Nội dung phản cảm, nhiều công ty lớn đồng loạt dừng quảng cáo trên YouTube

Lidl, Diageo, Mars Inc, Deutsche Bank AG, Adidas AG và nhiều công ty khác đã đồng loạt rút quảng cáo khỏi YouTube sau khi chúng xuất hiện trên những video không phù hợp.
Nội dung phản cảm, nhiều công ty lớn đồng loạt dừng quảng cáo trên YouTube

Hàng ngàn video có tư tưởng ấu dâm

Những đoạn video trên thu hút không ít kẻ có tư tưởng ấu dâm. Hiện có hàng trăm, hàng ngàn video như vậy đang tồn tại trên YouTube. Không những thế, thuật toán sẽ tự động đề xuất các video có nội dung tương tự, chẳng hạn hình ảnh các bé gái đang tắm.

Động thái này được cho xuất phát từ bài viết trên The Times của Anh, dẫn chứng về việc nhiều quảng cáo của các tập đoàn lớn xuất hiện trước và trong các video clip có nội dung không phù hợp. Chẳng hạn như những cảnh bé gái mặc chỉ độc mỗi chiếc quần nhỏ, đang vệ sinh cá nhân hoặc nằm ngủ. Bên dưới video là nhiều lời bình luận thô tục từ những kẻ bị cho là mang tư tưởng ấu dâm.

Theo The Times, khi một video được đính kèm quảng cáo, chủ sở hữu sẽ nhận được 55% tiền ăn chia từ YouTube. Cứ mỗi 1.000 lượt view, người đăng video sẽ thu được 7 USD. Đó là tiền từ những thương hiệu lớn phải trả cho YouTube, và điều này khiến họ nổi điên.  

Adidas cho rằng đây là việc "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Nhãn hàng Mars cũng tuyên bố "không bao giờ quảng cáo trên YouTube nữa".

"Chúng tôi dừng quảng cáo trên YouTube và Google ngay khi biết tin. Chúng tôi rất sốc và không ngờ rằng quảng cáo lại được phát trên những nội dung nhạy cảm như thế", đại diện Deutsche Bank nói với Bloomberg.

 Quảng cáo của Deutsche Bank bị YouTube hiển thị trên những video không phù hợp. 

"Hoàn toàn không thể chấp nhận được sự tồn tại của những nội dung như vậy. Do đó, những biện pháp ngăn chặn nội dung tiêu cực mà Google từng cam kết với chúng tôi, rõ ràng là không hiệu quả", nữ phát ngôn của Lidl tuyên bố.     

"Những hình ảnh các bé gái mặc đồ tắm hoặc đồ lót thường rất được bọn ấu dâm ưa chuộng vì không bị cấm và có thể lan truyền dễ dàng", Einar Otto Stangvik, chuyên gia an ninh mạng ở Nauy, chia sẻ.

Chế độ không kiểm duyệt, người xem phải tự “cắm cờ” nội dung phản cảm

Đầu năm nay, YouTube cũng đối mặt với làn sóng rút quảng cáo từ hàng chục công ty lớn như Johnson & Johnson, JPMorgan Chase, Verizon, AT&T, Starbucks, Pepsi, Walmart, Sainsbury's, Toyota, Volkswagen, HSBC, Marks and Spencer, L'Oreal, BBC... 

Những công ty, tổ chức này rút quảng cáo khỏi YouTube vì cho rằng chúng bị đặt nhầm chỗ vào những video tiêu cực, không phù hợp.

Theo Reuters, chính phủ Anh cũng dừng hợp tác với YouTube sau khi một số quảng cáo lĩnh vực công xuất hiện trong các video cực đoan. Kéo theo một loạt các doanh nghiệp lớn ở nước này tuân theo, "nói không" với YouTube. 

Đây là một đòn giáng rất nặng với YouTube nói riêng và Google nói chung. Nếu không tính Mỹ, Anh là thị trường lớn nhất của Google nhờ đem về doanh thu 7,8 tỷ USD (chủ yếu từ quảng cáo) trong năm 2016. Con số này tương đương 9% doanh thu toàn cầu của Google.

Việc xuất bản video hiện nay là khá dễ dàng nên nhiều Youtuber vì lợi nhuận tải lên những video không phù hợp nhằm tăng view

Theo The Times, đội ngũ tình nguyện viên hoạt động trên YouTube chỉ gồm 26 người, nhưng chỉ có 3 người đảm trách việc phát hiện các vấn đề liên quan đến trẻ em. Nhóm này được thành lập phi lợi nhuận vì không chấp nhận được sự thờ ơ trong khâu kiểm duyệt của YouTube.

"Từ tháng 8 năm nay, chúng tôi đã gắn cờ cho hơn 12.000 video có nội dung kiểu này. Chúng vẫn còn rất nhiều, dự tính không dưới 50.000 video nhạy cảm. YouTube chắc chắn biết rõ điều đó nhưng họ không làm gì. Bọn họ có quan tâm gì đến sự an nguy của bọn trẻ đâu, YouTube chỉ muốn giữ hình ảnh thôi", một tình nguyện viên giấu tên chia sẻ.

Để xóa video có nội dung phản cảm trên YouTube rất nhiều người dùng chỉ còn biết “cắm cờ” và phải rất nhiều “cờ” thì nội dung đó mới bị xóa và khi đó lượt người xem được có lẽ đã khá cao.

Để tránh sự việc bị đẩy đi quá xa, ngày 20/3 năm nay, Google đã phải đăng đàn nhận lỗi.

"Tôi muốn xin lỗi các đối tác và nhà quảng cáo, những người có thể đã bị ảnh hưởng bởi quảng cáo của họ xuất hiện trên các nội dung gây tranh cãi", Matt Brittin, Chủ tịch điều hành và kinh doanh khu vực EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi) của Google, phát biểu trong sự kiện Advertising Week Europe ở London.

"Google hy vọng sẽ có thêm thông báo về cách giải quyết vấn đề quảng cáo xuất hiện bên cạnh những video cực đoan trong những ngày tới", Brittin cam kết.

Đã nhiều tháng trôi qua, YouTube và Google đều không cho thấy chuyển biến tốt. Động thái rút quảng cáo mới đây của Mars, Deutsche Bank AG và Adidas AG đã chứng tỏ nền tảng video lớn nhất thế giới vẫn chưa giải quyết được vấn đề nhức nhối này.

Theo eMarketer, doanh thu quảng cáo toàn cầu của Google trong năm 2017 dự kiến đạt 73,75 tỷ USD, chiếm 62% trong tổng thị trường tìm kiếm trị giá khoảng 99,62 tỷ USD.

Đi vào hoạt đông (tháng 2/2005), YouTube đã trở thành một thế lực khổng lồ trên Internet. Thậm chí người ta đã thống kê được tổng thời lượng video được upload lên YouTube trong 60 ngày nhiều hơn tổng thời lượng Video của 3 đài truyền hình lớn nhất nước Mỹ sản xuất ra trong vòng… 60 năm!

Trung bình một thành viên bỏ ra khoảng từ 15 đến 25 phút mỗi ngày vi vu trên YouTube. Các video trên YouTube là do người dùng tạo ra và tải lên. Nếu như trước kia việc tạo video và tải lên đơn thuần nhằm mục đích chia sẻ thì hiện nay YouTube đang thực hiện chính sách ăn chia lợi nhuận quảng cáo với các YouTuber.

Việc này tạo lên một lượng video đồ sộ được xuất bản hàng ngày hàng giờ do các YouTuber tải lên, nhưng không ít những cá nhân lợi dụng sự thông thoáng của YouTube chia sẻ nội dung phản cảm để tăng view mục đích cá nhân hoặc nhằm thu lợi từ việc ăn chia lợi nhuận từ YouTube.

Có thể bạn quan tâm