Phía sau đề xuất điều chỉnh dự án Hồ Tràm là gì?

Dù dự án Hồ Tràm đã được điều chỉnh tới 7 lần, và vẫn chậm tiến độ cam kết nhưng cả nhà đầu tư lẫn UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều tiếp tục nỗ lực đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét báo cáo Thủ tướng chấp thuận
Phía sau đề xuất điều chỉnh dự án Hồ Tràm là gì?

Xin điều chỉnh là tình thế bắt buộc?

Dự án Hồ Tràm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 12/3/2008, và đến nay đã được điều chỉnh thay đổi 7 lần. Lần điều chỉnh thay đổi gần đây nhất (lần 7) ngày 16/12/2015, Giấy chứng nhận có quy định chi tiết các hạng mục của 6 khu (A, B, C, D, E, và F), tiến độ góp vốn và tiến độ thực hiện của từng khu. Trong đó, ngoài khu E và khu D, các khu còn lại đều cam kết hoàn thiện trước và trong năm 2018.

Theo cam kết tiến độ thì Khu A1 sẽ phải khởi công tháng 9/2009, và hoàn thiện vào tháng 3/2013; Khu A2 khởi công vào tháng 10/2012, hoàn thiện vào tháng 6/2015; Khu B1 khởi công vào tháng 6/2013, hoàn thiện tháng 5/2017; Khu B2 khởi công tháng 6/2010, hoàn thiện 5/2017; Khu C khởi công tháng 6/2016, hoàn thiện 5/2018; Khu D khởi công tháng 6/2017, hoàn thiện tháng 5/2019; Khu E khởi công tháng 5/2018, hoàn thiện tháng 12/2020; Khu sân golf F đã đưa vào hoạt động từ tháng 9/2013.

Như vậy, nếu xét theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư này thì nhà đầu tư đã không thực hiện đúng được như cam kết tiến độ đã đề ra. Hầu hết các khu quy hoạch đều chậm, có những khu còn chưa được khởi công.

"Điều này thể hiện rất rõ tại Kết luận thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 12/02/2018. Trong đó có đánh giá “Khu B, C, D, E chưa xây dựng công trình; riêng khu B chậm tiến độ hơn 40 tháng theo Giấy chứng nhận đầu tư, vi phạm quy định tại điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013.”

Mà theo Điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 thì: Với đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.

Theo một văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì đến thời điểm ngày 23/11/2018, Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm vẫn chưa có văn bản đề nghị gia hạn sử dụng đất.

Như vậy, nếu việc xin điều chỉnh tiến độ theo đề xuất của Nhà đầu tư và chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì các khu đất trên mặc nhiên được gia hạn điều chỉnh thời gian một cách hợp lý mà không trái luật. Thậm chí kéo dài thời hạn thực hiện dự án đến năm 2025 như đề xuất của nhà đầu tư.

Nhưng ngược lại nếu không thành công trong thương vụ đề xuất được điều chỉnh lần này thì chắc chắn dự án được xếp vào dạng không thực hiện đúng về tiến độ cam kết đề ra và hệ quả đặt ra là có thể dẫn đến trường hợp thu hồi dự án để đấu giá theo quy định.

Vì lẽ đó, việc nhà đầu tư xin điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là hiển nhiên, vừa tránh được những bất chắc thu hồi dự án theo quy định, đồng thời tiếp tục thực hiện tham vọng dịch chuyển mục tiêu từ kinh doanh khu casino cao cấp kèm dịch vụ khách sạn sang kinh doanh các dịch vụ và bất động sản nghỉ dưỡng theo “chiến thuật” mới, bởi tình trạng làm ăn thua lỗ trước đó.

Những tín hiệu “dọn ổ”

Lý do xin được điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, tiến độ vốn góp được Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm đưa ra là do thay đổi Quy hoạch tổng thể 1/2000, tại Quyết định 1479/QĐ-UBND ngày 06/6/2018. Tuy nhiên, nên biết rằng chính nhà đầu tư đã có Tờ trình số 05-052008/TTr-HTP ngày 7/5/2018 đề nghị để lập Quy hoạch tổng thể như trên.

Mặt khác, theo Quyết định 1479/QĐ-UBND ngày 06/6/2018 về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của dự án thì các nội dung về quy mô diện tích, tính chất của dự án và tên các phân khu của khu quy hoạch vẫn được giữ nguyên theo quy hoạch chi tiết tổng thể mặt bằng sử dụng đất và kiến trúc cảnh quan tỷ lệ 1/2000 khu du lịch sinh thái giải trí phức hợp Hồ Tràm phê duyệt vào các năm 2006 và điều chỉnh năm 2013.

Do vậy, lập luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra rằng “việc thực hiện các khu chức năng còn lại không ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh quy hoạch 1/2000. Như vậy, lý do nhà đầu tư nêu ra để điều chỉnh tiến độ là không hợp lý và không có cơ sở”.

Ngay cả đề xuất bổ sung khu nhà ở thấp tầng  K1 và K2 quy mô 60 căn biệt thự với tổng diện tích 7,2ha trong Khu E2 của Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm cũng khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải yêu cầu nhà đầu tư phải giải trình, làm rõ việc thay đổi chức năng.

Tuy nhiên, vấn đề này cũng không thể làm khó được nhà đầu tư bởi nhà đầu tư lập luận rằng, họ căn cứ theo Quyết định số 4060/QĐ-UBND ngày 10/10/2018 của UBND huyện Xuyên Mộc về phê duyệt Quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 khu sân gôn trong khu du lịch giải trí phức hợp Hồ Tràm để đề xuất điều chỉnh Giấy Chứng nhận đầu tư. Mà lưu ý, theo Quy hoạch chi tiết này thì trong tương lai sẽ hình thành khu nhà thấp tầng K1, K2.

Cũng nên biết rằng, một trong những căn cứ quan trọng để UBND huyện Xuyên Mộc ban hành Quyết định 4060/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 trên là do chính Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm có văn bản đề nghị lập ngày 12/6/2018.

Chính vì vậy, có thể thấy những đề xuất của Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm khá hợp lý bởi trước đó cũng đã có sự chuẩn bị chu đáo. Cộng thêm chiến lược kinh doanh mới giúp nhà đầu tư kỳ vọng thoát khỏi cảnh “ì ạch” triển khai dự án, mà không trái cam kết cũng như luật pháp Việt Nam.

Điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 quy định về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai:

“i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất

trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”.

>> Dự án Hồ Tràm: Khoản lỗ 300 triệu USD và giấc mơ casino cho “người nước ngoài”

Có thể bạn quan tâm