“Nửa chừng xuân” cổ phiếu ngân hàng

Nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên sàn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, SHB, Eximbank… đều bất ngờ giảm giá sau thông tin về kết quả kinh doanh quý II/2016. Có ngân hàng báo lãi nghìn tỷ, có nơi
“Nửa chừng xuân” cổ phiếu ngân hàng

Nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên sàn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, SHB, Eximbank… đều bất ngờ giảm giá sau thông tin về kết quả kinh doanh quý II/2016. Có ngân hàng báo lãi nghìn tỷ, có nơi lại chỉ lãi “bèo bọt”, nợ xấu vẫn rình rập tăng cao, đe dọa “ăn mòn” lợi nhuận.

Các ngân hàng vẫn báo lãi lớn, song thông tin từ Chính phủ cho biết, “nợ xấu vẫn chưa được xử lý tốt”, có xu hướng tăng, đã tác động tới tâm lý, khiến giá cổ phiếu ngân hàng giảm sâu. Niềm vui của nhà đầu tư vẫn xen lẫn nỗi lo, dè chừng trước mọi rủi ro có thể ảnh hưởng tới cổ phiếu ngân hàng. Từ hiện tượng Vietcombank… Trong bối cảnh TTCK khởi sắc, chỉ số VNIndex vượt hơn 644 điểm - mức đỉnh cao nhất kể từ năm 2008, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng “dậy sóng” ở hai mã chủ chốt như VCB (Vietcombank), CTG (Vietinbank). Các mã như RIB (Eximbank), BID (BIDV), STB (Sacombank), SHB, ACB, MBB (ngân hàng Quân đội) biến động rất nhẹ hoặc đi ngang. Còn hàng chục ngân hàng lớn khác như Techcombank, VPbank, MaritimeBank, HDBank, Agribank, PVcombank… có quy mô vốn lớn, song hiện vẫn giao dịch ở thị trường tự do, thanh khoản thấp, ít có biến động giá. Mới đây, cổ phiếu VCB bất ngờ “khuấy đảo” thị trường khi tăng một mạch từ quanh 47.000 đồng/CP hồi cuối tháng 6 lên mức 57.500 đồng/CP vào ngày 13/7/2016, tức tăng tới 23% thị giá chỉ trong vòng một tháng, khiến cho cả thị trường ngạc nhiên, phấn khích. Giao dịch cũng sôi động hơn, có phiên lên tới vài triệu đơn vị. Hiện tượng VCB “leo dốc” bắt đầu khi xuất hiện thông tin Vietcombank lãi lớn, tăng tới 40% trong nửa đầu năm. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của Vietcombank cũng góp phần tăng hưng phấn, niềm tin cho các nhà đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và TTCK. Nhưng, đến ngày 14/7, cổ phiếu VCB lại quay đầu giảm mạnh, mỗi phiên giảm hơn 1.000-2.000 đồng/CP trong hàng chục phiên liên tiếp. Ngày 3/8, giá cổ phiếu VCB vẫn tiếp tục giảm hơn 1.000 đồng, xuống giao dịch ở mức 50.500 đồng/CP. Chỉ sau nửa tháng, VCB đã “bốc hơi” tới 12,2% thị giá. Giá trị vốn hoá trên thị trường của Vietcombank cũng giảm mạnh, chỉ còn 134.584 tỷ đồng.
Các ngân hàng vẫn báo lãi lớn, song thông tin từ Chính phủ cho biết, “nợ xấu vẫn chưa được xử lý tốt” Giá cổ phiếu VCB tiếp tục giảm khi Vietcombank chính thức công bố lợi nhuận sau thuế 1.580 tỷ đồng, tăng 19% và lũy kế 6 tháng, lãi sau thuế đạt 3.421 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Khi tín dụng tăng nhanh hơn 10,35% thì nợ xấu của Vietcombank cũng “phình” to, trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm hơn 4.676 tỷ đồng. Những lo ngại về nợ xấu cao, đẩy chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh khiến lợi nhuận sẽ bị “ăn mòn” có lẽ là yếu tố khiến nhà đầu tư “buông tay” với VCB. Lợi nhuận “biến hóa”? Trên thị trường, nhà đầu tư cũng dồn sự chú ý vào biến động giá các cổ phiếu ngân hàng lớn như Vietinbank, BIDV, Eximbank, MB… Trong đó, giá cổ phiếu CTG đã giảm 5 phiên liên tiếp từ 18.000 đồng/CP, xuống còn 17.100 đồng/CP ngày 3/8, tức giảm 5%. Giá trị vốn hoá Vietinbank đã “bốc hơi” tới 2.600 tỷ đồng chỉ sau một tuần giao dịch. Giá cổ phiếu CTG đã bị ảnh hưởng sau thông tin lợi nhuận trước thuế quý II/2016 của Vietinbank sụt giảm tới 19% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1.867 tỷ đồng. Luỹ kế lợi nhuận trước thuế 6 tháng qua vẫn tăng 10%, đạt 4.272 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 3.408 tỷ đồng, tăng 13%. Lợi nhuận hao hụt mạnh là do chi phí hoạt động tăng tới 25%, chi phí dự phòng rủi ro nợ xấu tăng tới 53%. Đến cuối tháng 6, quy mô nợ xấu của Vietinbank tăng lên tới 5.366 tỷ đồng, còn tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm xuống mức thấp là 0,9%. Trong đó, có tới 3.050 tỷ đồng là nợ có nguy cơ mất vốn. Tương tự, cổ phiếu BID cũng lao một mạch từ mức cao nhất 17.700 đồng ngày 27/7 xuống còn 17.100 đồng/CP, giảm gần 4% trong môt tuần qua. Giá trị vốn hoá thị trường của BIDV bị giảm tới 1.900 tỷ đồng. Các cổ đông BIDV vẫn lo ngại về diễn biến nợ xấu của ngân hàng này, khi mà 6 tháng qua, dư nợ xấu đã tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng, lên tới gần 13.184 tỷ đồng, chiếm 2% tổng dư nợ. Riêng nợ nhóm 5 cũng “phình” to thêm, chiếm tới 6.343 tỷ đồng. Do chi phí dự phòng nợ xấu tăng mạnh, nên lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng chỉ tăng nhẹ 6,2%, đạt 3.311 tỷ đồng, tăng 6,2%. Ở hai trường hợp này, với khối nợ xấu 5.366 ở Vietinbank và 13.184 tỷ đồng ở BIDV, lợi nhuận của ngân hàng sẽ phụ thuộc chủ yếu vào kết quả xử lý nợ xấu. Giả sử, chỉ cần thu hồi được 1.000 tỷ đồng nợ xấu nhóm 5 thì ngân hàng sẽ lập tức có ngay 1.000 tỷ lợi nhuận nhờ hoàn nhập dự phòng rủi ro. Cùng chung cảnh ngộ, cổ phiếu SHB cũng giảm xuống mức kỷ lục chỉ còn 5.700 đồng/CP, chỉ bằng hơn nửa mệnh giá, khiến cho cổ đông ngậm ngùi, chịu thiệt hại đáng kể. Giá cổ phiếu SHB trên sàn cũng giảm nhẹ sau khi ngân hàng công bố lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý II bị giảm 16%, đạt 179 tỷ đồng, và lợi nhuận 6 tháng qua khá khiêm tốn 424 tỷ đồng. Số liệu nợ xấu không được SHB tiết lộ trong hai kỳ báo cáo gần đây. Được biết, đến cuối năm 2015, ngân hàng này còn 2.261 tỷ đồng nợ xấu. Theo một số nhà đầu tư, cổ phiếu ngân hàng làm ăn bài bản, nợ xấu thấp, có triển vọng tốt vẫn được săn đón và giao dịch sôi động. Nhà đầu tư luôn dè chừng với những ngân hàng yếu kém, tài chính không minh bạch, hoặc đang trong diện tái cơ cấu, sáp nhập… vì lo sợ rủi ro giá lao dốc, thậm chí có thể mất trắng nếu bị mua giá 0 đồng như đã từng xảy ra với ba ngân hàng yếu kém.

Theo Thu Hằng/Thời báo Kinh Doanh

Có thể bạn quan tâm