Phải lòng… lò gạch nung Mang Thít

Thật không ngoa khi nói rằng NAG săn phong cảnh có tiếng Trần Xuân Thiều đã “phải lòng” lò gạch nung Mang Thít – Vĩnh Long bởi anh đã rất kỳ công trong việc lên kế hoạch “theo đuổi” rồi rong ruổi từ Bắc vào Nam để săn được những shot ảnh đẹp từ nơi đây.
Mang Thít - làng nghề nằm dọc ven sông Cổ Chiên, kênh Thầy Cai
Mang Thít - làng nghề nằm dọc ven sông Cổ Chiên, kênh Thầy Cai

Là chuyện nhỏ khi di chuyển bằng máy bay từ Bắc vào Nam, nhưng để đi được từ TP. HCM đến Vĩnh Long - vùng sông nước miền Tây mênh mang thì phương tiện duy nhất giúp anh lúc này chỉ là xe đò và xe ôm khiến cuộc đi săn ảnh của anh thêm phần thú vị.

Về đến Mang Thít - làng nghề nằm dọc ven sông Cổ Chiên, kênh Thầy Cai, ngay từ đầu làng anh đã có thể thấy những lò nung đỏ au, trên nền xanh đất trời tạo nên một bức tranh rất đỗi thân thương. Hệ thống lò gạch, gốm Mang Thít có tuổi đời hàng trăm năm, được biết đến là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thời hoàng kim - những năm 1980, nơi đây có trên dưới 1.000 cơ sở sản xuất với khoảng 3.000 miệng lò, cung cấp vật liệu xây dựng cho cả vùng phía nam và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Miến Điện, Campuchia… Dân gian thường hay gọi nơi đây là "vương quốc gạch ngói/lò gạch".

"Vương quốc lò nung" bắt đầu suy tàn từ những năm 2000 bởi chi phí sản xuất quá cao, trong khi đó còn phải cạnh tranh với các nguồn vật liệu khác. Có rất nhiều cơ sở đã bán tháo, phá dỡ và hiện "vương quốc" này chỉ còn trên 1.000 lò tồn tại. Nhiều cuộc hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà quản lý và chuyên môn đã kiến nghị xem xét bảo tồn “vương quốc gạch ngói” để làm điểm tham quan du lịch và bảo tồn lịch sử làng nghề có tiếng của vùng Nam bộ trước khi bị sụp đổ hoàn toàn. 

Đứng trước “vương quốc lò nung”, NAG Trần Xuân Thiều cùng anh xe ôm rất chiều khách đã rong ruổi đi các góc để lấy hình ảnh lò gạch và phối cảnh của khu vực cùng trời mây sông nước. Anh cũng vào tận lò, giao tiếp với chủ lò và nhờ ông ấy trèo lên vỏ lò để có tỉ lệ người với cảnh mà ta có thể tưởng tưởng độ lớn của lò gạch. Nghe đơn giản là thế nhưng anh đã phải bêu nắng cả buổi chiều chạy tới chạy lui để chọn góc này đến góc khác với khuôn mặt nhễ nhại, lưng áo đẫm ướt mồ hôi – điều mà chỉ những tay máy đầy sự đam mê mới có thể kham nổi.

Anh còn thuê một xuồng máy du lịch, một mình đi dưới lòng kênh nhánh của sông Cổ Chiên để thu các shot hình từ sông lên với dãy lò gạch lừng lững trên bờ và trời xanh, mây trắng cuồn cuộn; hay những cảnh mây trời, sông nước đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long hình thành sét khoáng cho nguyên liệu gạch được mô tả lúc gần lúc xa, không có fly cam nhưng có hồn, rất ấn tượng. 

Chưa thoả mãn, đêm anh trở về thành phố tranh thủ nghỉ ngơi, sáng hôm sau quay ngược về Mang Thít để chụp cận cảnh dây chuyền sản xuất do hôm trước đi vào ngày nghỉ không có công nhân làm việc.

Trong chuyến trở lại này, anh đã ghi được những shot hình từ công đoạn nhào đất, đùn gạch bằng máy theo băng chuyền đi sấy, vào lò đến nguyên liệu củi, trấu và công đoạn đốt lò, đun trấu…. bằng thủ công rất sinh động và có hồn.

Thành quả của cả chuyến đi là anh đã thu về được những khuôn hình đủ tính ước lệ, thời sự và thông tin. Bộ ảnh của anh được giới nhiếp ảnh đánh giá là đắt giá, đắt công cả nghĩa đen và bóng.

Thương Gia trân trọng giới thiệu bộ ảnh “vương quốc gạch ngói” Mang Thít của NAG Trần Xuân Thiều:

 

Có thể bạn quan tâm