Nông nghiệp bền vững: Không phải cứ lớn hơn là tốt hơn

Nông nghiệp Việt Nam phải tiến tới một nền nông nghiệp hiện đại với công nghệ mới, năng suất cao và giá trị gia tăng lớn… Tất cả những điều đó chỉ đạt được khi có sản xuất quy mô lớn, từ bỏ kiểu sản x
Nông nghiệp bền vững: Không phải cứ lớn hơn là tốt hơn

Đã có một sự thay đổi rõ rệt trong suy nghĩ của các nhà làm chính sách và các nhà đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp trong vài năm qua. Nông nghiệp được coi là ưu tiên chiến lược, là lĩnh vực cạnh tranh lợi thế đối với Việt Nam. Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, nông nghiệp đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu…

Thế nhưng gần đây tăng trưởng của ngành này đang chậm lại, đời sống nông dân vẫn đầy khó khăn, không ít nơi nông dân chán không buồn làm nông nghiệp… và ngày càng bộc lộ những yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp trong khi cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt.

Nông nghiệp Việt Nam phải tiến tới một nền nông nghiệp hiện đại với công nghệ mới, năng suất cao và giá trị gia tăng lớn… Tất cả những điều đó chỉ đạt được khi có sản xuất quy mô lớn, từ bỏ kiểu sản xuất nhỏ lẻ manh mún… Nhiều ý kiến cho rằng nông nghiệp Việt Nam chưa thể sản xuất lớn bởi vướng vấn đề hạn điền và tích tụ ruộng đất.

Tất cả những vấn đề này, một lần nữa được đưa ra tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa Xuân 2017 do Liên minh Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Diễn đàn cho rằng một nút thắt quan trọng cần tháo gỡ để tạo động lực cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn mới là thể chế, bao gồm các thể chế chính thức (chính sách, pháp luật) và phi chính thức (các tập quán, nhận thức chung, hoạt động của các hội, hiệp hội trong nông nghiệp…). Tuy nhiên, cũng tại Diễn đàn này, có những ý kiến khác rất đáng quan tâm khi khẳng định nông nghiệp Việt Nam muốn phát triển bền vững cần quan tâm đến quy mô hộ.

“Không phải là “cứ lớn hơn thì sẽ tốt hơn”, TS. Andrew Wells-Dang - Chuyên gia cao cấp, Oxfam Việt Nam lưu ý. TS.Andrew đã làm việc ở Việt Nam 20 năm và nói tiếng Việt rất tốt cho thấy ông đã thâm nhập và rất am hiểu về Việt Nam. Nhìn vào những thay đổi về chính sách và hệ thống nông nghiệp, ông nhận thấy vừa hy vọng nhưng cũng vừa lo lắng. “Hy vọng là vì tôi đã thấy được sự quan tâm và đầu tư cho nông nghiệp ngày càng tăng. Nhưng nỗi lo lắng lớn nhất chính là “tinh thần công nghiệp hóa” bởi không phải là “cứ lớn hơn thì sẽ tốt hơn”. Không phải cứ có công nghệ, hóa chất và công nghệ sinh học... là sẽ giải quyết được tất cả mọi vấn đề”.

Theo TS.Andrew, cách tiếp cận “lớn” sẽ tốt hơn này được theo đuổi bởi các công ty kinh doanh nông nghiệp đa quốc gia. Nếu hướng này được thực hiện theo hướng cực đoan, sẽ dẫn đến việc đào thải rất nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ, biến họ trở thành những người làm thuê trên chính mảnh đất đã từng thuộc sở hữu của mình. Nó cũng đem đến những hậu quả nghiêm trọng về môi trường mà người dân Việt Nam ngày càng nhận thức rõ ràng hơn. Và một dấu hiệu đáng lo ngại nữa rằng nhiều người nông dân không nhìn thấy một tương lai tươi sáng trong ngành nông nghiệp, đó là điều nguy hiểm.

Ông Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh BDI cũng nêu một quan điểm đáng lưu ý: Nông nghiệp Việt Nam chỉ có thể phát triển tốt và bền vững khi có sự kết hợp tốt giữa sản xuất nhỏ và sản xuất lớn, phát triển sản xuất hàng hóa nhưng không thể bỏ qua kiểu sản xuất tự cung tự cấp… và vấn đề hộ nông dân với quy mô nhỏ đã và sẽ là vấn đề của cả thế kỷ.

“Trong nông nghiệp có tất cả, trong nông thôn có tất cả, có lương thực đến ẩm thực, có từ vấn đề kinh tế đến văn hóa, xã hội và tín ngưỡng, dân tộc, có cả di sản vật thể lẫn di sản phi vật thể”, ông Nghĩa lưu ý. Vì vậy, cần có sự kết hợp giữa sản xuất nhỏ và sản xuất lớn, kết hợp phát triển nông nghiệp và làng nghề với du lịch, kết hợp giữa sản xuất hàng hóa với quy mô sản xuất tự cung tự cấp. “Khách du lịch đến làng, họ sẽ thú vị hơn khi trong bữa ăn có cà chua vừa được hái từ vườn, họ sẽ thích hơn khi uống trà vừa hái trên nương hãm với nước mưa ở bể hay nước múc lên từ giếng khơi”… ông Nghĩa gợi mở.

Ở nông thôn, không chỉ là sản xuất nông nghiệp mà còn rất nhiều làng nghề, theo đó thì không thể thiếu vắng các hộ sản xuất nhỏ, thợ thủ công… Và cho dù cố gắng thu hút DN lớn đầu tư vào nông nghiệp thì cũng không thể bỏ quên các hộ sản xuất quy mô gia đình… Bởi không lâu nữa robot sẽ thay thế nhiều lao động… lúc đó lao động thiếu việc nhiều nếu không có khu vực nông thôn đón nhận thì sẽ gặp nhiều hệ lụy lớn về kinh tế, xã hội và nhiều vấn đề trong tương lai. Nhưng cũng cần đào tạo để nâng cao năng lực sản xuất của người nông dân, và lao động ở khu vực nông thôn, nâng cao khả năng quản trị ở chính hộ sản xuất của họ, ở làng nghề của họ để vừa hiện đại hóa nông nghiệp, vừa công nghệ hóa sản xuất mà vẫn giữ được nét văn hoá, di sản dân tộc, góp phần phát triển duy trì hộ sản xuất kèm phát triển ngành kinh tế du lịch…

Như vậy không chỉ tập trung vốn và phát triển cho DN lớn, cần phải tạo cơ hội cho DN nhỏ, tiểu hộ phát triển. Việc xây dựng nông nghiệp công nghệ cao không nên ồ ạt, cào bằng. Bài học công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn bị trở ngại, nhiều nơi "bê tông hoá" nông thôn, làng mạc đã minh chứng cho việc chúng ta làm ồ ạt, sai quy trình.

TS.Andrew cho biết: “Chúng tôi tin rằng các hộ sản xuất nhỏ là chìa khóa để mở ra một nền nông nghiệp công bằng, an toàn và hiệu quả… May mắn thay, vẫn chưa muộn để tránh những rủi ro này và thay vào đó, lựa chọn những chính sách nông nghiệp lấy người dân làm trung tâm, những chính sách bền vững hơn giúp tăng thu nhập của người nông dân, giảm bất bình đẳng xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn và an ninh lương thực”.

 Theo thoibaonganhang.vn

Có thể bạn quan tâm