Nợ xấu tiềm ẩn sẽ cao hơn con số báo cáo

Theo BVSC, tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng thương mại có thể vẫn sẽ được kiểm soát ở mức thấp trong quý cuối năm nhưng tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn trên thực tế sẽ cao hơn các con số trên báo cáo chính thức.
Nợ xấu tiềm ẩn sẽ cao hơn con số báo cáo

Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa có báo cáo chiến lược về hoạt động của ngành ngân hàng, trong đó đưa ra đánh giá đối với Thông tư 01 về giãn, hoãn các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm có sự sửa đổi để kéo dài thời hạn của Thông tư này sang năm 2021 nhằm giảm sốc cho hệ thống ngân hàng.

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng thương mại có thể vẫn sẽ được kiểm soát ở mức thấp trong quý cuối năm nhưng tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn sẽ cao hơn các con số trên báo cáo chính thức.

Trên thực tế, các báo cáo tài chính cuối quý II đã cho thấy nợ xấu tại nhiều ngân hàng đang tăng dần dù đã tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Cụ thể, báo cáo bán niên 2020 cho thấy, tổng nợ xấu của Vietcombank tăng 11% so với đầu năm nay, khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,79% lên 0,83%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 58% và nợ nghi ngờ tăng 56%.

Tương tự, tại thời điểm cuối tháng 6/2020, tổng nợ xấu của BIDV tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 11%, nợ nghi ngờ tăng 21% và nợ có khả năng mất vốn tăng 17%, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,75% lên 2%.

Tại VietinBank, tổng nợ xấu tính đến 30/6/2020 tăng đến 48% so với đầu năm, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng 250% và nợ nghi ngờ tăng 84%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,16% lên 1,7%.

Tình trạng nợ xấu tăng mạnh, đặc biệt là nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ cũng diễn ra tại Sacombank, ACB, OCB, Eximbank...

Cũng theo BVSC, trong quý III, thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục ở trạng thái dồi dào nhờ cung vốn VND tăng (qua hoạt mua ròng ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước) và cầu vốn tăng chậm (tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9 mới tăng 6% trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%). Theo đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp nhất trong lịch sử trong suốt quý III (0,2-0,4%/năm).

Vào ngày cuối cùng của tháng 9, Ngân hàng Nhà nước đã có thêm 1 lần cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%. Như vậy, tính từ đầu năm 2020 đến nay, nhằm giúp nền kinh tế đối phó với những khó khăn do Covid mang lại, Ngân hàng Nhà nước đã có tổng cộng 3 lần cắt giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn (dưới 6 tháng) với tổng mức cắt giảm là 1%. 

Tuy vậy, BVSC đánh giá hiệu quả thực tế của những lần cắt giảm lãi suất điều hành trong việc kích thích tổng cầu càng về sau càng giảm.

Ngoài ra, lãi suất huy động hạ có thể là nguyên nhân khiến tiền gửi từ khu vực dân cư tăng chậm lại (7 tháng đầu năm tăng 7,85% so với cùng kỳ trong khi trung bình cùng kỳ các năm gần đây đều tăng trên 10%). Hoàn toàn có khả năng một phần dòng tiền gửi từ dân cư đã chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.

BVSC cho rằng tăng trưởng tín dụng trong quý IV sẽ tăng tốc mạnh hơn so với 3 quý đầu năm (do yếu tố mùa vụ và tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt). Mặc dù vậy, tăng trưởng tín dụng cho cả năm nay nhiều khả năng vẫn sẽ ở mức thấp (chỉ quanh mức 10%).

Có thể bạn quan tâm