“Nút thắt” tranh chấp tại Vinaconex đã được tháo bỏ?

Hơn 127 triệu cổ phiếu VCG vừa được giao dịch thỏa thuận giữa các nhà đầu tư nội với giá sàn 23.800 đồng/cp, tương đương hơn 3.000 tỷ đồng. Có ý kiến cho rằn, khả năng cao đây là giao dịch giữa các nhóm cổ đông nội bộ.
“Nút thắt” tranh chấp tại Vinaconex đã được tháo bỏ?

Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 13/8 thị trường chứng khoán bất ngờ chứng kiến giao dịch thỏa thuận gần 22 triệu cổ phiếu VCG của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) với giá sàn 23.800 đồng/cp. Cũng tại mức giá này, phiên giao dịch sáng ngày 24/8, tiếp tục hơn 105,5 triệu cổ phiếu VGC đã được trao tay.

Đáng chú ý, những giao dịch này chủ yếu đến từ các nhà đầu tư nội. Tổng giá trị của 2 giao dịch kể trên đạt hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó chỉ tính riêng phiên sáng ngày 14/8 đã là 2.500 tỷ đồng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/8, cổ phiếu VCG tăng trần lên 29.000 đồng/cp mang lại cho HNX-Index 0,18 điểm, kìm hãm đà giảm của chỉ số này.

Có ý kiến cho rằng, lượng giao dịch thỏa thuận này chỉ có thể xuất phát từ 2 nhóm cổ đông lớn là An Quý Hưng (nắm giữ 57,71%, tương đương 254,9 triệu cổ phiếu) hoặc nhóm Bất động sản Cường Vũ nắm giữ 94 triệu cổ phiếu hoặc Đầu tư Star Invest nắm giữ 33,45 triệu cổ phiếu (tương đương 28,98% cổ phần).

Bởi các nhóm cổ đông còn lại, bao gồm các tổ chức và cổ đông nhỏ lẻ chỉ chiếm khoảng 13,3% công ty. Số lượng giao dịch 127,456 triệu cổ phiếu đúng bằng tổng khối lượng sở hữu của Bất động sản Cường Vũ và Đầu tư Star Invest tại Vinaconex (hai tổ chức có liên quan tới Địa ốc Phú Long).

Hồi cuối tháng 6 vừa qua, trong văn bản gửi Hội đồng quản trị tại phiên họp đại hội đồng thường niên năm 2020 của Vinaconex, nhóm Cường Vũ và Star Invest đã đồng tình với chủ trương tái cấu trúc phần vốn của Vinaconex tại Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC).

Nhóm này cho rằng với thực trạng tài chính, kinh doanh yếu kém và tương quan tỷ lệ sở hữu vốn của các thành viên hiện hữu là 50/50, Vinaconex chỉ có thể lựa chọn phương án duy nhất là đàm phán để chuyển nhượng toàn bộ phần vốn tại An Khánh JVC cho thành viên góp vốn còn lại.

Tuy nhiên, Cường Vũ và Star Invest cũng cho rằng phương án Vinaconex đàm phán để mua toàn bộ vốn tại An Khánh JVC là không khả thi, bởi Phú Long chia sẻ không có nhu cầu bán phần vốn sở hữu.

An Khánh JVC là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Bắc An Khánh (Splendora). Ban đầu doanh nghiệp này gồm 2 pháp nhân góp vốn là Vinaconex và Công ty Xây dựng Posco E&C (Hàn Quốc) mỗi bên nắm 50%. Sau đó, Posco E&C đã chuyển nhượng cho Địa ốc Phú Long.

Trong một động thái mới nhất, Hội đồng quản trị Vinaconex đã quyết định sẽ thoái toàn bộ phần góp vốn điều lệ tại An Khánh JVC.

Trong suốt 2 năm qua, kể từ khi SCIC và Viettel thoái vốn tại Vinaconex, tranh chấp giữa hai nhóm cổ đông lớn đã kìm hãm đà tăng trưởng của Vinaconex. Nếu giao dịch thỏa thuận trong 2 phiên vừa qua là của các nhóm cổ đông nội bộ thì có thể tháo được nút thắt giữa các nhóm lợi ích, Vinaconex sẽ quay trở lại đường đua, với định hướng phát triển dựa trên kiềng ba chân là "xây dựng – bất động sản – đầu tư tài chính".

Tuy nhiên chưa hề có bất kỳ thông tin nào cho thấy nhóm BĐS Cường Vũ đã nhượng bộ, hoặc cũng có thể là một động thái chuyển sang một pháp nhân khác.

Có thể bạn quan tâm