Những câu hỏi dành riêng cho nhà sáng lập startup

Bài viết chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của CEO Apex Global Corporation công ty cung cấp dịch vụ đào tạo, tư vấn trong lĩnh vực phần mềm, hệ thống quản lý công nghệ thông tin và các giải pháp kinh do
Những câu hỏi dành riêng cho nhà sáng lập startup

Có một tác giả của một cuốn sách viết về tư duy phản biện mở lời rằng: “Chất lượng cuộc sống của chúng ta được quyết định bởi tư duy của ta. Chất lượng tư duy của ta, đến lượt nó, được quy định bởi chất lượng của những câu hỏi của ta, bởi lẽ câu hỏi là động cơ, là lực truyền động nằm đằng sau tư duy. Không có câu hỏi, chúng ta không có gì để tư duy”.

Trong kinh doanh nói chung, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào tư duy của người đứng đầu. Còn trong các doanh nghiệp mới, các startup, sự thành – bại càng phụ thuộc nhiều vào tư duy của nhà sáng lập (founder).

Theo tư duy phản biện trên, chất lượng câu hỏi và câu trả lời của founder là tiền đề để tạo ra kết quả hoạt động của startup. Nhà sáng lập cần đặt ra các câu hỏi và đưa ra câu trả lời để xác định cái đích mà mình muốn đến với các mục tiêu kỳ vọng đạt được trong tương lai, và xác định cách thức hành động để hướng đến các mục tiêu ấy. Đó chính là tư duy chiến lược.

Bằng kinh nghiệm khởi nghiệp của mình, theo người viết, để có được một định hướng chiến lược tốt, các founder của startup cần đặt ra và trả lời các câu hỏi trong từng giai đoạn và những vấn đề sau:

Chọn ngành

- Ngành nào mình có thể làm tốt nhất?

- Chuỗi giá trị của ngành là gì?

- Với nguồn lực hiện có và khả năng huy động nguồn lực thì mình làm được công đoạn nào tốt nhất trong chuỗi giá trị của ngành?

- Mỗi công đoạn ấy cũng có nhiều phân khúc, vậy phân khúc nào mình cần hướng đến?

- Để làm tốt phân khúc đó thì cần phối hợp với đối tác nào? (Đối tác ở đây có thể là nhà cung cấp nguyên vật liệu, cung cấp công nghệ, phân phối, cung cấp tài chính..., và cả những nhân sự chủ chốt).

- Cần có phương pháp, công cụ nào hỗ trợ để có thể đưa ra quyết định chọn lựa phù hợp?

- Liệu mình có khả năng làm giỏi nhất trong ngành, công đoạn, phân khúc mình có ý định chọn hay không? (Nhiều khi các founder của startup chỉ nghĩ rằng mình sẽ làm tốt, nhưng chưa nghiên cứu kỹ về bối cảnh thị trường. Thị trường là một trong những yếu tố chính quyết định đến sự tồn tại và phát triển của startup).

Vào ngành

- Ngành mình chọn có quy định ràng buộc gì không?

- Có quy định, pháp lý nào liên quan đến địa phương mà mình chọn làm thị trường?

- Khách hàng của mình tập trung ở đâu?

- Độ lớn của thị trường như thế nào?

- Nhân khẩu học của khách hàng mình đang hướng đến như thế nào?

- Văn hóa của khách hàng mục tiêu có gì đặc biệt?

- Đối thủ có sản phẩm trong phân khúc và phạm vi mình cung cấp dịch vụ là ai? Năng lực của họ như thế nào? Lợi thế cạnh tranh mà họ có là gì?

- Những công nghệ nào đang được áp dụng trong ngành mình chọn? Công nghệ nào phù hợp nhất?

- Điểm mạnh và điểm yếu của con thuyền của mình là gì?

- Đối tác mình cần phối hợp là ai?

- Đội ngũ nhân sự chủ chốt mình cần là như thế nào? Ở đâu?

Những câu hỏi trên, startup đừng chỉ suy nghĩ một cách chủ quan và không tìm hiểu, mà hãy viết ra và phân tích cụ thể để có một góc nhìn rõ ràng, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp của mình.

Xác định sứ mệnh và tầm nhìn

Theo Chủ tịch Kido Trần Kim Thành, khái niệm Sứ mệnh (Mission) có thể hiểu đơn giản là gắn với chữ “Phải” - các công việc phải làm để đạt được Tầm nhìn (Vision), tức cái mình “Muốn”. Theo đó, có một vài câu hỏi mà founder cần trả lời:

- Những công việc nào doanh nghiệp mình cần phải làm?

- Cái kết quả mình muốn hướng đến là gì?

- Mối liên hệ giữa cái “muốn” cái “phải làm” và cái “chọn” có liên quan gì với nhau? Đây là một câu hỏi khó nhưng nó giúp các founder đánh giá lại những quyết định chọn lựa của mình.

Xác định chiến lược

Sau khi trả lời các câu hỏi trên để hiểu được ngành, thị trường và cả mong muốn dựa trên nguồn lực nội tại của bản thân, startup đi đến quyết định lựa chọn chiến lược cho doanh nghiệp, bằng việc đặt ra và trả lời những câu hỏi mang tính quyết định sau:

- Chiến lược sử dụng sản phẩm hiện có để thâm nhập sâu vào thị trường hiện hữu có phù hợp? Tại sao?

- Chiến lược sử dụng sản phẩm hiện có để phát triển thị trường mới có phù hợp? Tại sao?

- Chiến lược phát triển sản phẩm mới trên thị trường hiện có phù hợp không? Tại sao?

- Chiến lược đa dạng hóa sản phẩm có phù hợp? Tại sao?

Quản trị danh mục đầu tư

Vì được tạo ra từ niềm đam mê nên sản phẩm của startup thường được các founder thần tượng hóa. Nhưng thị trường mới chính là nơi quyết định sự thành công của sản phẩm. Bởi vậy, việc quản trị danh mục đầu tư cực kỳ quan trọng, nó quyết định “dòng máu” (cashflow) của doanh nghiệp mình chảy như thế nào.

- Doanh nghiệp có bao nhiêu sản phẩm đang mang lại “nguồn máu” chính? Mỗi sản phẩm đó đang ở giai đoạn nào trong vòng đời?

- Doanh nghiệp có bao nhiêu sản phẩm ngôi sao đang lên và hứa hẹn mang nhiều “nguồn máu” mới cho doanh nghiệp? Dự kiến bao lâu sản phẩm đó trở thành “con bò sữa” cho doanh nghiệp?

- Doanh nghiệp có bao nhiêu sản phẩm đang xây dựng và phát triển thị trường? Dự kiến sau bao lâu sản phẩm trở thành sản phẩm ngôi sao đang lên hoặc trở thành “con bò sữa”?

- Doanh nghiệp có bao nhiêu sản phẩm sắp hết vòng đời? Khi nào cần loại bỏ chúng?

Thời điểm vào thị trường

Thời điểm phù hợp là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của một startup.

- Làm sao biết được thời điểm tung sản phẩm nằm ở giai đoạn thị trường chấp nhận?

- Làm sao biết thời điểm nào thị trường hết cơ hội cho sản phẩm của ta?

- Nếu chọn thời điểm tung sản phẩm ở thời điểm thị trường còn mới, chưa chấp nhận sản phẩm thì liệu doanh nghiệp có đủ nguồn lực để thực hiện công việc giáo dục thị trường?

- Mỗi giai đoạn phát triển của thị trường thì nguồn lực cần là gì? Bộ máy tổ chức ra sao? Năng lực lãnh đạo và thực thi của đội ngũ như thế nào? Công nghệ liên quan như thế nào? Hệ thống quản lý cần như thế nào?...

Còn rất nhiều câu hỏi mà founder của startup cần trả lời. Nếu ngay từ đầu founder đặt ra các câu hỏi trọng tâm tốt và có câu trả lời rõ ràng thì startup sẽ chạy tốt hơn. Câu trả lời phụ thuộc vào bối cảnh, năng lực của riêng founder...

Bạn có thể hình dung founder của startup như những phi công cầm lái chuyến bay của mình, trong chuyến bay ấy có nhiều đồng đội, đối tác. Điều gì xảy ra khi định hướng chuyến hành trình không rõ ràng? Điều gì xảy ra khi việc hoạch định các chặng đường của chuyến bay không được suy nghĩ một cách thấu đáo, không lên kế hoạch trước khi máy bay cất cánh? Bởi vậy, sự thành công của startup phụ thuộc rất nhiều ở tư duy chiến lược và cách thực thi của founder.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn

Có thể bạn quan tâm