Nợ xấu vẫn là gánh nặng với các ngân hàng

Theo thống kê số liệu tài chính của 16 ngân hàng đã công bố BCTC quý III/2020 cho thấy nợ xấu của các ngân hàng đều có sự tăng trưởng so với hồi đầu năm.
Nợ xấu vẫn là gánh nặng với các ngân hàng

Tính đến cuối tháng 9, tổng nợ xấu nội bảng của các ngân hàng ở mức 49.600 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm, tương đương tăng 31%. 

Chỉ có 2/16 ngân hàng có nợ xấu giảm là SeABank và NCB. Cụ thể, nợ xấu nội bảng cuối tháng 9 của NCB là 720 tỷ đồng, giảm 10 tỷ so với đầu năm; giúp tỷ lệ nợ xấu (trên tổng dư nợ cho vay) giảm từ 1,93% xuống còn 1,8%. Còn tại SeABank, nợ xấu cuối tháng 9 là 2.184 tỷ đồng, giảm 96 tỷ so với đầu năm; đưa tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,31% xuống mức 2,23%.

Trong khi đó, 14 ngân hàng còn lại đều có nợ xấu tăng, với nhiều nhà băng tăng hơn 50% trong 9 tháng. Các ngân hàng lớn như Vietcombank, Sacombank, MBBank, VPBank, ACB đều có nợ xấu tăng. 

Nợ xấu nội bảng của ACB tại ngày 30/9/2020 là 2.480 tỷ đồng, tăng tới 71% so với đầu năm, trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng gấp 3,5 lần lên 830 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng theo đó cũng tăng từ 0,54% hồi đầu năm lên 0,84%.

Nợ xấu của Vietcombank trong 9 tháng cũng tăng hơn 2.000 tỷ đồng, tương đương tăng 36% lên 7.885 tỷ. Trong đó nợ nhóm 3 và nhóm 4 tăng mạnh 4,2 lần và 2,7 lần. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng từ mức 0,79% cuối năm 2019 tăng lên 1,01%.

Hay tại Sacombank, nợ xấu nội bảng tăng 19% lên 6.837 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân hàng vẫn còn hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu tại VAMC. 

Tại VPBank hợp nhất (bao gồm cả công ty con), nợ xấu nội bảng cuối tháng 9 ở mức 10.147 tỷ đồng, tăng 15,3% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 3,42% lên 3,65%. Trong đó, nợ xấu của ngân hàng mẹ VPBank là 5.690 tỷ đồng, chiếm 2,71% trong tổng dư nợ cho vay, tăng nhẹ so với mức 2,69% hồi đầu năm. Nếu tính trên tổng dư nợ tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp), tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ VPBank chỉ khoảng 2,1%.

Nợ xấu MBBank hợp nhất cũng tăng hơn 1.100 tỷ đồng lên 4.036 tỷ đồng khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,16% lên 1,5%.

Chất lượng cho vay tại VIB cũng ghi nhận dấu hiệu giảm so với đầu năm với nợ xấu tính trên cho vay khách hàng tăng 26%, đạt trên 3.185 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 61% còn nợ nghi ngờ tăng gấp đôi đã khiến tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ của ngân hàng cuối tháng 9 là 2,14% (đầu năm là 1,96%).

Đáng chú ý, xu hướng tăng nợ xấu xuất hiện tại cả nhóm ngân hàng giảm trích lập dự phòng như MSB tổng nợ xấu tăng 31%, đạt trên 1.700 tỷ. Nhiều ngân hàng nhỏ, quy mô tầm trung cũng có nợ xấu tăng mạnh. Trong đó trường hợp đặc biệt là Kienlongbank với nợ xấu tăng gấp 6,5 lần so với đầu năm lên 2.241 tỷ đồng. Một ngân hàng nhỏ khác có nợ xấu cũng tăng mạnh là VietBank, tăng 61% lên 867 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 1,32% lên 2,03%.

Còn đối với TPBank, ngân hàng có tăng trưởng dư nợ cho vay vượt trội, nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng mạnh nhất, ghi nhận mức tăng 82% so với đầu năm 2020, tương đương hơn 555,2 tỉ đồng tại thời điểm cuối quý III/2020. Nợ nhóm 3, nhóm 5 của TPBank cũng tăng lần lượt 76% và 27% so với thời điểm đầu năm 2020.

Theo các chuyên gia, áp lực với các ngân hàng trong thời gian tới rất lớn khi Thông tư 01 quy định về cơ cấu thời hạn trả nợ sớm muộn cũng đến lúc phải hết hiệu lực. Khi đó, nợ xấu sẽ buộc phải nổi lên với quy mô cao hơn nhiều so với con số "đẹp" báo cáo trước đó. Các ngân hàng lúc này sẽ phải đối mặt với khối nợ xấu đồ sộ.

Có thể bạn quan tâm