Phát hành tăng vốn nghìn tỷ, VPBank sẽ “bội thu” khi nới tăng tín dụng lên 20%

Hơn một tháng rưỡi niêm yết cổ phiếu trên HoSE, VPBank tiếp tục phát hành riêng lẻ thêm 164,7 triệu cổ phiếu để để huy động thêm 6.400 tỷ đồng, tạo đà cho ngân hàng phát triển trong những năm tới.
Phát hành tăng vốn nghìn tỷ, VPBank sẽ “bội thu” khi nới tăng tín dụng lên 20%

Huy động vốn nghìn tỷ

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ngay từ khi niêm yết hơn 1,3 tỷ cổ phiếu VPB trên sàn HoSE đã gây xôn xao thị trường với khối lượng khớp lệnh khủng 52 triệu đơn vị ngay ngày giao dịch đầu tiên 17/8/2017. Hơn một tháng rưỡi qua, VPB vẫn giao dịch lình xình trên dưới 37.000 đồng/CP, giảm hơn 5% so với thời điểm chào sàn, song thanh khoản duy trì ở mức khá cao trên 1 triệu đơn vị mỗi phiên.

Mới đây, VPBank tiếp tục gây chú ý khi công bố kết quả đợt phát hành riêng lẻ 164,7 triệu cổ phiếu và tăng vốn điều lệ từ mức 14.059 tỷ đồng lên mức 15.706 tỷ đồng. Với giá phát hành 39.000 đồng/CP, VPBank đã thu về hơn 6.400 tỷ đồng. Đây được coi là đợt huy động vốn rất thành công của VPBank.

Thị giá cổ phiếu VPB trên sàn hiện cao gấp 3 lần giá trị sổ sách hiện chỉ có 13.886 đồng/CP. Giá trị vốn hoá của VPBank giảm nhẹ còn 52 nghìn tỷ đồng (tính trên lượng cổ phiếu lưu hành 1.405 triệu cổ phiếu sau đợt tăng vốn gần đây thêm hơn 3.294 tỷ đồng nhờ chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng tới 32,83%).

Mặc dù đợt phát hành này chiếm khối lượng lớn, song 164,7 triệu cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Do đó, mức độ pha loãng cổ phiếu VPB sau phát hành thêm hiện chưa đáng ngại, thị giá VPB chỉ giảm nhẹ 0,5% trong phiên ngày 22/9/2017 sau thông tin công bố.

Được biết, cơ cấu cổ đông của VPBank hiện khá “đặc biệt” khi nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tới 22,34%, như vậy chỉ còn dư địa 7,66% cho khối ngoại tại ngân hàng này. Trong đó, 2 quỹ lớn nhất của Dragon Capital đang nắm hơn 1.000 tỷ đồng cổ phiếu của VPBank. Quỹ đầu tư Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) do Dragon Capital quản lý cập nhật đến ngày 17/8 từng sở hữu cổ phiếu VPBank chiếm 3,3% danh mục của quỹ, tương đương 40,2 triệu USD.

Tạo đà tăng trưởng

Cùng với đợt tăng vốn lên hơn 15.700 tỷ đồng, VPBank mới đây cũng đã được chấp thuận nới tăng trưởng tín dụng lên 20% so với giới hạn cũ 16%. Chính vì vậy, nguồn vốn thu được từ đợt phát hành riêng lẻ sẽ được dành tới 88,7%, tương ứng 5.700 đồng để bổ sung vốn trung dài hạn, phục vụ cho các hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng theo kế hoạch tăng trưởng đề ra.

Trong những năm gần đây, nhờ mở rộng cho vay, đẩy mạnh tín dụng bán lẻ, ngân hàng đã ghi nhận sự tăng trưởng lợi nhuận đột biến. Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) của VPBank là quanh 27 - 28%, gấp trên dưới 4 lần so với của 3 ngân hàng lớn nhất là Vietcombank, BIDV và VietinBank và gấp cả chục lần so với các ngân hàng khác. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của VPBank cũng là mức cao nhất, đạt 1,7% trong năm 2016.

Trong 7 tháng đầu năm nay, VPbank ghi nhận luỹ kế lợi nhuận trước thuế (hợp nhất) ước đạt 4.100 tỷ đồng, như vậy còn cách không xa mục tiêu cả năm 6.800 tỷ đồng. Theo lãnh đạo VPBank dự kiến có thể đạt 7.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Nhờ việc tăng vốn lên 15.700 tỷ đồng, VPBank sẽ đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II cũng như các tỷ lệ an toàn đối với các đối tác nước ngoài tài trợ vốn khác như IFC, ADB… trong vòng 3 năm tới. Nhóm các ngân hàng TMCP lớn như BIDV, Vietinbank, Vietcombank, VIB, Techcombank… cũng đang chạy đua tăng vốn để đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn an toàn quốc tế.

Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ đầu tư 500 tỷ đồng để củng cố nền tảng công nghệ thông tin, các dự án tư vấn chiến lược, mở rộng kinh doanh mới trong năm 2017, bổ sung 100 tỷ đồng vốn điều lệ cho Công ty con- Công ty TNHH quản lý tài sản ngân hàng VPBank AMC…

Ngân hàng cũng dự tính góp thêm 100 tỷ đồng mua cổ phần các công ty hoạt động lĩnh vực như bảo hiểm, quản lý quỹ… nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động kinh doanh cốt lõi.

>> Bỏ xa Big3, VPBank chạy đua hút vốn ngoại

Có thể bạn quan tâm