"Phải có thị trường cạnh tranh để nông dân cũng là một nghề"

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với Thương Gia.
"Phải có thị trường cạnh tranh để nông dân cũng là một nghề"

Theo ông Cung: Việt Nam đang cần thực hiện cải cách với một tốc độ nhanh hơn, quy mô rộng lớn hơn, theo hướng thị trường hơn.

Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2017 là 6,81%, một con số vượt qua nhiều dự đoán. Vào thời điểm này, khi nền kinh tế bước vào năm 2018, làm thế nào để tăng trưởng tiếp tục được đặt ra. Có vẻ như câu chuyện về tăng trưởng đang chiếm quá nhiều mối quan tâm, thưa ông?

Mục tiêu tăng trưởng GDP vẫn phải là mục tiêu cần đặt ra, vì muốn gia tăng mức sống người dân, thu hẹp khoảng cách với các nước, thì tăng trưởng GDP vẫn là nhân tố quyết định. Cho nên, chúng ta vẫn phải bàn và thảo luận và mong muốn đạt được tăng trưởng cao và bền vững.

Vì thế, trong nhiều năm tới chúng ta vẫn phải đặt tăng trưởng kinh tế là một trong những mục tiêu của điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Nhưng, điều quan trọng không kém đằng sau đó, là việc chúng ta phải bàn đến cách thức tăng trưởng.

Cách thức tăng trưởng để không dẫn đến tăng trưởng nóng, không dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô. Vì nếu bất ổn kinh tế vĩ mô, thành quả của tăng trưởng kinh tế sẽ mất đi và cái giá chúng ta phải trả sẽ rất cao.

Chúng ta đã trải nghiệm về điều đó nhiều lần trong 3 thập kỷ qua, gần đây nhất là 2009 đến 2011. Trải nghiệm đó có lẽ đang rất sống động, thời sự, mọi người chưa thể quên.

"Việc cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh trong 8 lĩnh vực của Bộ Công thương, hay một số bộ, ngành đã rà soát, đề xuất cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong ngành… mới chỉ là những hành động ban đầu. Cần thực hiện cải cách với một tốc độ nhanh hơn, quy mô rộng lớn hơn, theo hướng thị trường hơn.

Như vậy, điều quan trọng là cách thức tăng trưởng. Vậy, lúc này, nền kinh tế đang cần tăng trưởng thế nào, thưa ông?

Chúng ta vẫn nói là đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, thực ra bản chất là đổi mới động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Tăng trưởng dựa vào lượng, mở rộng các gói kích thích, tăng đầu tư nhà nước, tăng chi tiêu ngân sách, tăng tín dụng mà không kéo theo các cải cách vi mô, cải cách thị trường thì dư địa tăng trưởng đã hết. Đó là điều phải lưu ý.

Chúng ta phải chuyển sang cách thức tăng trưởng là dựa vào và nâng cao chất lượng phía cung của nền kinh tế, chứ không phải phía cầu như nhiều năm trước.

Để mở rộng cơ sở sản xuất, cải thiện phần cung của nền kinh tế - nền kinh tế thực, Chính phủ đã chú ý đến việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, làm cho thị trường vận hành tốt hơn, cạnh tranh hơn và tập trung vào cải cách những khu vực còn rất yếu của nền kinh tế, như khu vực DN nhà nước, hệ thống tài chính, ngân hàng, đặc biết là xử lý ngân hàng yếu kém và nợ xấu trong nền kinh tế.

Chúng ta đã bắt đầu làm, đã để cho thị trường vận hành tốt hơn. Các yếu tố như Luật Cạnh tranh bắt đầu xây dựng…

Nhưng cần phải có cơ quan cạnh tranh độc lập, chuyên trách để thực thi Luật Cạnh tranh một cách nghiêm túc, đảm bảo thị trường cạnh tranh công bằng, hạn chế độc quyền, xóa sân trước - sân sau, bãi bỏ, hạn chế nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, buôn lậu… Đó là những việc Nhà nước phải làm để có được thị trường cạnh tranh, bình đẳng.

Lâu nay, chúng ta đã thực hiện giải pháp là gỡ bỏ điều kiện kinh doanh, điều kiện gia nhập thị trường, thuận lợi hóa kinh doanh, để mở rộng quy mô và nâng cao mức độ cạnh tranh của thị trường, để thị trường hóa ngày càng nhiều hơn trong nền kinh tế.

Nhưng kết quả mới bước đầu. Như vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh trong 8 lĩnh vực, một số bộ, ngành đã rà soát, đề xuất cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong ngành…

Đây là các giải pháp nhằm nâng cao mức độ cạnh tranh, quy mô của thị trường. Còn có những giải pháp cần, nhưng chưa làm được nhiều.

Chúng ta phải chuyển sang cách thức tăng trưởng là dựa vào và nâng cao chất lượng phía cung của nền kinh tế, chứ không phải phía cầu như nhiều năm trước”.

Đó là gì, thưa ông?

Tôi muốn nhấn mạnh đến cải cách DN nhà nước. Lâu nay, chúng ta nhấn mạnh nhiều đến cổ phần hóa, nhưng cổ phần hóa chỉ là một giải pháp, còn mục tiêu là đưa khu vực đang nắm giữ tài sản khổng lồ vận hành theo thị trường, chịu áp lực cạnh tranh của thị trường, chịu áp lực hành chính của chủ sở hữu, buộc DN phải có kỷ luật trong hoạt động, nâng cao hiệu quả trong sử dụng nguồn lực.

Trong khi đó, lại nhìn thấy DN nhà nước nhiều ưu tiên, ưu đãi, lỏng lẻo trong kỷ luật tài chính, kỷ luật thị trường, nên tạo ra sự méo mó của thị trường. Điểm này nói đến nhiều nhưng làm chưa được nhiều, hay nói đúng là ít.

Nếu cải cách được DN nhà nước theo hướng này thì khi cổ phần hóa sẽ thuận lợi hơn, minh bạch hơn theo kinh tế thị trường, đánh giá được khả năng sinh lời của chúng và từ đó sẽ bán được với mức giá cao hơn, tránh được thất thoát tài sản nhà nước. Đây là điểm rất cần phải thúc đẩy.

Vừa rồi, tôi tham gia đoàn giám sát của Quốc hội về DN nhà nước, thấy kỷ luật với khu vực này rất lỏng lẻo, có ưu đãi, ưu tiên cho DN nhà nước mà không thấy trên văn bản, quy định.

Đây là lý do thị trường vẫn cạnh tranh méo mó.

Nhưng, giải pháp quyết định nền tảng của kinh tế Việt Nam là phát triển các thị trường nhân tố sản xuất. Lâu nay, chúng ta nói phát triển thị trường, nhưng mới phát triển được thị trường hàng hóa, dịch vụ, còn những thị trường yếu tố sản xuất, thị trường đất đai, thị trường vốn, thị trường khoa học công nghệ và đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất gần như chưa phát triển.

Ông đã từng nói, chính vì chưa phát triển của các loại thị trường này, khiến kinh tế thị trường của Việt Nam méo mó trong phân bổ nguồn lực?

Đúng! Và đi kèm đó là kiểu phân phối nguồn lực dựa trên hành chính xin - cho, khiến nguồn lực phân bố méo mó, nguồn lực không chảy vào những chỗ đáng lẽ được hưởng là những dự án hiệu quả cao, những người sử dụng nguồn lực tốt, mà lại chủ yếu chảy vào ai "chạy" được nhiều hơn, gần gũi nhiều hơn với những người có quyền phân bổ nguồn lực.

Chính đây là điều mấu chốt nhất, nhưng cũng khó nhất trong cải cách kinh tế ở Việt Nam.

"Kiểu phân phối nguồn lực dựa trên hành chính xin - cho, khiến nguồn lực phân bố méo mó, nguồn lực không chảy vào những chỗ đáng lẽ được hưởng là những dự án hiệu quả cao, những người sử dụng nguồn lực tốt, mà lại chủ yếu chảy vào ai "chạy" được nhiều hơn, gần gũi nhiều hơn với những người có quyền phân bổ nguồn lực".

Vậy trong năm 2018 chúng ta có thể làm được gi?

Năm 2018 có thể tập trung cả 3 việc trên.

Việc phát triển thị trường các nhân tố sản xuất là việc lớn, nhưng cũng phải bắt đầu vào năm 2018. Vì, chúng ta muốn cải cách thị trường thì phải cải cách được phân bổ nguồn lực, nếu cải cách thị trường mà cơ chế phân bổ nguồn lực này vẫn không thay đổi thì thị trường lại trở nên méo mó hơn.

Có thể không giải quyết ngay được, nhưng cũng phải từng bước làm. Đầu tiên là tập trung giải quyết các vấn đề của quyền sử dụng đất, để vốn hóa được quyền sử dụng đất, bảo vệ được tài sản của nông dân, giảm được khiếu kiện, khiếu nại trong việc phân bổ quyền sử dụng đất sẽ giảm. Ở chỗ này, ta đã bắt đầu chuyển tư duy đúng hướng, nhưng chậm quá về tốc độ, quy mô nhỏ.

Cần thực hiện cải cách với một tốc độ nhanh hơn, quy mô rộng lớn hơn, theo hướng thị trường hơn.

Xin cảm ơn ông.

Có thể bạn quan tâm