Ông Nguyễn Văn Bình: “Phải tích tụ ruộng đất”

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định, Đảng sẽ có chính sách cổ vũ và đảm bảo cho tích tụ ruộng đất; đồng thời đẩy mạnh kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trong bối cảnh đất nước ngà
Ông Nguyễn Văn Bình: “Phải tích tụ ruộng đất”
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định, Đảng sẽ có chính sách cổ vũ và đảm bảo cho tích tụ ruộng đất; đồng thời đẩy mạnh kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trong bối cảnh đất nước ngày nay đã thay đổi.

Phát biểu kết luật hội nghị “Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới” do Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan trung ương khác tổ chức ngày 8-9 tại Hà Nội, ông Bình nói: “Nội dung của hội thảo ngày hôm nay sẽ được Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ ngành liên quan chắt lọc, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian sớm nhất thông qua hai chủ trương lớn là tích tụ ruộng đất và đẩy mạnh kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp”. Kết luận của ông Bình, một trong những người giữ vai trò chủ chốt trong Đảng về các vấn đề phát triển kinh tế, là rất đáng quan tâm trong bối cảnh nền nông nghiệp manh mún, kém hiệu quả đang đứng trước sức ép ngày càng lớn từ quá trình hội nhập kinh tế toàn diện và biến đổi khí hậu.

Kinh tế hộ đã hoàn thành sứ mệnh

Ông Bình nhận xét, từ chỗ đói ăn đến nay Việt Nam đã khá giả hơn nhờ những chính sách trong nông nghiệp như Khoán 10, Khoán 100 lấy kinh tế hộ làm hạt nhân, giúp giải phóng sức sản xuất. Mô hình kinh tế hộ là tự cung tự cấp, lo cái ăn cho gia đình, cho nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, ông nói: “Giờ sứ mệnh lịch sử đã xong. Chúng ta phải sản xuất hàng hóa lớn để tham gia vào thị trường và chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu đã khác, quan hệ cũng đã khác”. “Không thể lấy hộ gia đình mà phải lấy hợp tác xã và doanh nghiệp làm hạt nhân… Nhưng tư liệu sản xuất lớn nhất là đất đai lại đang manh mún, làm sao đảm bảo tích tụ ruộng đất mà vẫn đảm bảo quyền lợi người nông dân”, ông nói. Kể lại chuyện nhiều doanh nghiệp đang lần mò triển khai nhiều mô hình nông nghiệp, ông nhận xét: “Họ đang lo lắng lắm”, và khẳng định: “Chúng ta cần có môi trường pháp lý để khuyến khích phát triển. Điều đầu tiên chúng ta phải có là chủ trương chính sách đảm bảo tích tụ ruộng đất cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất”. Ông Bình nhận xét, các cánh đồng ở miền Bắc là “muôn hình vạn trạng, chỗ xanh chỗ chín”. Ông nói: “Nhìn thì rất đẹp nhưng về hiệu quả thì chết chắc, làm sao sản xuất lớn được”. Ông cho rằng, muốn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thì (Nhà nước) chỉ có hai cách: tích tụ ruộng đất và đẩy mạnh kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể trong nông nghiệp. “Có cơ chế hợp lý thì doanh nghiệp vào ngay, khi doanh nghiệp đầu tư thì sẽ có cơ khí hóa, áp dụng máy móc thiết bị… vào sản xuất”, ông nói.

Đòi hỏi từ thực tiễn ngày càng cao

Hội nghị do ông Bình chủ trì thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách và các nhà kinh tế nhằm đưa ra những biện pháp hỗ trợ ngành nông nghiệp đang ngày càng kiệt quệ với tăng trưởng âm do hạn hán, xâm mặn; và đặc biệt là hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mía đường Lam Sơn, ông Lê Văn Tam nói, Đảng cần đổi mới quan hệ sản suất quy mô nhỏ sang quy mô lớn, cũng như đổi mới phương tiện sản xuất sang cơ giới hóa để giảm giá thành, giảm chi phí, và nâng cao năng suất lao động. “Nhà nước đã có chính sách khuyến khích doanh nghiệp như hỗ trợ vốn để đổi mới công nghệ, nhưng chưa đủ. Nếu không đổi mới phương thức sản xuất sang quy mô lớn thì không cách nào đổi mới công nghệ được”, ông Tam nói. Ông bổ sung: “Nếu không gắn bó cả đời với nông dân thì không hiểu được dù họ bỏ hoang ruộng, thì doanh nghiệp cũng không thể mượn được. Nhà nước giao quyền cho nông dân thì phải bán, mua chứ không thể thuê hay xin được. Báo cáo đồng chí Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, nếu chúng ta không có cơ chế mới về đất đai thì không thể làm được. Sản xuất nông nghiệp hết sức rủi ro, các doanh nghiệp không vào được… Đây là vấy đề rất lớn đang đặt ra”. Ông kiến nghị: “Sớm có chính sách phù hợp về đất đai. Đất đai thì manh mún, nông dân thì bỏ ruộng rất nhiều. Tài sản quý như vậy đang bị lãng phí, chúng ta không thể làm ngơ”. Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đồng tình với quan điểm này: “Nông nghiệp Việt Nam bất lợi về quy mô, đất đai nhỏ lẻ, manh mún. Chúng ta chỉ có giải quyết chuyện sở hữu đất đai thì mới giải quyết được vấn đề”. Ông nói: “Báo cáo Việt Nam 2035 nhấn mạnh, Việt Nam có vấn đề nặng về quyền tài sản, tức là quyền sở hữu đang có vấn đề. Đảng chữa điều này thế nào?”.

Nông nghiệp ngày càng suy kiệt

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, tình trạng canh tác nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết chặt chẽ trong các mô hình kinh tế tập thể, sản xuất theo chuỗi, cánh đồng lớn… là những hạn chế phổ biến, tồn tại lâu đời, dẫn đến hàng loạt hạn chế khác. Đơn cử như ở An Giang, tỉnh có sản lượng lúa đứng thứ nhất, nhì vùng nhưng hiện nay có đến 75% hộ nông dân có diện tích canh tác lúa dưới 1 hec-ta. Nông hộ nhỏ lẻ khiến họ rất khó thoát nghèo và làm giàu từ cây lúa vì muốn làm giàu họ phải có trên 3 hec-ta. Hàng năm, toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long sử dụng khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, trên 2 triệu tấn phân đạm, trong khi theo các nhà khoa học chỉ cần khoản 50% lượng này là đủ. Tính đến cuối năm 2015, số doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn mới chỉ phủ được 3,5% diện tích đất lúa toàn vùng. Tổn thất sau thu hoạch còn quá lớn. Hiện nay tổn thất sau thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức 12% về khối lượng và 13% về giá trị thương mại. Tổng tổn thất ở mức 25%, tương đương với 5 triệu tấn lúa mỗi năm, trị giá 25.000 tỉ đồng. Vựa lúa của Việt Nam, theo ban chỉ đạo, đang bị thách thức bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn và áp lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng chỉ vỏn vẹn 3.640 doanh nghiệp năm 2015, chưa tới 1% tổng số doanh nghiệp. Trong số đó, 85% là ngoài nhà nước, và doanh nghiệp nhà nước thì vắng bóng. Kể từ năm 1990, tốc độ tăng trưởng năng suất của ngành nông nghiệp đã chậm lại và chậm hơn so với hầu hết các nước cùng trình độ phát triển trong khu vực do lợi nhuận từ thâm canh đất đã đạt đến mức giới hạn.

Theo Tư Giang/Thời báo KTSG

Có thể bạn quan tâm