Những “ông lớn” gọi được tiền từ trái phiếu

Năm 2016, thị trường liên tiếp đón các đợt phát hành trái phiếu của các “ông lớn” trong khối ngân hàng và doanh nghiệp, nổi bật nhất là những cái tên như ACB, Vietcombank (VCB), Vingroup… Kết quả, trê
Những “ông lớn” gọi được tiền từ trái phiếu

Các ngân hàng lớn đẩy mạnh huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu

Điểm lại năm 2016, có thể thấy thị trường trái phiếu tiếp tục được hưởng lợi từ mặt bằng lãi suất đang duy trì ở mức thấp, tình hình kinh tế duy trì tương đối ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có nhiều cải thiện.

Trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành kênh đầu tư khá hấp dẫn trên thị trường so với các kênh đầu tư khác. Chính vì vậy, thị trường trái phiếu đã diễn ra tích cực với các kết quả đáng ghi nhận cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Một trong các điểm nhấn của thị trường trong năm nay là các đợt phát hành liên tiếp của các ngân hàng thương mại. Đây cũng là năm chứng khiến khối lượng phát hành vượt trội của nhóm chủ thể này trong nhiều năm trở lại đây, đồng thời, ngân hàng trở thành chủ thể phát hành có quy mô lớn nhất trên thị trường với tổng khối lượng dự kiến đạt trên 27.000 tỷ đồng.

Hầu hết các đợt phát hành trái phiếu của ngân hàng thương mại là trái phiếu bổ sung vốn tự có cấp hai với kỳ hạn trên 5 năm. Trái phiếu này đã trở thành một trong những công cụ hữu hiệu cho các ngân hàng trong việc cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). Một số cái tên đáng chú ý trên thị trường trong những năm qua tiếp tục là những đơn vị dẫn đầu thị trường phát hành năm nay như VietinBank, Agribank, BIDV, bên cạnh một vài cái tên khá mới như VCB, ACB…

Theo đó, trong tháng 6, ACB thu về hơn 285 tỷ đồng từ 27 nhà đầu tư cá nhân và 1.715 tỷ đồng từ 7 nhà đầu tư tổ chức trong tổng khối lượng phát hành 2.000 tỷ đồng và gần đây nhất là kết quả phát hành của VCB với hơn 1.550 tỷ đồng huy động từ 3.990 nhà đầu tư cá nhân và 430,5 tỷ đồng từ 77 nhà đầu tư tổ chức, góp phần vào thành công chung của đợt phát hành 2.000 tỷ đồng cuối tháng 11 vừa qua.

Bên cạnh khối ngân hàng, năm 2016 cũng ghi nhận nỗ lực của khối các công ty chứng khoán với khối lượng phát hành đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Mặc dù, khối lượng phát hành không lớn nhưng các công ty chứng khoán đã duy trì đà phát hành đều đặn trong năm với phân khúc nhà đầu tư tương đối ổn định là quỹ đầu tư và nhà đầu tư cá nhân.

Đối với khối các tổ chức kinh tế (ngoài ngân hàng, chứng khoán), Vingroup nổi bật với giao dịch phát hành trái phiếu trong nước có bảo lãnh thanh toán của CGIF, một quỹ tín thác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Theo công bố thông tin của Vingroup, giao dịch này được thực hiện trong tháng 2/2016 với khối lượng phát hành 3.000 tỷ đồng ở hai kỳ hạn 5 năm và 10 năm, lãi suất tương ứng là 7,75% và 10%/năm, cố định trong suốt thời hạn trái phiếu.

Giao dịch này trở thành điểm nhấn của thị trường không chỉ vì quy mô phát hành trong một đợt của một doanh nghiệp tư nhân, mà còn vì Vingroup đã khẳng định được vị thế và năng lực của mình trong mắt tổ chức tài chính quốc tế chuyên nghiệp và uy tín như CGIF để được cấp bảo lãnh thanh toán cho trái phiếu.

Tính đến nay, chỉ có 2 doanh nghiệp được CGIF chấp thuận cấp bảo lãnh thanh toán trái phiếu tại thị trường Việt Nam là Masan (2015) và Vingroup (2016). Ngoài giao dịch trên, thị trường còn chứng kiến giao dịch phát hành trái phiếu của một công ty liên kết của Vingroup là Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ và Thương mại TP. HCM (Vicentra), được biết đến với dự án Vinhomes Golden River được quy hoạch tại nhà máy đóng tàu Ba Son TP. HCM.

Công ty này đã phát hành 3.900 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm và trở thành giao dịch có khối lượng lớn nhất trong khối các tổ chức kinh tế.

Bên cạnh đó, một số cấu trúc trái phiếu đặc biệt cũng được giới thiệu trong năm. Ngoài giao dịch trái phiếu có bảo lãnh thanh toán CGIF của Vingroup như trên, trong nửa đầu tháng 12, thị trường còn chứng kiến hai đợt phát hành trái phiếu kèm chứng quyền của Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GEX) với khối lượng 1.800 tỷ đồng (trong tổng khối lượng 2.000 tỷ đồng, chia thành 3 đợt), kỳ hạn 3 năm, lãi suất 8,5% năm đầu tiên và biên độ là 2,5% cho các kỳ sau (so với tiền gửi tiết kiệm cá nhân trả sau bằng VND kỳ hạn 12 tháng), chứng quyền sau ngày phát hành sẽ được giao dịch tách riêng với trái phiếu. Đây là giao dịch trái phiếu kèm chứng quyền hiếm hoi trên thị trường trong năm.

Ngoài tính đa dạng trong cấu trúc trái phiếu thì tổ chức phát hành đã linh hoạt hơn trong việc sử dụng các hình thức phát hành khác nhau. Nếu như trước đây, trái phiếu thường được phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp (tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm...) thì hiện nay phát hành trái phiếu ra công chúng cũng được sử dụng thường xuyên hơn, tiêu biểu là đợt phát hành trái phiếu ra công chúng của Ngân hàng ACB và VCB với kết quả đáng nể.

Năm 2016 cũng cho thấy một xu hướng mới trong việc tìm đến đối tượng nhà đầu tư là các cá nhân và doanh nghiệp, thay vì chỉ chú trọng vào các nhà đầu tư chuyên nghiệp với nguồn vốn hữu hạn. Xu hướng này còn được khẳng định mạnh hơn nữa từ các giao dịch trái phiếu thứ cấp cho các nhà đầu tư cá nhân.

Điển hình là Công ty Chứng khoán Ngân hàng Kỹ thương đã đi tiên phong trong việc “xé lẻ” các trái phiếu doanh nghiệp lô lớn để bán cho các cá nhân VIP với lãi suất hấp dẫn hơn so với lãi tiền gửi tiết kiệm thông thường tại ngân hàng.

Theo báo cáo đầu tư do công ty này công bố, đến cuối tháng 11, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Kỹ thương đã bán ra hơn 12.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp cho trên 5.000 nhà đầu tư cá nhân tại 34 tỉnh thành trên cả nước. Liệu kết quả trên đã đủ hấp dẫn để mở ra một cuộc chạy đua giữa các tổ chức tài chính trong việc tiếp cận công chúng đầu tư thông qua trái phiếu doanh nghiệp?

Trong những tuần cuối cùng của năm 2016, các đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp vẫn diễn ra gấp gáp. Số liệu phát hành những tháng cuối năm có thể gây bất ngờ lớn cho thị trường và nhiều khả năng đưa tổng khối lượng phát hành trong năm vượt mức 50.000 tỷ đồng.

Dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong năm 2016, tuy nhiên vẫn còn không ít những tồn tại cần khắc phục. Một trong số đó chính là rủi ro tín dụng.

Mặc dù từ cuối năm 2014, Chính phủ đã ban hành quy định về dịch vụ định hạng tín nhiệm, tuy nhiên đến nay chưa có một tổ chức định hạng nào được thành lập. Do đó, trái phiếu doanh nghiệp khi phát hành và chào bán đến các nhà đầu tư chưa được một tổ chức độc lập thẩm định đánh giá về các rủi ro của trái phiếu và tổ chức phát hành.

Vì vậy, nhà đầu tư đang phải tự mình đánh giá rủi ro cho khoản đầu tư, đặc biệt rủi ro này còn tăng hơn đối với các nhà đầu tư không chuyên như các cá nhân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc thông tin không đầy đủ đã tạo ra một thị trường trái phiếu chưa minh bạch, nơi nhà đầu tư thiếu cơ sở để đưa ra quyết định đầu tư, từ đó quyền lợi của họ không được đảm bảo. Điều này xảy ra chủ yếu tại các giao dịch phát hành riêng lẻ.

Mong rằng những thay đổi trong quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cũng như sự tăng cường giám sát của cơ quan chức năng, thị trường trái phiếu có thể sớm khắc phục phần nào những hạn chế trên, để kênh huy động vốn từ trái phiếu đến rộng hơn với nhiều doanh nghiệp.

Theo An Doãn/ĐTCK

Có thể bạn quan tâm