Ông Đinh Thế Huynh: Phòng chống tham nhũng là “nói ít, làm nhiều”!

Sáng 12/9, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN) Đinh Thế Huynh đã dẫn đầu đoàn Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN làm việc với Thành ủy Hà Nội về công tác
Ông Đinh Thế Huynh: Phòng chống tham nhũng là “nói ít, làm nhiều”!

Sáng 12/9, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN) Đinh Thế Huynh đã dẫn đầu đoàn Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN làm việc với Thành ủy Hà Nội về công tác PCTN, lãng phí.

10 năm Hà Nội kiến nghị thu hồi gần 360 tỷ đồng Báo cáo với đoàn công tác, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các nội dung của Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí". Từ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua đó nhận thức về công tác PCTN lãng phí trong cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên, ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức có chuyển biến tích cực. Thành phố cũng đặc biệt chú trọng rà soát, sửa đổi, ban hành và công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách, chế độ định mức, tiêu chuẩn, nhất là trên một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như: Đầu tư, tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, công tác cán bộ… Trong 10 năm qua, các cơ quan trực thuộc Thành phố đã rà soát, sửa đổi bổ sung 314 văn bản, ban hành với 563 văn bản quy định về chế độ định mức tiêu chuẩn thực hiện Luật Thủ đô, HĐND thành phố ban hành 14 Nghị quyết, UBND ban hành 2 quyết định về cơ chế chính sách đặc thù. Công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng được tập trung chỉ đạo. Trong 10 năm qua, Hà Nội đã giải quyết trên 25 nghìn vụ khiếu nại, tố cáo. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi 359,33 tỷ đồng và 161.628 m2 đất; kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 71 tập thể và 204 cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý dẫn đến sai phạm; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Nhiều vụ việc, vụ án có liên quan đến tham nhũng, lãng phí đã được quan tâm chỉ đạo kịp thời, xét xử với các bản án nghiêm minh, có tác dụng răn đe, giáo dục phòng ngừa chung như vụ án Dương Chí Dũng; vụ án Nguyễn Đức Kiên… được dư luận đồng tình, đánh giá cao, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân. Những hạn chế và giải pháp trong PCTN Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, Phó Bí thư Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, tình hình tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực; hiệu quả một số giải pháp về phòng chống tham nhũng còn hạn chế, công tác điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng còn kéo dài, việc thu hồi tài sản còn hạn chế. Còn nhiều dự án, công trình trọng điểm chậm triển khai gây lãng phí; việc tự phát hiện tham nhũng, lãng phí trong nội bộ còn ít…

Ông Đinh Thế Huynh: Phòng chống tham nhũng là “nói ít, làm nhiều”! ảnh 1
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng báo cáo với đoàn công tác.

“Trung ương nên nghiên cứu, xem xét cho thành lập Ban Chỉ đạo PCTN ở các tỉnh, thành phố do đồng chí Bí thư tỉnh, thành ủy làm trưởng ban để công tác này được lãnh đạo tập trung và chỉ đạo xử lý cụ thể các vụ việc. Ngoài ra, Hà Nội là Thành phố có quy mô kinh tế lớn, do đó kiến nghị Trung ương xem xét cho thành lập Ban kinh tế trực thuộc Thành ủy, bởi việc tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tốt thì cũng góp phần phòng ngừa tham nhũng, hạn chế thất thoát, lãng phí” – Phó Bí thư Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị. Nói rõ hơn về những giải pháp PCTN mà Hà Nội đã thực hiện, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng trong những năm qua, Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm đến công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hà Nội coi đây là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, song cũng là nhiệm vụ quan trọng lâu dài. Liên tục trong 2 nhiệm kỳ gần đây, Thành ủy Hà Nội đều xây dựng chương trình công tác riêng về lĩnh vực này. Trong nhóm các nhiệm vụ, giải pháp, Hà Nội luôn chú trọng đến nhóm giải pháp để cán bộ, công chức không thể tham nhũng. Trong đó, Thành phố tập trung rà soát, ban hành 97 văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, định mức để ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí. “Thành phố đẩy mạnh công khai, minh bạch, cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin. Với phương châm tạo thuận lợi nhất cho công dân, tổ chức, tránh sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ giải quyết thủ tục hành chính với công dân để ngăn ngừa tiêu cực. Ngoài ra, Hà Nội cũng làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, chiến lược để đảm bảo việc quản lý, triển khai theo đúng quy hoạch được duyệt. Thành phố cũng quan tâm, làm tốt công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ gắn với đánh giá cán bộ ở những vị trí, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực để có biện pháp quản lý. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng là địa phương triển khai tích cực Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, trong những năm qua đã tinh giản 4000 người, thu gọn 121 đầu mối tại các sở, ngành Thành phố, qua đó nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính" –Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nói. Ngoài ra, trong nhóm giải pháp để cán bộ không dám tham nhũng, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, Thành phố chỉ đạo làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của HĐND và MTTQ. Khi phát hiện tham nhũng thì kiên quyết xử lý nghiêm minh. Cùng với đó, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí cũng được nâng lên. Đánh giá cao những nỗ lực mà Hà Nội đã và đang làm, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh  cho rằng Hà Nội đã thực hiện công tác phòng chống tham nhũng một cách chủ động, bài bản, khoa học với quyết tâm và trách nhiệm cao. Trong đó, Thành phố luôn chú trọng cả phòng và chống, lấy phòng ngừa là chính. Khi phát hiện tham nhũng thì được xử lý nghiêm minh và kịp thời, được dư luận đánh giá cao. Đặc biệt, nhiều cách làm của Hà Nội trong lĩnh vực này đáng được Trung ương nghiên cứu để nhân rộng. Trước những tồn tại, hạn chế trong PCTN như đánh giá của Thành ủy Hà Nội, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đề nghị Hà Nội cần có giải pháp kiên quyết khắc phục, nhất là tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà gây mất lòng dân. Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cũng yêu cầu Hà Nội cần triển khai nghiêm túc, mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa những giải pháp đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI) và trong Chương trình số 07 của Thành ủy, chú trọng cả phòng và chống tham nhũng, với tinh thần kiên quyết, kiên trì, đúng để củng cố lòng tin của nhân dân. “Cấp ủy đảng và người đứng đầu phải quan tâm chỉ đạo, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội trong công tác PCTN. Quá trình thực hiện phải quán triệt PCTN là “nói ít, làm nhiều” và khi có kết quả phải công bố công khai để nhân dân biết và tham gia giám sát”, ông Đinh Thế Huynh yêu cầu. Về những kiến nghị của Hà Nội, ông Đinh Thế Huynh ủng hộ việc thành lập Ban Kinh tế Thành ủy, trước mắt có thể thành lập Phòng kinh tế trực thuộc Văn phòng Thành ủy.

N. Huyền/Infonet

Có thể bạn quan tâm