Phim remake: Không nên phủ nhận hoặc tôn vinh quá trớn

Nếu một phim remake giống như một bản phim được sao y từ bản gốc, thì hãy dành quyền phán xét đó cho khán giả. Không nên gán cho phim remake “tính dân tộc” để rồi đòi phủ nhận hoặc tôn vinh quá trớn.
Phim remake: Không nên phủ nhận hoặc tôn vinh quá trớn

Tính đến đầu tháng 4/2018, trong nhóm 5 phim Việt có doanh thu cao nhất từ trước đến nay, đã có 2 phim được làm lại (remake): "Em là bà nội của anh" và "Tháng năm rực rỡ". Bên cạnh Tháng năm rực rỡ, có thêm 2 phim remake đang trình chiếu ngoài rạp là Yêu em bất chấp và Ông ngoại tuổi 30. Tất cả đều được làm lại từ bản phim Hàn Quốc.

Phim remake ở nước ta hiện được chia làm 2 loại:

Một loại là mua bản quyền kịch bản từ nước ngoài rồi những nhà làm phim trong nước tự Việt hóa và sản xuất. Loại này giúp nhà làm phim có thể đưa thêm những chất liệu tùy ý vào phim để giúp phim gần với khán giả Việt Nam hơn. Nó cũng khiến cho không gian sáng tạo của đạo diễn được tự do hơn nhiều.

Hai là chính công ty sản xuất bộ phim ở nước bạn thuê các nhà làm phim ở nước ta làm lại bộ phim đó. Làm phim kiểu này cực khó vì sự sáng tạo bị bó hẹp lại tối đa. Từng cảnh quay đều bị kiểm soát nghiêm ngặt sao cho gần với bản gốc nhất, và ít có những đặc thù riêng của dân tộc hơn loại thứ nhất.

Truyền hình là lĩnh vực đầu tiên thực hiện và đến nay vẫn đều đặn sử dụng phương cách remake – làm lại hay còn gọi là Việt hóa một kịch bản phim của nước ngoài. Cho đến nay, số lượng phim truyền hình remake khá nhiều như Mùi ngò gai, Cầu vồng tình yêu, Ngôi nhà hạnh phúc, Dù gió có thổi, Gia đình là số 1… Năm 2017 có thể xem là năm thành công của mảng phim truyền hình remake với Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Cả một đời ân oán… đã góp phần giúp phim truyền hình lấy lại vị thế sau nhiều năm bị gameshow và truyền hình thực tế lấn át.

Ở lĩnh vực điện ảnh, xu hướng remake chỉ bắt đầu được giới đầu tư và khán giả chú ý sau thành công ngoài dự đoán của Em là bà nội của anh (làm lại từ Miss Granny – 2014 – Hàn Quốc) cuối năm 2015. Lần đầu tiên một bộ phim gia đình, không có diễn viên hài ngôi sao, đạt đến con số doanh thu trên 100 tỷ đồng. Điều này đã tạo thêm “dũng cảm” cho các nhà sản xuất, mạnh dạn đầu tư thực hiện các phim remake khác.

Chỉ trong giai đoạn 2016 - 2017, hàng loạt dự án phim điện ảnh remake được công bố, trình chiếu, như Bạn gái tôi là sếp (làm lại từ ATM Errak Error – Thái Lan), Sắc đẹp ngàn cân (làm lại từ 200 Pounds Beauty – Hàn Quốc), Yêu đi đừng sợ (làm lại từ Spellbound – Hàn Quốc), Tháng năm rực rỡ (làm lại từ Sunny – Hàn Quốc), Yêu em bất chấp (làm lại từ My Sassy Girl – Hàn Quốc), Ông ngoại tuổi 30 (làm lại từ Scandal Makers – Hàn Quốc) Sát thủ đầu mưng mủ (làm lại từ Luck-key – Hàn Quốc)…

Đây cũng là lúc dư luận ồn ào về remake, đa phần là lo lắng, có phần “kỳ thị”, nào là mất tính dân tộc, sao cứ phải “ốc mượn hồn”, chẳng lẽ Việt Nam không có câu chuyện hay, kịch bản hay mà cứ phải remake… Các giải thưởng điện ảnh và truyền hình chưa thực sự tin tưởng thể loại này.

Sự dè dặt của các giải thưởng điện ảnh và truyền hình tại Việt Nam cũng cho thấy các nhà chuyên môn không đánh giá cao phim remake. Năm 2016, giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam tuyên bố không nhận phim remake, vì hội đề cao các tác phẩm giàu sáng tạo nghệ thuật. Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 cũng từ chối cho phim remake dự thi, đến mùa giải năm 2017 mới cho dự thi nhưng chỉ giới hạn ở một số hạng mục. Liên hoan truyền hình 2017 không cho phim remake dự thi với lý do đây là cuộc thi dành cho các sản phẩm nội địa.

Remake là một hiện tượng phổ biến ở Hollywood cũng như nhiều thị trường phim phát triển khác. Việc mua lại bản quyền một kịch bản phim hấp dẫn, về làm lại với ngôn ngữ riêng của thị trường sở tại chẳng có gì là ầm ĩ. Người Mỹ, người Nhật, người Hàn… cũng đều làm như thế, và chẳng có ai lo sợ bị mất đi “tính dân tộc”. Thông thường các nền điện ảnh lớn hay đi mua kịch bản từ các nền điện ảnh nhỏ hơn, như một cách lấy ý tưởng và qua một quy trình chuyên nghiệp của họ, biến cái ý tưởng gốc đó thành câu chuyện hấp dẫn hơn, mang tính toàn cầu hơn. Đây cũng chính là trường hợp của bộ phim The Departed, remake từ phim Vô gian đạo của Hong Kong, đoạt 4 giải Oscar. Người thực hiện The Departed là đạo diễn tài năng bậc nhất hiện nay của thế giới, và không thể có chuyện Martin Scorsese không sáng tạo được mới làm phim remake.

Những nhà làm phim Việt Nam hiện nay làm phim remake là một cách tiếp cận, học hỏi những kịch bản chỉn chu, câu chuyện có tính hấp dẫn, những quy trình sản xuất tiên tiến, chuyên nghiệp… Remake là một chuyện bình thường của bất kỳ nền điện ảnh nào trong thời đại toàn cầu hóa; cũng có thể là “vua” phòng vé, hoặc thất bại thảm hại.

Nếu một phim remake giống như một bản phim được sao y từ bản gốc, thì hãy dành quyền phán xét đó cho khán giả. Không nên gán cho phim remake “tính dân tộc” để rồi đòi phủ nhận hoặc tôn vinh quá trớn.

Theo thống kê vào cuối năm 2017, 5 bộ phim dẫn đầu doanh thu phòng vé được công bố là Em chưa 18, Em là bà nội của anh, Để Mai tính 2, Tèo em và Quả tim máu.

Đến đầu tháng 4-2018, trật tự đã thay đổi với sự vươn lên ngoạn mục của Tháng năm rực rỡ và Siêu sao siêu ngố, đẩy Quả tim máu và Tèo em khỏi Top 5.

3 bộ phim chốt Top 10 phim Việt ăn khách nhất lần lượt là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô gái đến từ hôm qua, Chàng trai năm ấy.

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Có thể bạn quan tâm