Phố Hàng Than - Mùa chim làm tổ

Khi những ngọn gió heo may xao xác trên hè phố, những đôi uyên ương lại bắt đầu hành trình xây tổ ấm cho mình.
Phố Hàng Than - Mùa chim làm tổ

Trong dòng chảy của cuộc sống, Hàng Than – một con phố cổ của Hà Nội – Tràng An xưa bỗng khoác lên mình một nhiệm vụ rất thiêng liêng và không kém phần lãng mạn: Dịch vụ cưới hỏi – phục vụ cho một nghi thức bắt buộc để “con rể thành trai, con dâu thành gái” trong mỗi nhà.

"Con phố chỉ dài có 400 m, uốn lượn mềm mại, trườn theo con dốc lên đường Yên Phụ. Cắt ngang nó là Nguyễn Trường Tộ, Quán Thánh, Hàng Đậu, Phan Đình Phùng, Hàng Giấy – toàn những tên phố cổ xưa mang đầy dấu ấn của rêu phong thời gian.

Phố Hàng Than trước đây là đất của thôn cũ Hoè Nhai và Yên Thuận. Tên gọi của nó phản ánh đúng nhịp sống thời đại xưa: Đó là nơi của những thuyền than hoa, than kíp lê đậu bến rồi gánh tỏa đi khắp thành phố. Vật đổi sao rời. Hàng Than ngày nay không còn bán than nữa mà đã trở thành con phố thuộc khu vực buôn bán sầm uất bậc nhất Hà thành. Từ Hồ Hoàn Kiếm dẫn qua Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Giấy, Đồng Xuân rồi đến Hàng Than, ngó bên trái, quay bên phải là bắt gặp những con phố mà chỉ nghe thôi đã cảm nhận được hồn cốt của đất kinh kỳ kẻ chợ: Hàng Bồ, Hàng Bạc, Lãn Ông, Ngõ Gạch, Hàng Cá, Nguyễn Siêu, Hàng Mã, Hàng Khoai…

Mặc dù là phố thương mại nhưng Hàng Than vẫn toát lên vẻ hoài cổ xen lẫn hiện đại. Nó như một nét vẽ “phết sau cùng” trong bức tranh phố phường - nét cong mềm với những mái ngói lô xô dưới tán cây già. Từ trên đỉnh dốc, giáp phố Yên Phụ nhìn xuống, mặc dù có sự hiện diện của thương hiệu gà rán KFC, một vài khách sạn cao lênh khênh… nhưng vẫn có cảm giác con phố này mới vén lên tấm màn thời gian cho những năm tháng xa xưa dần hiện… Có lẽ bởi những mái ngói thâm nâu, xếp nếp chạy hai bên đường, ngôi chùa cổ xen giữa chợ, những cửa hàng bánh cốm gia truyền mà nổi tiếng nhất là bánh Nguyên Ninh; rồi đến quán ăn Hà Nội xưa với bún ốc, bún riêu, nem rán…

Những năm gần đây, không rõ từ đâu mà phố Hàng Than lại “bén duyên” với dịch vụ cưới hỏi. Không chỉ người Hà Nội tìm đến con phố này mà người từ các tỉnh lân cận, kiều bào ở nước ngoài cũng đổ về đây để đặt đồ sính lễ. Chỉ cần lên mạng gõ dịch vụ cưới hỏi thì cả rừng thông tin hiện ra và phần lớn chỉ dẫn gần như đều đưa về phố Hàng Than. Nào Cưới hỏi  Song Hỷ ở số 8; Quang Dũng số 14 , Bảo Minh ở 12 và 16 b; Bà Loan cưới hỏi và Thu Hằng đều cùng số 38…

Nhờ những cơ sở dịch vụ cưới hỏi trọn gói này mà các gia đình cô dâu chú rể nhàn nhã hơn rất nhiều trong khâu tổ chức. Họ thường thuê dịch vụ khép kín từ việc sắp đồ lễ; xe cộ đưa đón đoàn ăn hỏi, rước dâu; Đội hình bê tráp rồng tráp phượng toàn những nam thanh nữ tú được đào tạo chuyên nghiệp…

Chỉ 5-6 triệu đồng là đã có được một lễ ăn hỏi khá đình đám, đủ cả 3 chai rượu, 3 cây thuốc Vinataba, 1 mâm quả rồng phượng, bánh cốm Nguyên Ninh, bánh đậu xanh hoặc xu xê… Chủ cơ sở cũng chẳng phải đi dâu xa, chỉ cần nhấc máy là các cửa hàng bánh kẹo, rượu, thuốc lá… trên cùng con phố ngay lập tức sẽ cho nhân viên chở đồ đến.

Gia chủ cũng có thể thuê trọn gói cả lễ ăn hỏi và tổ chức đám cưới, từ trang trí xe hoa, hoa cô dâu chú rể, cổng hoa cho đến hoa tiệc, hoa trang trí phòng cưới, phù dâu phù rể, MC… Nhưng, những năm gần đây còn xuất hiện cả những đám cưới mà nhân vật chủ đạo chỉ có mỗi cô dâu chú rể, hoặc đại diện gia đình họ hàng thì thiếu bên này, đủ bên kia. Đó là do một trong hai nhân vật chính ở vào những hoàn cảnh đặc biệt. Có anh Việt kiều từ Mỹ về cưới vợ. Vì đường xá xa xôi, đi lại quá tốn kém, bố mẹ lại già yếu… mà cần đến cả dịch vụ thuê đại diện nhà trai. Một trường hợp khác dở khóc dở cười: anh hướng dẫn viên du lịch đã có gia đình nhưng chót say nắng với một đồng nghiệp. Cô gái có thai. Nhà cô thuộc loại gia thế nên không thể để xảy ra cảnh “không chồng mà chửa”. Và thế là, anh hướng dẫn viên tạm biệt vợ con, khoác ba lô lên đường công tác 1 tuần như mọi bận. Nhưng lần này, anh không đi đâu xa mà tham dự một đám cưới, trong vai chú rể, có bố mẹ, chú bác đại diện họ nhà trai (đi thuê) đàng hoàng… Sau đám cưới, cô gái lặng lẽ chuyển vào Sài Gòn rồi một thời gian sau, cô cùng đứa con nhỏ chuyển sang Mỹ định cư.

Những câu chuyện tương tự man mác buồn như ngọn gió lang thang trên con phố nhỏ không khiến các cặp đôi vơi đi niềm vui háo hức xây tổ ấm. Ngày lại ngày, những bậc làm cha làm mẹ, những nam thanh nữ tú vẫn rộn ràng đi trên phố, ghé qua cửa nhà này, ngó nghiêng cửa nhà kia để chọn cho mình một cơ sở cung cấp dịch vụ cưới hỏi ưng ý nhất.

Bạn cứ ghé qua phố Hàng Than đi. Sắc màu đỏ của giấy hồng điều, màu xanh của cau, của bánh cốm, máu tím của hoa… đang ngập tràn trên phố. Hãy đừng quên tự thưởng cho mình một bát bún riêu thơm ngon, hương vị đặc trưng Hà thành ở quán Hà Nội xưa ở số 60 nhé. 

Có thể bạn quan tâm