Nông nghiệp sạch: Khó hay rất khó?

Anh Nghiêm Văn Minh, Việt kiều Pháp, vốn là chuyên gia khoa học máy tính tại Pháp, sau khi kết hôn với chị Nguyễn Thị Bích Thủy năm 2010, đã quyết định về nước bắt đầu làm bạn với cây dâu và lập nên C
Nông nghiệp sạch: Khó hay rất khó?

Từ người mới trên thị trường…

Tích lũy được nhiều kinh nghiệm khi từng làm việc với các trang trại lớn của Pháp, hai vợ chồng anh chị đã bắt tay vào dựng lên những nhà kính đầu tiên của mình tại Đà Lạt, nơi khí hậu được đánh giá là khá thuận lợi cho những giống cây xứ lạnh như dâu tây, dưa lưới, hương thảo hay cải xoăn kale…

Chị Bích Thủy chia sẻ: "Ở thời điểm bắt đầu, tại Việt Nam lúc đó vẫn chưa có nhiều mô hình hướng theo kiểu sản xuất như vậy nên anh chị ngoài việc xin hướng dẫn từ xa của những người bạn nước ngoài, còn thì tự mày mò để kiến tạo nên trang trại Biofresh này với nhiều lần thử nghiệm thất bại. Có những loại cây mình nghĩ nó phù hợp thì chưa hẳn nó đã chịu đựng được khí hậu ở Việt Nam, còn có loại thì lại phát triển rất đáng ngạc nhiên. Anh chị đã phải tốn rất nhiều công sức, tiền bạc tới Pháp, Hà Lan học hỏi và huy động các mối quan hệ bạn bè ở Pháp và Việt Nam giúp đỡ mới có thể vượt qua hàng loạt trở ngại về pháp lý, kỹ thuật trồng dâu... đặc biệt là mà mang được giống dâu tốt từ Pháp về Việt Nam."

Anh Nghiêm Minh cho biết thêm: "Việc tuyển nhân công cũng là một khó khăn lớn với Biofresh bởi công nhân có trình độ và kỹ thuật thường rất hiếm, việc đào tạo một công nhân mới tốn khá nhiều thời gian và công sức nên anh chị rất ưu tiên trong việc duy trì lượng nhân sự ổn định bằng các chính sách lương và bảo hiểm khá ưu ái."

Vì là người mới trên một thị trường rộng lớn đã có sẵn rất nhiều nhà cung cấp rẻ và nhiều, thời kỳ đầu anh, chị đã khá gian nan khi tìm và mời chào các đối tác để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Chị Bích Thủy chia sẻ: "Do mình đi theo mô hình sạch và giống hữu cơ nhiều nên chi phí đầu vào đã rất cao, vậy nên sản phẩm đầu ra của mình không thể nào thấp được. Dân mình thì quen với mua đồ rẻ rồi nên chúng tôi tập trung đánh vào thị trường các khách sạn, nhà hàng cao cấp, cũng phải trải qua rất nhiều thử thách họ mới chấp thuận đưa sản phẩm của mình vào bếp của họ. Trong tương lai Biofresh sẽ tập trung vào phát triển hệ thống phân phối qua các đại lý."

Để có thể theo đuổi và thành công với mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, chủ đầu tư phải có một lượng vốn lớn và tính kiên nhẫn cao, bởi thời gian thành công sẽ là rất muộn.

Đến "hàng hot" Biofresh Farm

Trang trại Biofresh nằm trong khu du lịch hồ Than Thở (phường 8, Tp Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) giờ đây là một địa điểm nổi tiếng thu hút khá nhiều khách du lịch đến tham quan. Với cây dâu là cây trồng chủ yếu, được trồng trên giàn trong nhà kính theo tiêu chuẩn châu Âu, không sử dụng thuốc trừ sâu hay bất cứ chất hóa học có hại nào, luôn là sản phẩm cháy hàng của trang trại này.

Theo anh Nghiêm Minh, sau nhiều năm vừa làm vừa học hỏi và rút kinh nghiệm, giải pháp trồng dâu trên khay giá thể sẽ thuận lợi hơn cho chăm sóc và thu hoạch, đặc biệt giải pháp này tiết kiệm khoảng 30% chi phí sản xuất, riêng vận chuyển có thể tiết kiệm tới 50% chi phí... Việc đặt các chậu cây trên giàn cũng phải có tiêu chuẩn về độ cao, khoảng cách. Trung bình mỗi sào đất, trang trại này đang trồng khoảng 8.000 cây dâu.

Sau 7 năm kỳ công gắn bó với cây dâu, hiện tại, với 2ha dâu tại Biofresh Farm, đang sử dụng 15 lao động, cho thu hoạch 30 tấn trái/năm, doanh thu khoảng khoảng 5,5 tỷ VNĐ. Nhưng tổng chi phí đầu tư đã lên đến khoảng 30 tỷ đồng (100% tiền vốn gia đình, không phải vay), nên hiện vẫn chưa có lãi... Với mỗi hộp dâu trọng lượng 0,5 kg được bán tại Biofresh với giá 125.000 đồng, đắt hơn giá nhiều loại dâu khác ngoài thị trường, nhưng vẫn luôn "cháy hàng". Trang trại xuất bán tươi 80% sản lượng, còn lại khoảng 20% được chế biến làm mứt, sy-rô.

Đã có nhiều đối tác nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật Bản...) tìm đến đặt hàng của Biofresh Farm với khối lượng lớn, nhưng doanh nghiệp chưa có sản phẩm đáp ứng vì diện tích canh tác quá bé không đảm bảo sản lượng... Anh Nghiêm Minh cho biết đã được thành phố rất ủng hộ và khuyến khích đầu tư 20 ha đất mới để mở rộng sản xuất, nhưng bài toán nguồn vốn đầu tư hiện đang làm đau đầu gia đình khi chi phí cần có lên tới 40 tỷ đồng.

Với những người đang bắt đầu theo mô hình như Biofresh, chị Bích Thủy cho rằng phải có trong tay lượng kiến thức và kỹ thuật chắc chắn, khi nắm được được công nghệ mới có thể đảm bảo cho ra được những sản phẩm đúng chuẩn, sạch và hữu cơ. Quan trọng hơn, để có thể theo đuổi và thành công với mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, chủ đầu tư phải có một lượng vốn lớn và tính kiên nhẫn cao, bởi thời gian thành công sẽ là rất muộn.

Có thể bạn quan tâm