Nổ lợi nhuận "khủng", ngân hàng "ăn bớt" dự phòng rủi ro?

Một số ngân hàng đang phải "co kéo" lợi nhuận để giúp làm đẹp số liệu trên sổ sách. Phía sau những con số lợi nhuận nghìn tỷ là thực tế khá phũ phàng: chi phí dự phòng rủi ro đã bị "ăn bớt" hoặc báo l
Nổ lợi nhuận "khủng", ngân hàng "ăn bớt" dự phòng rủi ro?

Từ năm 2013 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 09 và Thông tư 02 nhằm siết chặt việc phân loại, trích lập dự phòng nợ xấu để phản ánh đúng sức khoẻ tài chính của ngân hàng.

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC), đến cuối năm 2015 hệ thống ngân hàng còn khoảng 179.501 tỷ đồng nợ quá hạn (chiếm tỷ lệ 4,4%) và 200.000 tỷ đồng nợ xấu (tỷ lệ 2,9%), đều giảm đáng kể so với năm 2014. Nợ xấu giảm nhanh chủ yếu là nhờ bán “sang tay” cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tổng số hơn 243.000 tỷ đồng nợ xấu.

Tù mù trích dự phòng

Dù nợ xấu đã được “đổi chủ”, dọn khỏi sổ sách nhưng các ngân hàng vẫn phải trích dự phòng đầy đủ theo quy định để có nguồn bù đắp thiệt hại. Thực tế, có nơi tuân thủ việc phân loại nhóm nợ, trích đúng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu, trái phiếu (theo Thông tư 02 và 09 của NHNN). Song có nơi lại tù mù số liệu dự phòng, thậm chí “giấu nhẹm” báo cáo tài chính, như cách mà ACB, Eximbank, VPBank... đang "co kéo" lãi.

Như trường hợp Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), sau khủng hoảng vụ án Bầu Kiên và Huyền Như đã hé lộ khối nợ xấu, nợ quá hạn rất lớn. Đơn cử: năm 2012, nợ xấu của ACB bất ngờ tăng mạnh lên 2.571 tỷ đồng, chiếm 2,5% dư nợ, trong đó có 1.150 tỷ đồng nợ nhóm 5- có khả năng mất vốn mà ACB phải trích lập dự phòng 100%. Nhưng ACB chỉ trích thêm 515 tỷ đồng dự phòng cụ thể trong năm (!?).

Cuối năm 2015, nợ xấu của ACB là 1.770 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 là 1.066 tỷ đồng, nhưng trong năm ACB chỉ trích thêm 411 tỷ đồng dự phòng...
Năm 2013, nợ xấu của ACB tăng lên tới 3.242 tỷ đồng, riêng nợ nhóm 5 tăng gấp đôi lên 2.122 tỷ đồng, mà tổng dự phòng trích lập chỉ là 1.548 tỷ đồng… Cuối năm 2015, nợ xấu giảm nhanh xuống còn 1.770 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ nhóm 5 là 1.066 tỷ đồng và trong năm ACB chỉ trích thêm 411 tỷ đồng dự phòng, nâng số dư dự phòng cuối kỳ lên 1.540 tỷ đồng…
Do chi phí dự phòng quá lớn nên lợi nhuận sau thuế của ACB đã bị “ăn mòn” hơn một nửa, chỉ còn lại 1.028 tỷ đồng. Tương tự, tại Eximbank, nợ xấu tại ngày 31/12/ 2014 là 2.144 tỷ đồng (nợ nhóm 5 tăng lên 1.343 tỷ đồng).
Theo phân loại nợ vào ngày 30/11/2014, Eximbank có hơn 2.085 tỷ đồng nợ xấu nhóm 3-5 và đã trích lập dự phòng 319 tỷ đồng. Năm 2014, Eximbank đã bán gần 4.056 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC và thu về 3.882 tỷ đồng trái phiếu, phải trích lập rủi ro 20% cho trái phiếu. Tại ngày 31/12/2014, tổng trái phiếu VAMC là 4.784 tỷ đồng, tuy nhiên, Eximbank chỉ trích lập dự phòng thêm là 184 tỷ đồng, thấp hơn mức quy định.
Nợ xấu “ăn mòn” lợi nhuận
Một số ngân hàng khác như Techcombank, SHB, VIB, BIDV, Vietcombank, MaritimeBank… cũng chật vật xử lý khối nợ xấu lớn và phải bán bớt cho VAMC để “làm đẹp” nhanh sổ sách. Việc trích dự phòng rủi ro được tuân thủ tốt hơn ở các ngân hàng có quản trị khắt khe, như Vietcombank, cuối năm 2015 còn gần 7.779 tỷ đồng nợ xấu (nhóm 3-5), riêng nợ nhóm 5 là 5.672 tỷ đồng.
Trong năm, Vietcombank trích thêm được 5.109 tỷ đồng dự phòng rủi ro cho vay, tổng số dư dự phòng cuối kỳ còn 8.609,8 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là: các ngân hàng sẽ mất bao nhiêu lợi nhuận nếu thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo đúng tỷ lệ 5%, 20%, 50%, 100% cho từng nhóm nợ xấu, nợ quá hạn từ nhóm 2-5?
Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng TMCP cho thấy có sự “vênh” số liệu đáng kể giữ trích lập dự phòng thực tế và tỷ lệ theo quy định của NHNN. Đơn cử, năm 2013, Ngân hàng VPBank có gần 1.474 tỷ đồng nợ xấu (tỷ lệ 2,8%), và tăng lên gần 1.989 tỷ đồng vào cuối năm 2014 (tỷ lệ 2,54%).
Căn cứ theo phân loại nhóm nợ, VPBank phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tổng cộng 891,6 tỷ đồng (năm 2013) và 1.130 tỷ đồng (năm 2014). Song VPBank chỉ ghi nhận đã trích thêm 476 tỷ đồng (năm 2013) và 1.182 tỷ đồng dự phòng (năm 2014). Do phải lấy 674 tỷ đồng dự phòng cụ thể để xử lý nợ xấu nên số dự phòng cuối kỳ còn lại 549,6 tỷ đồng…
VPBank đã “tiêu” tới 926 tỷ đồng dự phòng để bù đắp nợ xấu trong năm 2013-2014. Theo báo cáo quý 4/2015, tại ngày 31/12/2015, nợ xấu của VPBank bất ngờ tăng mạnh tới 58% so với cuối năm 2014, lên 3.145 tỷ đồng (tỷ lệ 2,69%). Riêng nợ nhóm 5-có nguy cơ mất vốn tăng gấp đôi lên mức 1.354 tỷ đồng, đồng nghĩa VPbank sẽ phải trích lập 100% khoản nợ này.
Nhưng mức trích lập dự phòng trên báo cáo lại thấp hơn quy định, như tại ngày 30/11/2015, VPBank có 6.357 tỷ đồng nợ nhóm 2, số dự phòng trích được 251 tỷ đồng, chỉ bằng 3,95% dư nợ và thấp hơn tỷ lệ quy định trích lập là 5%. Và hơn 1.483 tỷ đồng nợ nhóm 5- nguy cơ mất vốn chỉ được trích dự phòng là 156,4 tỷ đồng, chỉ bằng 10,5% dư nợ xấu, thấp hơn mức trích lập 100% bắt buộc theo quy định. Vậy gần 90% số dự phòng còn thiếu cho nợ xấu nhóm 5 (tương ứng khoảng 1.334 tỷ đồng) này đang “lẩn khuất” ở đâu trên sổ sách của VPBank? Và nếu trích lập đủ, số lợi nhuận sau thuế 2.395 tỷ đồng liệu còn lại bao nhiêu?
Chưa hết, cuối năm 2015, VPBank có hơn 4.520 tỷ đồng trái phiếu VAMC song chỉ trích lập dự phòng được 567 tỷ đồng, bằng 12,5% giá trị trái phiếu trong khi quy định phải trích đủ 20%/năm. Ngược lại VPBank đã phải dùng tới 1.960 tỷ đồng dự phòng từ nguồn này để bù đắp mất vốn… Việc trích lập dự phòng rủi ro không đầy đủ sẽ phản ánh không chính xác số lợi nhuận thực của ngân hàng. Và khi nguồn dự phòng “eo hẹp” thì ngân hàng sẽ lấy tiền ở đâu đề bù đắp nợ khó thu hồi, mất vốn?
Hải Hà
Thời báo Tài chính VN

Có thể bạn quan tâm