Nợ xấu hơn 14.200 tỷ đồng, BIDV chỉ lãi 2.485 tỷ đồng trong quý 1

Do quy mô nợ xấu lớn, BIDV đã phải trích dự phòng rủi ro hơn 6.000 tỷ đồng khiến cho lợi nhuận chỉ “nhích” nhẹ, đạt 2.485 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2018.
Nợ xấu hơn 14.200 tỷ đồng, BIDV chỉ lãi 2.485 tỷ đồng trong quý 1

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã: BID) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2018 với tăng trưởng kinh doanh khả quan.

Tại thời điểm 31/3/2018, tổng tài sản của BIDV chỉ tăng nhẹ 2,1% lên gần 1,227 triệu tỷ đồng. Huy động tiền gửi tăng 5,8%, đạt 910.053 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng chỉ tăng 1,4% so với hồi đầu năm và là mức tăng tín dụng thấp nhất, đạt 867.289 tỷ đồng.

Các hoạt động kinh doanh trong kỳ vẫn có sự tăng trưởng ở mức hai con số, cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước đạt 9.165 tỷ đồng. Lãi thuần từ dịch vụ tăng 29,8% so với cùng kỳ, đạt 745 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận khoản lãi 214 tỷ đồng, tăng mạnh tới 75% so với cùng kỳ. 

Đáng chú ý, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh tăng đột biến gấp 5 lần, đạt 528 tỷ đồng nhờ thị trường khởi sắc. Song hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lại bị lỗ 16 tỷ đồng, giảm lỗ đáng kể so với số lỗ 67 tỷ đồng của quý 1 năm trước.

BIDV còn ghi nhận khoản lãi từ hoạt động khác tăng gần 3 lần, đạt 598 tỷ đồng.

Trong quý 1, chi phí hoạt động của ngân hàng đã giảm tới 15% so với cùng kỳ, chỉ còn 2.779 tỷ đồng nhờ cắt giảm chi phí cho nhân viên giảm mạnh 502 tỷ, giảm chi lương và trợ cấp…

Thế nhưng, do ngân hàng phải trích lập tới 6.013 tỷ đồng dự phòng rủi ro nên lợi nhuận trước thuế quý 1 chỉ đạt 2.485 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ và lãi sau thuế 2.021 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối luỹ kế tới cuối quý 1 của BIDV có hơn 8.931 tỷ đồng và vốn điều lệ ngân hàng vẫn giữ nguyên mức 34.187 tỷ đồng.

Trái với dư nợ tín dụng tăng trưởng thấp, quy mô nợ xấu của BIDV trong quý 1 vẫn tiếp tục “phình” to hơn lên tới 14.208 tỷ đồng, chiếm 1,62% tổng dư nợ. Trong đó, nợ nhóm 5 – có nguy cơ mất vốn tăng lên 5.898 tỷ đồng, gấp 3 lần lợi nhuận sau thuế làm ra trong quý 1.

Hoạt động kinh doanh của BIDV có dấu hiệu kém đi so với nhóm ngân hàng gốc quốc doanh như Vietcombank, Vietinbank… sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu, rời ghế Chủ tịch HĐQT từ ngày 1/9/2016. Trong vòng 1 năm rưỡi, ghế nóng Chủ tịch HĐQT của ngân hàng vẫn chưa có người đảm nhận.

Ngày 2/5/2018, ông Trần Anh Tuấn đã có đơn xin từ nhiệm vị trí Ủy viên phụ trách HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022. Được biết, ông Tuấn đã đến tuổi nghỉ hưu vào tháng 4 vừa qua khi đã sang tuổi 60. Ông Tuấn được bầu vào vị trí Ủy viên phụ trách HĐQT sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu và ghế Chủ tịch HĐQT vẫn bỏ trống từ đó đến nay.

>> Người đứng đầu HĐQT từ nhiệm, ghế Chủ tịch BIDV "nóng càng thêm nóng"

Có thể bạn quan tâm