Nỗi lo chiến tranh thương mại bao trùm nhà đầu tư

Việc Mỹ chính thức áp thuế nhập khẩu với hàng hóa của Trung Quốc và động thái đáp trả lại của Bắc Kinh khiến giới đầu tư sóng trong sợ hãi, đẩy các thị trường đồng loạt giảm mạnh trong phiên cuối tuần
Nỗi lo chiến tranh thương mại bao trùm nhà đầu tư

Sau khi tăng tốt trong phiên thứ Năm nhờ thông tin ECB không tăng lãi suất, phố Wall đã đồng loạt giảm điểm trong phiên cuối tuần khi nỗi lo chiến tranh thương mại nổi lên.

Cụ thể, Mỹ đã chính thức áp thuế nhập khẩu trị giá 50 tỷ USD với hàng hóa của Trung Quốc, trong đó, giai đoạn đầu có giá trị 30-40 tỷ USD. Ngay lập tức, Trung Quốc cũng có động thái tương tự với các mặt hàng nhập từ Mỹ.

Kết thúc phiên 15/6, chỉ số Dow Jones giảm 84,83 điểm (-0,34%), xuống 25.090,48 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,83 điểm (-0,10%), xuống 2.779,66 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 14,66 điểm (-0,19%), xuống 7.746,38 điểm.

Sau khi lấy lại đà tăng mạnh 2,77% tuần trước đó, tuần qua, Dow Jones đã đảo chiều giảm 0,89%, trong khi S&P 500 và Nasdaq có tuần tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng lần lượt là 0,02% và 1,32%.

Tương tự, trên thị trường chứng khoán châu Âu, lo ngại chiến tranh thương mại khiến các thị trường chứng khoán chính trong khu vực đồng loạt giảm khá mạnh trong phiên cuối tuần qua sau khi tăng điểm tốt trong phiên thứ Năm khi ECB giữ nguyên lãi suất.

Kết thúc phiên 15/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 131,88 điểm (-1,70%), xuống 7.633,91 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 96,55 điểm (-0,74%), xuống 13.010,55 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 26,57 điểm (-0,48%), xuống 5.501,88 điểm.

Trong tuần qua, chỉ số DAX có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 1,91%, trong khi chỉ số FTSE lại có tuần giảm thứ 4 liên tiếp với mức giảm 0,61%, còn chỉ số CAC 40 hồi phục 0,95% sau 3 tuần giảm liên tiếp trước đó.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không tăng lãi suất giúp chứng khoán Nhật Bản hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần qua, trong khi cuộc chiến thương mại bắt đầu diễn ra khiến chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông tiếp tục giảm.

Kết thúc phiên 15/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 113,14 điểm (+0,50%), lên 22.851,75 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 130,68 điểm (-0,43%), xuống 30.309,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 22,26 điểm (-0,73%), xuống 3.021,90 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 0,69%, trong khi chỉ số Hang Seng đảo chiều giảm mạnh 2,10% sau khi hồi phục 1,53% trong tuần trước đó, còn chỉ số Shanghai Composite tiếp tục có tuần giảm thứ 4 liên tiếp với mức giảm 1,48%.

Lo ngại chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc và Mỹ - EU khiến đồng bạc xanh tăng vọt, đẩy giá vàng lao dốc trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 15/6, giá vàng giao ngay giảm 23 USD (-1,77%), xuống 1.278,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 26,3 USD (-2,01%), xuống 1.282,0 USD/ounce.

Phiên lao dốc cuối tuần đã khiến giá vàng giảm mạnh trở lại trong tuần qua sau khi hồi nhẹ trước đó. Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 1,55% và giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 1,59%.

Bất chấp phiên lao dốc cuối tuần và đồng USD tăng mạnh, giới đầu tư và phân tích vẫn có cacsi nhìn lạc quan về giá vàng trong tuần mới.

Cụ thể, trong 16 chuyên gia trả lời tuần này, có 10 người, chiếm 63% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, cao hơn so với mức 59% của tuần trước. Có 4 người, tương đương 25% dự báo sẽ giá vàng sẽ giảm, cao hơn chút ít so với con số 24% của tuần trước và 2 người, chiếm 13% dự báo giá sẽ đi ngang.

Tương tự, trong 1.081 lượt người tham gia khảo sát trực tuyến, có 683 người, chiếm 63% dự báo giá vàng sẽ tăng, cao hơn so với mức 61% của tuần trước đó; 306 lượt người, chiếm 28% dự báo giảm, nhỉnh hơn so với mức 27% của tuần trước đó và 95 lượt người, chiếm 8% có quan điểm trung tính.

Tương tự, lo ngại về nguồn cung tăng lên khi nhiều khả năng OPEC sẽ nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong cuộc họp diễn ra trong tháng 6 này khiến giá dầu thô đồng loạt giảm mạnh. Trong đó, giá dầu thô Mỹ có phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 15/5, trong khi giá dầu thô Brent cũng giảm tới 3,4%.

Kết thúc phiên 15/6, giá dầu thô Mỹ giảm 1,83 USD (-2,81%), xuống 65,06 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,50 USD (-3,40%), xuống 73,44 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ có tuần giảm thứ 4 liên tiếp với mức giảm 1,03%, còn giá dầu thô Brent có tuần giảm thứ 2 liên tiếp với mức giảm mạnh 3,95%.

Có thể bạn quan tâm