Ông Lê Nhị Năng: “Giá trị vốn hóa của cổ phiếu bất động sản đạt hơn 1 triệu tỷ đồng”

Giá trị vốn hóa của cổ phiếu bất động sản được ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng - Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM đưa ra tại Hội thảo thường niên “Tiềm năng & cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản” diễn ra cuối tuần qua tại TP.HCM.
Ông Lê Nhị Năng: “Giá trị vốn hóa của cổ phiếu bất động sản đạt hơn 1 triệu tỷ đồng”

Sự kiện thường niên “Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản” lần 3 năm 2019 do Thương Gia phối hợp cùng Kênh truyền hình FBNC và Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam tổ chức.

Hội thảo có sự tham gia các các chuyên gia hàng đầu về kinh tế, tài chính, bất động sản như: Ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM; PGS.TS.Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cao cấp CBRE Việt Nam; Ông Trương Hiền Phương, Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam; Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM; TS.LS Bùi Quang Tín, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM; Chuyên gia kinh tế Bùi Văn, Giám đốc Kênh truyền hình FBNC… cùng gần 400 nhà đầu tư bất động sản, tài chính.

Chia sẻ về thị trường chứng khoán, ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM, cho biết:  TTCK Việt Nam đã hoạt động được gần 20 năm, so với lịch sử TTCK trên thế giới thì TTCK Việt Nam vẫn còn non trẻ, tuy nhiên cũng đã có tốc độ tăng trưởng rất đáng khích lệ.

“Tháng 7/2000 phiên giao dịch đầu tiên chỉ có 2 cổ phiếu REE và SAM, đến nay thị trường chứng khoán đã phát triển rất mạnh mẽ, trở thành một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế”, ông Năng nhấn mạnh.

Theo ông Năng, vốn hoá của thị trường chứng khoán so với GDP từ mức 47% cuối năm 2016, 70% năm 2017 thì đến hết năm 2018, quy mô của thị trường chứng khoán tương đương 109% GDP (bao gồm cả thị trường cổ phiếu, trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp), trong khi tỷ lệ tín dụng/GDP đạt khoảng 134%.

Ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM, chia sẻ với các nhà đầu tư
Ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM, chia sẻ với các nhà đầu tư

Toàn thị trường có 1.664 mã chứng khoán đang giao dịch trên cả 3 sàn là HOSE, HNX, UpCoM, vốn hóa đạt gần 200 tỷ USD, tương đương khoảng 4,7 triệu tỷ đồng. Trong đó, số lượng các doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết là 120 mã cổ phiếu, vốn hoá đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23%.

Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết chiếm khoảng 20% (HSX) và 5% (HNX), trong đó sở hữu nước ngoài tại các công ty bất động sản niêm yết vào khoảng 16%.

Người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM chia sẻ thêm: Hội nghị thượng đỉnh về đầu tư quốc tế khu vực châu á (AOA Forum) vào tháng 5/2019 tại Việt Nam nhận định: TTCK Việt Nam đang có sức hấp dẫn và cạnh tranh với các dòng vốn đầu tư toàn cầu. thể hiện: GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất trong khu vực và trên thế giới; Kinh tế vĩ mô vận hành theo hướng tích cực; doanh nghiệp của Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển; tỷ lệ sinh lời khá hấp dẫn so với TTCK trong khu vực; số lượng người giàu của Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng (10 năm qua đã tăng 200%); Các tổ chức quốc tế đang xem xét nâng hạng cho TTCK Việt Nam…

Gần 400 nhà đầu tư tham dự Hội thảo thường niên "Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản" lần 3 năm 2019
Gần 400 nhà đầu tư tham dự Hội thảo thường niên "Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản" lần 3 năm 2019

Tuy nhiên, đối với lĩnh vực bất động sản, ông Năng cho rằng: Đây là ngành nghề kinh doanh đòi hỏi nguồn vốn lớn và hiện vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay từ ngân hàng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 8/2019, tín dụng đối với bất động sản (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng) tăng 14,58% so với cuối năm 2018, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế.

Cho vay bất động sản đang được Ngân hàng Nhà nước đưa ra lộ trình giảm dần nguồn tín dụng cho lĩnh vực này. Do vậy đã buộc các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các nguồn vốn bổ sung khác, trước hết là từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Việc huy vốn từ thị trường chứng khoán và kênh phát hành trái phiếu thời gian qua được đánh giá là khá hiệu quả.

Báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất cho thấy lũy kế 10 tháng năm 2019, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 178.732 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản phát hành 61.269 tỷ đồng chiếm 34,3%

“Nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh triển khai dự án, tăng cung cho thị trường, giải quyết nhu cầu nhà ở bức thiết của người dân. Khi đó thì giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất dộng sản sẽ trở nên hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư mua vào lại tạo thêm vốn cho doanh nghiệp để mở rộng đầu tư, phát triển dự án. Cả doanh nghiệp, nhà đầu tư cổ đông và người dân đều được hưởng lợi khi quy trình này được vận hành trơn tru”, ông Năng khẳng định.

Nhà đầu tư trao đổi thông tin với các chuyên gia, doanh nghiệp
Nhà đầu tư trao đổi thông tin với các chuyên gia, doanh nghiệp

Theo dự báo thì nhu cầu nhà ở trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng theo tốc độ đô thị hóa (trên 35%/năm) và thu nhập xã hội gia tăng; chính sách tiển tệ thắt chặt sẽ tạo điều kiện để các kênh khác phát triển, đặc biệt là thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy vậy, ông Năng cũng lưu ý, việc các doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh phát hành trái phiếu một cách ồ ạt với lãi suất cạnh tranh cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro, nhất là trong trường hợp nguồn vốn thu được từ các đợt phát hành không được đưa vào dự án bất động sản, triển khai đúng tiến độ, hiệu quả.

“Vấn đề minh bạch và công khai thông tin của các doanh nghiệp bất động sản trên TTCK cần phải được tiếp tục cải thiện để các nhà đầu tư có thể tiếp cận được thông tin một cách đầu đủ, chính xác”, ông Năng nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm