PGS.TS Đào Mạnh Hùng: Tỷ lệ nội địa hóa không làm nên thương hiệu ô tô Việt

Rất nhiều chính sách đã được triển khai để phát triển ô tô mang thương hiệu Việt Nam. Nhưng hiện tại, qua 20 năm, vẫn chưa có ô tô mang thương hiệu Việt nào tồn tại và được thị trường chấp nhận.
PGS.TS Đào Mạnh Hùng: Tỷ lệ nội địa hóa không làm nên thương hiệu ô tô Việt

Về vấn đề này Tạp chí Thương Gia có buổi chia sẻ với PGS.TS Đào Mạnh Hùng – Trưởng khoa Cơ khí, Cơ khí ô tô, Đại học Giao Thông Vận Tải cho thấy một cái nhìn khác và đầy mới mẻ cho hướng đi khác, cách nhìn khác của ô tô mang thương hiệu Việt.

Mùng 2 tháng 9 vừa qua, Tập đoàn Vingroup khởi công xây dựng nhà máy và sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt Nam. Ông có đánh giá như thế nào về sự kiện này đối với sự phát triển công nghiệp ô tô?

Mình cứ xoay quanh câu chuyện xe ô tô mang thương hiệu Việt Nam. Nhưng chưa có văn bản nào quy định tỷ lệ nội địa hóa bao nhiêu thì xe sẽ mang thương hiệu Việt Nam. Không có hãng ô tô trên thế giới nào sản xuất từ đầu đến cuối cả cho nên với một cái ô tô quan trọng nhất là hệ thống phụ trợ. Ta có thể nói là chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô sau hơn 20 năm vừa rồi coi như thất bại, nhưng bản thân Chính phủ, Bộ Công Thương chưa ai đứng ra phân tích tại sao nó thất bại.

Dưới góc độ của tôi, tôi phân tích như thế này, bản chất chúng ta vừa rồi cho rất nhiều liên doanh vào Việt Nam. Sau đó có nổi lên hai doanh nghiệp đó là Trường Hải và Vinaxuki, thế nhưng họ đi bằng con đường vẫn giữ nguyên thương hiệu của hãng xe đấy sau đó thì nội địa hóa và chúng ta cứ muốn họ nội địa hóa tỷ lệ lớn hơn. Dần dần, tỷ lệ nội địa hóa càng ngày càng lớn hơn nhưng chúng ta không thấy xe gì mang thương hiệu Việt Nam cả. Nếu ta liên doanh với Toyota, ford, Mazda… thì cái xe đó vẫn là mang tên thương hiệu của họ Toyota, Ford, Mazda…

Như ông phân tích thì tỷ lệ nội địa hóa không phải là yếu tố quyết định để chúng ta có ô tô thương hiệu Việt. Vậy yếu tố quyết định là gì?

Với vấn đề này, cách nhìn của tôi có khác Cho dù ta có nội địa hóa đến bao nhiêu thì vẫn là xe mang thương hiệu của họ. Nhưng bây giờ mua toàn bộ động cơ, gầm, hệ thống lái… ráp lại một cái xe sau đó ta làm một cái người ta dễ nhận biết nhất. Đó là cái vỏ và gắn lên thương hiệu của chính mình đó chính là thương hiệu Việt Nam. Lúc đó không phải câu chuyện là ép tỷ lệ nội địa hóa bao nhiêu, bởi vì khi công nghiệp của chúng ta chưa phát triển thì ta làm ra một chi tiết nào đó hết 5 đồng nhưng chỗ khác làm ra chỉ hết 2 đồng thôi, vậy ta cứ lấy về ta làm và ngẫm nghĩ bao giờ công nghệ của ta làm được thì ta tự làm. Và quan trọng người dân vẫn là người hưởng lợi, chúng ta vẫn có ô tô mang thương hiệu Việt Nam.

Với số vốn đầu tư của Tập đoàn Vingroup đầu tư là 3 tỷ đô là một số tiền rất lớn và bản thân Tập đoàn này cũng phải đi vay. Theo ông, với số vốn này Tập đoàn có thể đầu tư dự án khác đem lại sự ổn định chắc chắn hơn không?

Thực ra trả lời câu này rất khó vì bản thân nhà đầu tư đã phải tính toán rất kỹ trong chuyện này rồi. Thế nhưng muốn gì thì cũng phải đi bước đi, tức là đầu tiên phải có sản phẩm sau đó là có thị trường. Nếu như chỉ trông vào thị trường Việt Nam thì không thể phát triển và đem lại lợi nhuận cao, ít nhất là phải thị trường trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á.

Hiện tại thì Vinfast cũng chưa có sản phẩm nhưng liệu sản phẩm của Vinfast có cạnh tranh được sản phẩm giá rẻ nhập từ Ấn Độ hay Thái Lan?

Bây giờ ta đừng nghĩ đến chuyện xe giá rẻ, mình đã có những bài học rất đắt giá về xe máy là xe máy Trung Quốc giá rất rẻ và mình đã thắng được họ bằng cách sản xuất trong nước cũng đã đuổi được xe máy tàu và tự nhiên nó chết. Vừa rồi, trước khi dòng xe giá rẻ của Ấn Độ về thì cũng đã có dòng xe của Trung Quốc nhâp về nhưng chỉ tồn tại được thời gian ngắn, thậm chí là xe Nga rất bền nhưng nó không hợp thị hiếu nên không thể tiêu thụ được.

Người dân mình đã rất là tỉnh táo về cái chuyện khi mua một cái xe nó có rẻ mấy đồng nhưng xin lỗi như là vác “của nợ” về nhà. Thế thì người ta đã dành tiền mua ô tô thì ít nhất cũng phải xứng tầm. Vừa rồim một loạt hãng xe vừa hạ giá xuống để chiếm lĩnh thị trường trước khi các chính sách thuế có hiệu lực. Nếu như Vinfast đi vào xe giá rẻ thì thua luôn vì không ai chứng minh được rằng xe giá rẻ nhưng chất lượng tốt.

Tôi cho rằng Tập đoàn Vingroup đã có hướng đi, cách nhìn khác từ việc lựa chọn đối tác từ Châu Âu. Nói về ngành công nghiệp ô tô của các nước Châu Âu chịu rất nhiều các quy định ngặt nghèo từ công suất, độ bền, các bộ phận an toàn… dẫn đến xe Châu Âu có sự khác biệt với các thị trường khác. Từ đó cho thấy Vingroup nhằm đến đối tượng từ trung lưu trở lên và giá xe cũng sẽ không rẻ nhưng so với xe Châu Âu thì nó sẽ rẻ hơn và bước đi của Vingoup có lẽ là muốn hướng đến thị trường lớn hơn là toàn cầu chứ không chỉ ở Việt Nam hay Đông Nam Á.

Ông có thể chia sẻ thêm về việc ông Huyên đã thất bại với thương hiệu Vinaxuki?

Bản thân bác Huyên Vinaxuki và bác Dương Trường Hải là cùng thời với nhau, cùng đi nhập xe cũ phụ tùng cũ rồi lắp ráp. Sau đó ông Huyên có hướng đi khác nhập thiết bị để sản xuất, ông chỉ sản xuất vỏ xe bán rẻ với tiêu chí là để người nông dân Việt Nam có thể mua được xe ô tô. Nhưng người tiêu dùng khi mua ô tô thì họ lại tính nhiều thứ nữa như độ an toàn, mẫu mã, đẳng cấp… Đó có thể là câu trả lời cho sự thất bại của Vinaxuki.

Cảm ơn ông vì những chia sẻ rất quý báu trên!

Thanh Bút

Có thể bạn quan tâm