đào có tầm giá khoảng 500.000 đồng.

Anh Vũ Văn Tiến, tổ 9, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên chia sẻ, trước Tết khoảng 15 ngày là anh đã đi chọn mua đào rừng. Do làm kinh doanh anh mình chọn mua những gốc đào có tính chất hoa mỹ một chút, thân phải to, mốc, có rêu xanh quấn bám; thế dáng có sự cổ lạ, mang yếu tố phong thủy; cành thì nhiều nụ, có hoa nở và một ít quả để hội tu được yếu tố "Lộc" trong gốc đào, thỏa nguyện mong muốn gia đình có sự no đủ. Để có được gốc đào ưng ý như vậy, anh phải đi lựa chọn nhiều ngày.

Qua khảo sát, đào năm nay có kiểu dáng, kích thước và quy mô gốc khá đa dạng, đáp ứng được nhu cầu người mua trước yêu cầu kích thước không gian nhà riêng, công sở.

Chị Trần Thị Hương Giang, thành phố Điện Biên Phủ, người bán đào rừng cho biết, chị bán đào rừng nhiều năm, năm nay, nhu cầu chơi đào rừng của người dân đã đến rất sớm. Thị hiếu người chơi thiên về lựa chọn đào già, đào mốc nên chị đã lấy về hơn chục gốc, cành có xuất xứ từ các xã vùng cao, vùng sâu của huyện Điện Biên Đông. Đào rừng năm nay bán với giá từ 200.000 đồng đến 2.000.000 đồng/gốc.

Bà Nguyễn Thị Phương, đội 11, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, người bán đào rừng cho hay, năm nay bà bán khoảng 20 gốc đào rừng, lấy từ nguồn ở xã Pú Nhi của huyện vùng cao Điện Biên Đông. So với các năm, năm nay giá bán cũng không có sự biến động lớn, hợp với lựa chọn của người dân với giá giao động từ 300.000 đồng đến hơn 2 triệu đồng/ gốc, cành

Người dân chọn mua đào trên đường Nguyễn Hữu Thọ, thành phó Điện Biên Phủ. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Do gặp thời tiết bất lợi, khắc nghiệt, hay xảy ra rét đậm, rét hại, nhất là tại các “thủ phủ” đào rừng như các huyện vùng cao Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Tuần Giáo… rồi tiếp sau những đợt lạnh lại nắng nóng kéo dài gần 1 tuần đã tác động đến quá trình sinh trưởng, phát triển của đào rừng, khiến hoa đào rừng khai nở sớm hơn và độ nở mạnh nhất của hoa đào rừng sẽ vào dịp trước Tết.

Do vậy, trong kỳ nghỉ Tết của Xuân Mậu Tuất 2018, thời gian hoa đào rừng “lưu lại” với gia chủ sẽ ngắn hơn nhiều ngày. Để hoa đào rừng vẫn nở đều và đủ trong cả dịp Tết cũng đòi hỏi gia chủ- người chơi hoa có kiến thức về chăm sóc cây cảnh và dụng tâm công phu với những cách hãm hoa, thúc nụ, kìm chế chu kỳ nở-rụng của nụ, của hoa đào rừng.

Từ bao năm qua, người Điện Biên coi hoa đào rừng mang thiên chức đánh thức mùa Xuân. Khi đi lên nương, lên đồi, vào thung sâu bắt gặp những cành đào khẳng khiu được tô điểm bởi những nụ đào vừa kịp nhú lên, e ấp trong sắc màu phơn phớt đỏ nhưng chưa chịu bung nở khoe mình là lúc người dân biết đến bước chân của Chúa Xuân đang về, Tết cổ truyền của dân tộc sắp đến.

Theo Vietnamplus

Có thể bạn quan tâm