Ông Lê Hải Trà: TTCK Việt Nam sở hữu mỏ vàng lộ thiên mà các quốc gia trong khu vực thèm muốn

Với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, kinh tế Việt Nam phát triển ổn định trong thời gian dài kết hợp với quá trình cổ phần hoá được đẩy mạnh đã khiến TTCK Việt Nam như một mỏ vàng lộ thiên đầy tiề
Ông Lê Hải Trà: TTCK Việt Nam sở hữu mỏ vàng lộ thiên mà các quốc gia trong khu vực thèm muốn

Tháng 8/2017, lần đầu tiên hội thảo thường niên do Sở GDCK Thành phố HCM (Hose) và Daiwa (Nhật Bản) đồng tổ chức (Vietnam Corporate Day) tổ chức tại Nhật Bản, mặc dù chương trình này được thực hiện hàng năm từ 8 năm trước đó.

Cùng thời điểm này, phái đoàn của Bộ Tài chính, lãnh đạo các Sở giao dịch, các tổ chức tài chính trung gian và các doanh nghiệp Việt Nam sang Nhật Bản chia sẻ cơ hội đầu tư. Trước các nhà đầu tư Nhật Bản, ông Lê Hải Trà, lãnh đạo Sở GDCK Tp.HCM chia sẻ tới năm 2020 các nhà đầu tư có thể thấy TTCK Việt Nam có giá trị giao dịch bình quân đạt 500 triệu USD/ngày, hiện nay TTCK Việt Nam đã có khoảng 50 doanh nghiệp có giá trị giao dịch trên 1 triệu USD/ngày và việc nâng hạng TTCK Việt Nam thành thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn của MSCI chỉ vấn đề thời gian.

Chúng tôi đã có trao đổi với ông Lê Hải Trà trên cương vị Phụ trách HĐQT Hose, và các cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Kỳ vọng thanh khoản thị trường đạt 500 triệu USD/ngày vào năm 2020

- Thưa ông, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đã bước sang tuổi 17, độ tuổi "bẻ gãy sừng trâu" và Chính phủ đã xác định TTCK là kênh dẫn vốn chính của nền kinh tế. Các yếu tố hỗ trợ cho thị trường là hiện hữu, "thiên thời địa lợi” vậy theo ông "nhân đã hòa"?

Ông Lê Hải Trà: Báo cáo trước Quốc hội vừa qua, NHNN có nhắc đến vấn đề xử lý nợ xấu và một trong các lí do đó là ngân hàng đang phải huy động vốn dài hạn thay cho thị trường vốn. Chính vì vậy, cần phải phát triển thị trường vốn nhiều hơn nữa để làm đúng chức năng của mình. Câu hỏi đặt ra là làm sao để hệ thống ngân hàng và thị trường vốn cân bằng như “hai chân” của một cơ thể nền kinh tế, để có thể giải quyết câu chuyện vốn lưu động ngắn hạn và vốn trung, dài hạn một cách hiệu quả và bền vững.

Một tin rất vui là hiện nay, Chính phủ đã xác định TTCK phải là kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế và đã có những chính sách tích cực phát triển thị trường, ví dụ gắn cổ phần hóa với niêm yết trên thị trường chứng khoán. Hàng loạt doanh nghiệp cổ phần hoá lớn niêm yết trên TTCK trong vòng 3 năm qua khiến giá trị vốn hóa thị trường tăng gấp đôi.

Ông Lê Hải Trà 

Nhìn nhận của nhà đầu tư (NĐT) trong nước và nhà đầu tư nước ngoài với TTCK cũng có sự quan tâm đặc biệt. Cụ thể là 7 tháng đầu năm, VN-Index tăng 17%, đứng hàng đầu trong khu vực ASEAN. Quy mô, giá trị vốn hóa tăng hơn 30%. Giá trị bình quân giao dịch hàng ngày tăng gần 70% cùng kỳ 2016, đạt khoảng 180 triệu USD/phiên. Trong đó, NĐT nước ngoài mua ròng khoảng nửa tỷ USD.

Với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, kinh tế Việt Nam phát triển ổn định trong thời gian dài kết hợp với quá trình cổ phần hoá/thoái vốn DNNN được đẩy mạnh đã khiến TTCK Việt Nam như một mỏ vàng lộ thiên đầy tiềm năng mà nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN thèm muốn. Ngoài ra, khu vực kinh tế tư nhân đã có sự năng động, nhanh nhạy trong việc sử dụng TTCK để phục vụ cho chiến lược phát triển của mình. Ví dụ gần đây nhất là VPBank, một ngân hàng tư nhân lên sàn đã góp hơn 2 tỷ USD vốn hóa.

Tất cả những điều đó khiến nhà đầu tư nước ngoài họ rất thích thú và dành cho TTCK Việt Nam một sự quan tâm đặc biệt.

Sau chuyến đi Nhật vừa qua, ông nhìn nhận về sự quan tâm của NĐT nước ngoài đối với các DN Việt Nam như thế nào?

Ông Lê Hải Trà: Hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính tại Nhật Bản do Bộ Tài chính chủ trì vừa qua là sự kiện diễn ra đồng thời với sự kiện khác của HoSE. Đây là sự kiện Vietnam Corporate Day, một sự kiện thường niên do HoSE và Daiwa phối hợp tổ chức, đây là năm thứ 9 chúng tôi giới thiệu các DN niêm yết hàng đầu tại HoSE với các NĐT tổ chức nước ngoài.

Các năm trước chúng tôi tổ chức tại Singapore, Hồng Kông và Mỹ, năm nay là năm đầu tiên tổ chức tại Nhật. Sau 9 năm làm việc với Daiwa, các NĐT Nhật Bản chính thức có yêu cầu gặp các doanh nghiệp Việt Nam và chúng tôi đánh giá đây là tín hiệu rất lạc quan. Người Nhật vốn rất cẩn trọng và kỹ tính, mặc dù đây chỉ là bước đầu, nhưng feedback từ Daiwa cho thấy các NĐT Nhật Bản có một sự quan tâm lớn đến Việt Nam.

Ông có thể cho biết Hose thời gian tới có những giải pháp gì thúc đẩy thị trường?

Hiện tại, HOSE là thị trường cổ phiếu chính, và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, ETF, quỹ đóng, sắp tới là covered warrant với giá trị vốn hóa khoảng 86,5 tỷ USD, chiếm hơn 90% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường. Sắp tới, Chính phủ có đề án tái cấu trúc hai Sở (Hose và Hnx), theo đó HOSE sẽ là nơi tập trung giao dịch cổ phiếu, điều này giúp tạo sự minh bạch về góc độ sản phẩm trên thị trường, giúp các NĐT nước ngoài, NĐT mới bớt băn khoăn trong việc chọn thị trường nào để đầu tư, đồng thời giúp cho việc tiếp cận thông tin hiệu quả hơn.

Ngoài ra, cuối năm 2018, chúng tôi sẽ đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ. Đây là dự án công nghệ thông tin do HOSE làm chủ đầu tư, nhà thầu là Sở GDCK Hàn Quốc. Phạm vi dự án bao trùm toàn bộ các hoạt động trên TTCK từ giao dịch, thông tin thị trường, giám sát giao dịch, bù trừ, thanh toán, lưu ký chứng khoán...do đó ngoài HoSE, HNX và VSD cũng là các đơn vị thụ hưởng.

Với hệ thống này quá trình vận hành, quản lý các hoạt động trên thị trường có thể linh hoạt, nhanh chóng hiệu quả hơn. Các cơ chế quản lý rủi ro thanh toán, hệ thống giám sát cũng tốt hơn, làm tiền đề cho việc thực hiện nhiều thứ trong thời gian qua chúng ta đề cập đến mà chưa thực hiện được, ví dụ mua bán trong ngày hay short sale. Cùng với thị trường phái sinh khai trương vừa qua, sản phẩm chứng quyền đảm bảo trong thời gian tới, đây sẽ là một đòn bẩy quan trọng giúp kỳ vọng thanh khoản đạt 500 triệu USD/ngày.

Tại các thị trường phát triển trước đây họ khó có thể thực hiện một cú big bang như vậy, và đây là cơ hội rất lớn với Việt Nam.

Đầu cơ trong chứng khoán không xấu

- Có ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán là sòng bạc và thị trường còn nhiều cổ phiếu đầu cơ, ông nghĩ có đúng không?

Ông Lê Hải Trà: Tất nhiên đó là nhận định không chính xác. Về mặt ngữ nghĩa, chúng ta đang nhìn nhận đầu cơ là xấu, là tiêu cực, nhưng thị trường chứng khoán không thể chỉ có NĐT dài hạn, nếu vậy thị trường không có thanh khoản. Nếu coi TTCK là phương tiện đầu tư và tích luỹ tài sản, nếu không có thanh khoản, không có quá trình xác lập giá hiệu quả thì không biết giá trị tài sản bao nhiêu, do đó thanh khoản trên thị trường thứ cấp rất quan trọng.

Đầu cơ trong giao dịch chứng khoán không hoàn toàn tiêu cực. Ở các thị trường phát triển hơn, thị trường giao dịch hai chiều, nếu nhận định cơ hội tốt NĐT có thể vay tiền mua, không tốt thì short sale, đoán sai thì trả giá, đúng thì có kết quả.

Trên thị trường có khái niệm "day trading", họ mua bán trong ngày và kiếm chênh lệch, đó là chiến lược đầu tư riêng. Các giao dịch mua bán trong ngày, short sell còn mang lại cơ chế bảo vệ NĐT một cách hiệu quả, giúp NĐT có sự linh hoạt trong game chơi của mình. Đó là chuyện bình thường và quyền lợi hợp pháp của người đầu tư.

Về sòng bạc, chúng ta cần nói với nhau rằng những người chơi bạc chuyên nghiệp không chỉ dựa vào chuyện may rủi, thậm chí họ là những người rất giỏi về toán học/xác suất, có chiến thuật chiến lược chơi bài, nhìn nhận thế bài để đặt cược.

- Vậy còn những trường hợp gian lận, thổi phồng tài sản thì sao, thưa ông?

Ông Lê Hải Trà: Ở đâu cũng có những trường hợp đó, không chỉ ở Việt Nam. Đó là một phần của thị trường, không thể tránh khỏi, không thể có một hệ thống nào ngăn chặn được một cách triệt để cả, nhất là khi họ chủ mưu tổ chức lừa đảo, như chúng ta đã biết về những vụ việc trên thị trường chứng khoán thế giới.

- Vậy với vai trò là người đứng đầu cơ quan vận hành thị trường, nếu để một lời khuyên cho NĐT, ông nói gì?

Ông Lê Hải Trà:Một trong những nguyên tắc của các công ty chứng khoán áp dụng là phải “hiểu khách hàng của mình” như thế nào và khả năng rủi ro ra sao. Mức độ rủi ro ra sao thì tùy thuộc vào bản thân mỗi người, vào độ tuổi, nghề nghiệp, tính cách... Thời gian qua thị trường có nhiều tin đồn, NĐT tất nhiên phải có suy nghĩ, phân tích và tự xác thực thông tin đó. Ai là người có thể xử lý thông tin nhanh, hiệu quả thì họ cơ hội dành chiến thắng cao hơn. Còn NĐT nhảy nhót mua bán theo tin đồn thì không thể trách ai được cả.

Trăn trở, suy nghĩ những điều mới

Là thế hệ lãnh đạo trẻ 7x, ông có tự tin trên cương vị mới?

Ông Lê Hải Trà:Về thế hệ lãnh đạo 7x, nói là còn trẻ nhưng thực sự chúng tôi là những người gắn bó từ đầu với thị trường, các đồng nghiệp 7x của tôi đều là những người đầu tiên được tuyển vào TTGDCK. Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau từ UBCKNN hay Trung tâm giao dịch chứng khoán.

Việc được đào tạo bài bản giúp chúng tôi nắm bắt được các thông lệ quốc tế, giúp mình nhìn nhận và đề xuất triển khai những vấn đề về thị trường gắn liền với thông lệ quốc tế, thân thiện với các nhà đầu tư quốc tế. Ngược lại, quá trình gắn bó lâu dài với HOSE như vậy cũng là một trải nghiệm, giúp những kiến thức được đào tạo bài bản, hệ thống đó khi triển khai ở Việt Nam phải gắn với đặc thù riêng và có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Quay trở lại câu chuyện về cá nhân ông, ông đã từng đi học ở Boston, sau đó tu nghiệp tại Harvard, tại sao ông lại có quyết định về nước sau khi tu nghiệp ở nước ngoài khi ở thời điểm đó TTCK Việt Nam gần như chưa có gì?

Ông Lê Hải Trà:Thực tế, cơ duyên của tôi với chứng khoán đến từ khá sớm, từ khi còn là sinh viên năm thứ 3 đại học, xem các bản tin nước ngoài về các chỉ số Dow Jones, S&P và luôn tò mò đó là cái gì. Luận văn tốt nghiệp đại học của tôi năm 1994 là về thị trường chứng khoán Việt Nam. Tôi có hứng thú với nó.

"Bạn hình dung, khi bạn là người góp những viên gạch đầu tiên, giống như sinh ra đứa con, chăm sóc nó và cùng nó lớn lên hàng ngày, bạn sẽ thích thú và gắn bó với nó như thế nào? Đó là một cảm giác rất đặc biệt".

"Bạn hình dung, khi bạn là người góp những viên gạch đầu tiên, giống như sinh ra đứa con, chăm sóc nó và cùng nó lớn lên hàng ngày, bạn sẽ thích thú và gắn bó với nó như thế nào? Đó là một cảm giác rất đặc biệt"

Cũng có lúc tôi nghĩ sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc ở nước ngoài một thời gian trước khi trở về, hay những thời điểm khó khăn, khi các đồng nghiệp chọn cách bước ra ngoài. Ngoài ra, cũng có những yếu tố tác động từ gia đình, ba tôi là một liệt sĩ, nhà có một mẹ một con nên ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định của tôi.Khi ra trường, tôi làm việc tại một công ty kiểm toán nước ngoài, tôi xác định đó là bước đệm để chuẩn bị cho công việc sau này, những thứ mình theo đuổi.

Năm 1997, tôi về làm việc cho UBCKNN như một cơ duyên, tất cả mọi thứ diễn ra rất nhanh. Các dự án của Hàn Quốc, IFC và WB, các chuyên gia quốc tế đến giảng và chúng tôi đã học được rất nhiều. Nền tảng đó là thứ giúp nhận được học bổng để mình học lên một trình độ khác.

- 20 năm gắn bó với thị trường, ông có điều gì hối tiếc không?

Ông Lê Hải Trà:Điều không chỉ tôi mà phần lớn đồng nghiệp có cơ hội học tập ở nước ngoài đều thấy là trong quá trình xây dựng thị trường, có những cơ hội phát triển nhanh hơn nhưng khi vận dụng ở Việt Nam không phải lúc nào cũng thành công, cũng có những cơ hội bị bỏ lỡ. Đó là những bài học thiết thực để nghĩ sắp tới nếu có gì mới, mình chuẩn bị đặt câu chuyện đó lên bàn như thế nào để nó dễ được chấp nhận hơn, có tính thuyết phục và đạt được sự đồng thuận cao hơn.

- Xin được hỏi thêm một chút về cuộc sống cá nhân, ông làm gì để cân bằng giữa công việc và cuộc sống?

Ông Lê Hải Trà:Buổi sáng thường ngày, tôi khởi đầu bằng yoga trước khi đi làm. Cuối tuần tôi chơi golf, nếu có thể. Thể thao luôn thú vị, nhất là golf. Golf là nơi có thể giao lưu, cũng là cơ hội để hiểu thêm về con người. Quan trọng là duy trò một thái độ tích cực trong công việc, cuộc sống.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện và chúc ông hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ ở cương vị mới!

Theo Khổng Chiêm/NDH

Có thể bạn quan tâm