Nội các "tỉ đô" của ông Donald Trump: Xung khắc khó tránh

Chính phủ mới của Mỹ do Tổng thống đắc cử Donald Trump chỉ định có sự góp mặt của những doanh nhân triệu phú và tỷ phú, và điều này là chưa có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ.
Nội các "tỉ đô" của ông Donald Trump: Xung khắc khó tránh

Hoạt động kinh doanh và làm chính trị là hai lĩnh vực hoạt động khác biệt nhau hoàn toàn cả về tôn chỉ mục đích lẫn môi trường và phương cách thực hiện. Nhưng chúng lại không chỉ liêm quan mật thiết với nhau mà thậm chí còn ràng buộc lẫn nhau bởi quyền và tiền.

Tình ngay – tình gian

Đương nhiên, kẻ có quyền thì mới có thể lạm quyền và kẻ có tiền thì mới có thể dùng tiền để đút lót và hối lộ nhằm trục lợi và họ cũng đương nhiên chỉ hối lộ kẻ có quyền chứ không hối lộ kẻ vô danh tiểu tốt. Kẻ không có quyền thì không thể lạm quyền và không thể có cơ hội để tham nhũng. Cũng chính vì thế mà khi doanh nhân giàu tiền lắm của trở thành kẻ có quyền trong bộ máy công quyền và kẻ có quyền liên quan đến kinh doanh thì cung khắc lợi ích sẽ trở nên không thể tránh khỏi.

Ở các quốc gia, đội ngũ chức sắc từ tổng thống đến thành viên chính phủ, từ dân biểu đến lãnh đạo các tổ chức đều có vai trò quyết định đối với việc hoạch định và tổ chức triển khai thực hiện chính sách. Về pháp lý cũng như đạo lý, diện người này phải sử dụng quyền lực được cử tri hay thành viên giao phó để đưa ra những biện pháp chính sách có lợi cho cộng đồng, phục vụ cho lợi ích chung của cả cộng đồng, tức là phải thật sự vô tư và khách quan, trong sáng và công minh. Cả trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, họ cũng phải tuân thủ và đảm bảo những tiêu chí nói trên. Vũ khí công hiệu nhất của họ là quyền lực, thể hiện ở những biện pháp chính sách mà tất cả các đối tác khác, trong đó có giới doanh nghiệp, phải chấp hành. Trong khi đó, giới doanh nhân phải chăm lo hàng đầu cho lợi ích của doanh nghiệp. Vũ khí đắc dụng nhất của họ là tiền.

Những ví dụ điển hình nhất về xung khắc lợi ích này trong năm 2016 thôi là Brazil và Pháp. Ở Brazil, nữ tổng thống đầu tiên của nước này, bà Dilma Rousseff, bị quốc hội luận tội phế truất với cáo buộc tham nhũng và lạm quyền. Thật ra, bà tổng thống đã chịu trận thay cho Đảng Công nhân Brazil trong những năm là đảng cầm quyền đã để cho một số tập đoàn kinh tế lôi kéo vào tai tiếng bê bối tham nhũng và hối lộ. Nhiều chức sắc trong chính phủ và quốc hội đã đưa ra các quyết sách có lợi cho hãng nọ hãng kia nhưng gây thiệt hại cho công quỹ nhà nước. Tổng thống và chủ tịch thượng viện đương nhiệm của đất nước này hiện cũng trong tình cảnh tương tự, nhưng chưa đến mức bị phế truất như bà Rousseff.

Đương kim giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế, bà Christine Lagarde hiện cũng đang bị toà án ở Pháp tiến hành điều tra vì khi còn là bộ trưởng tài chính ở Pháp đã có những quyết định có lợi một cách mờ ám cho một tập đoàn có quan hệ mật thiết với mình.

Tách bạch quyền - tiền: Bất khả thi

Theo đài phát thanh NPR, trong một lá thư của Văn phòng Đạo đức chính phủ Mỹ (OGE), đích thân giám đốc OGE Walter M. Shaub, Jr. đã khuyên Tổng thống đắc cử Donald Trump nên gạt bỏ tất cả những lợi ích từ đế chế kinh doanh của mình để tránh xung đột lợi ích khi bước vào Nhà Trắng.

"Nhiều đạo luật liên bang của Mỹ cấm các nhân viên chính phủ, kể cả các thành viên trong nội các, tham gia vào quá trình ra quyết định những điều luật có khả năng đem lại lợi ích tài chính cho bản thân họ, cho gia đình hay thậm chí doanh nghiệp đối tác.

Còn ở Mỹ, khi trở thành Phó tổng thống Mỹ, thời George W. Bush, ông Dick Cheney là chủ của nhiều công ty mà về sau có được nhiều hợp đồng kinh doanh béo bở ở Iraq - nơi Mỹ tiến hành chiến tranh mà ông Cheney là một trong những người xung quanh ông Bush ủng hộ tiến hành chiến tranh mạnh mẽ nhất. Toàn những chuyện lý gian tình gian và cả khi lý dẫu có ngay thì tình vẫn gian.

Thế giới hiện tại đầy rẫy những chuyện như vậy. Nhưng được để ý đến nhiều nhất hiện tại và trong thời gian tới có lẽ là chuyện các thành viên chính phủ mà tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đang tuyển mộ và đề cử cho nội các của mình. Việc lựa chọn cộng sự chưa xong đối với ông Trump nhưng dư luận đã có thể thấy ông Trump dành ưu ái đặc biệt cho những tướng lĩnh quân đội đã về hưu và cho những tỷ phú, triệu phú, những nhà tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ông.

Đã có một so sánh là tài sản của tất cả các thành viên chính phủ của ông Bush Con chỉ được không đầy 90 triệu USD mà giờ với chỉ những người đã được ông Trump lựa chọn làm thành viên chính phủ, mới chỉ có một số chứ chưa phải tất cả, thì tổng số tài sản của họ đã lên tới 35 tỷ USD. Bản thân ông Trump với khối lượng tài sản ước tính trị giá 10 tỷ USD, với rất nhiều công ty và tài sản ở 20 quốc gia trên thế giới, giờ làm tổng thống Mỹ thì tách biệt sao đây lợi ích riêng với trách nhiệm phải công minh và vô tư trong mọi quyết sách. Hay như tân bộ trưởng ngoại giao Rex Tillerson hiện là chủ tịch tập đoàn Exxon, lại rất thân thiết với tổng thống Nga Vladimir Putin và đã được trao tặng Huân chương của Nga. Liệu xung khắc lợi ích có thể bị chế ngự không, khi không thể loại trừ khả năng ông Tillerson rồi đây sẽ thiên vị Exxon và quan hệ với Nga.

Trong số những người đến nay đã được ông Trump chọn làm thành viên nội các có các tỷ phú và triệu phú như bộ trưởng kinh tế Wilbur Ross (2,9 tỷ USD) chuyên kinh doanh thép, than và viễn thông, bộ trưởng giáo dục Betsy DeVos (5,1 tỷ USD) là chủ tịch tập đoàn Windquest Group, bộ trưởng tài chính Steven Mnuchin (40 triệu USD)... Những người này đều là thương gia nhảy vào chính trường như ông Trump. Có thể họ không đến mức giờ cần quyền để kiếm tiền, nhưng chắc chắn sẽ dùng tiền để chơi cuộc chơi mới với quyền lực. Trong mọi trường hợp, xung khắc lợi ích làm sao mà có thể tránh khỏi được. Nếu không có những chế tài cần thiết và thật sự hiệu quả về pháp lý và đạo lý thì sự xung khắc lợi ích này sẽ còn dai dẳng nữa.

Hoàng Lan

Có thể bạn quan tâm