Phát triển nhà ở bình dân: Cách nào?

Sáng nay 15/11, tại Hà Nội, Hội thảo “Thị trường căn hộ bình dân: Cầu nhiều – cung ít, vì sao?”, đã thu hút được đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học… tham dự, chia sẻ và đưa ra nhiều kiến giải mới c
Phát triển nhà ở bình dân: Cách nào?

Mở đầu buổi hội thảo, nhà báo Lưu Quang Định chia sẻ, nhà ở bình dân, nhà ở giá rẻ hay giới địa ốc thường gọi là dòng sản phẩm “nhà ở vừa túi tiền” (chủ yếu là căn hộ 1 - 2 phòng ngủ, giá tiền từ 1 – 1,5 tỷ đồng, tương đương mức giá dao động từ 10 - 25 triệu đồng/m2) đã được chú trọng đầu tư, phát triển tại nhiều nước trên thế giới, thu lại những kết quả tích cực.

Trong chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ Việt Nam đặt trọng tâm đẩy mạnh phát triển quỹ nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình và thấp.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, diện tích nhà ở bình dân khoảng bốn triệu mét vuông, đạt gần 40% yêu cầu theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Ðiều này cho thấy, tiềm năng của phân khúc này còn rất lớn, hằng năm tiếp tục gia tăng, nhất là tại các thành phố lớn hay siêu đô thị như TP.HCM, Hà Nội.

Tuy nhiên, trái với nhu cầu đó, trên thị trường, nhà đầu tư lại tập trung nhiều cho tầng lớp trung lưu, với các sản phẩm cao cấp hoặc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng… Chính sự lệch pha cung – cầu này tạo ra khan hiếm nhà ở bình dân và khiến giá nhà bị đẩy lên cao hơn giá trị thực.

Hiểu thế nào là nhà ở bình dân, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng: “Phân khúc nhà ở có giá bình dân là phân khúc phù hợp với đại bộ phận người dân có thu nhập trung bình”.  

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam

Ông Đính nêu lên thực trạng tại sao nhà ở giá bình dân lại chưa được khách hàng ưa chuộng: “Các dự án loại này đang có vị trí cách rất xa khu trung tâm thuộc khu vực Hà Đông, Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh… và đối với TP.HCM cũng tương tự. Hiện nay, chính sách nhà nước đối với nhà ở phân khúc bình dân là chưa có chính sách nào là cụ thể mà mới chỉ có chính sách về nhà ở xã hội. Hơn nữa, dịch vụ tại những khu vực nhà ở giá bình dân như vui chơi giải trí, thương mại… đang rất thiếu.

Để phát triển phân khúc này, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng: “Điều đầu tiên là cần phát triển hạ tầng đô thị tại các khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại các dự án nhà ở xa trung tâm. Xây dựng ban hành các chính sách về nhà ở cho người thu nhập thấp. Đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển loại hình căn hộ thuộc phân khúc này và chính sách cho người thu nhập thấp vay tiền để mua nhà tại những dự án này.

Về chủ trương của nhà nước đối với nhà ở phân khúc bình dân, ông Vũ Văn Phấn Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường BĐS Việt Nam cho rằng: “ Phân khúc nhà ở bình dân là nhà ở giá vừa phải cho đối tượng thu nhập thấp đang bị nhầm lẫn với nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nhà ở phân khúc bình dân là phải khác đối với nhà ở thương mại. Hiện nay, nhà nước đang tập trung hỗ trợ nhà ở xã hội và người thu nhập thấp. Tuy nhiên, chủ trương thúc đẩy nhà ở thương mại bình dân chúng tôi rất đồng tình”.

Về phát triển nhà ở bình dân, việc đề nghị các cấp các ngành quan tâm, tạo cơ chế chính sách cho doanh nghiệp thúc đẩy phân khúc này là rất khó. Nhưng chắc chắn cơ chế phải có cái gì đó tạo điều kiện để phát triển loại hình căn hộ này. Ông Vũ Văn Phấn nêu ý kiến.

Có thể bạn quan tâm