Phụ nữ sẽ là lực lượng dẫn đầu trong nền kinh tế số

Khẳng định trên đã được TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại “Diễn đàn doanh nhân nữ trong nền kinh tế số” do VCCI tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Phụ nữ sẽ là lực lượng dẫn đầu trong nền kinh tế số

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại diễn đàn

Nền kinh tế số chính là nền kinh tế của phụ nữ

Theo TS Vũ Tiến Lộc, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội cho doanh nhân nữ phát huy lợi thế của mình, để trở thành lực lượng dẫn đầu của nền kinh tế số. “Nền kinh tế số chính là nền kinh tế của phụ nữ… nền kinh tế số cũng khiến lợi thế của phái mạnh nhỏ lại và ưu thế của phụ nữ lớn lên” – TS Vũ Tiến Lộc nói.

Lý giải điểu này, TS Vũ Tiến Lộc nêu rõ, thế giới đã và đang trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp, giúp giải phóng sức lực cơ bắp và giải phóng nỗ lực của con người. Trong đó, cuộc cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng số, theo đó, tài nguyên số là tài nguyên cốt lõi của nền kinh tế, với sự tham gia của trí tuệ nhân tạo. “Nền kinh tế số, hay kinh tế thông minh đánh dấu sự xuất hiện hàng loạt các công nghệ mới của trí tuệ nhân tạo. Thậm chí, giải phóng trí tuệ và bộ não của con người. Trong nền kinh tế đó, máy móc có thể suy nghĩ, cộng hưởng và đưa ra quyết định thay con người”, ông Lộc tiếp tục nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI cũng nhận định, trong cuộc cách mạng này, hai chủ thể lớn nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp siêu nhỏ và phụ nữ. “Hai mỏ tài nguyên lớn nhất này sẽ là thế mạnh trong nền kinh tế số, bởi nền kinh tế hiện nay cần sự thông minh, uyển chuyển, đó chính là thế mạnh của phụ nữ. Nền kinh tế thông minh này chính là nền kinh tế của phụ nữ và các doanh nghiệp nhỏ với sự trợ giúp của công nghệ. Thế giới đang nhỏ lại và DNNVV đang lớn lên, nền kinh tế số cũng khiến lợi thế của phái mạnh nhỏ lại và ưu thế của phụ nữ lớn lên”, TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) cho hay, trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng sẽ có rất nhiều cơ hội để tận dụng những lợi thế của công nghiệp số, thương mại điện tử, marketing trực tuyến cũng như việc tiếp cận thông tin dễ dàng hơn.

Nhưng cũng đầy thách thức

Bà Đào Hồng Lan – Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) được tiến hành tại 5 nước ASEAN cho thấy, tiến bộ vượt bậc về công nghệ đã có tác động mạnh mẽ tới thị trường lao động và mang lại kết quả to lớn đến năng suất lao động. Theo nghiên cứu này, tại Việt Nam, 70% việc làm có độ rủi ro cao, đặc biệt trong các ngành chế biến, chế tạo, dệt may, da giày, … Các doanh nghiệp yêu cầu kỹ thuật giản đơn thì nguy cơ bị thay thế bằng máy móc ngày càng cao hơn.

Phiên thảo luận tại diễn đàn

“Bên cạnh những lợi ích của nền công nghệ số thì sự phát triển không ngừng này cũng mang lại nhiều thách thức to lớn đối với nguồn nhân lực nước ta trong thời gian tới” - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói.

Theo Thứ trưởng, với cơ cấu và chất lượng lao động, trong những năm vừa qua, vấn đề chuyển dịch cơ cấu lao động đã được tiến hành nhưng còn chậm. Đến nay, Việt Nam có trên 40% lao động làm việc trong ngành nông nghiệp và ngư nghiệp. Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện nước ta có trên 18 triệu lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Nhân lực qua đào tạo chỉ chiếm 21% lực lượng lao động. Năng suất lao động thấp, chậm cải thiện, lực lượng lao động chưa có kỹ năng cần thiết như kỹ năng đổi mới tư duy sáng tạo, làm việc nhóm, phản biện, đặc biệt là ngoại ngữ.

"Với lao động nữ, bên cạnh đặc điểm chung của lao động tại Việt Nam, tỷ lệ lao động nữ có trình độ chuyên môn thấp hơn đáng kể với lao động nam. Tỷ lệ lao động nam là 24,7%, con số này ở nữ là 19%. Số lượng doanh nhân nữ ngày càng tăng nhưng về tỷ lệ doanh nhân nữ trên tổng số lao động nữ chỉ chiếm 1,9%, con số này ở doanh nhân nam là gần 4%. Đây là nguyên nhân trực tiếp gây trở ngại đến sự phát triển kinh tế, trình độ đào tạo, giảm quyền năng lao động nữ" - bà Lan nhấn mạnh.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết thêm, nền kinh tế số với phương thức sản xuất kinh doanh mới mang lại lợi thế nhưng cũng cạnh tranh nhiều hơn đối với doanh nhân nữ và doanh nghiệp do nữ làm chủ. Để giúp Việt Nam vượt qua thách thức nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, cần đón đầu lợi thế trong phát triển nguồn nhân lực, tăng cường sáng tạo trong phương pháp giáo dục, tạo sân chơi pháp luật bình đẳng cho doanh nghiệp.

“Với thế mạnh của chị em linh hoạt, chủ động, nhạy bén thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay thứ 5 đi nữa, thì chị em luôn mạnh mẽ để đón nhận các thách thức mới”, Thứ trưởng khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh khuyến nghị, để tận dụng những lợi thế của công nghiệp số, các doanh nhân nữ rất cần chủ động học hỏi kiến thức, nâng cao kỹ năng để có thể đáp ứng tốt nhất những thay đổi của thị trường và yêu cầu của khách hàng.

Bà Vũ Thị Kim Hòa – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Trúc Quỳnh Đà Lạt: 

Đây là một sự kiện làm tôi thấy thật ý nghĩa, đây như là một lời động viên, phần thưởng cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa phấn đấu và đi lên mà các cấp lãnh đạo dành tặng. Thông qua sự kiện này, bản thân tôi thấy những công việc mình đã cố gắng và làm trong thời gian trước đó càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết”. Bà Hoa cũng cho biết, nhờ sức mạnh của truyền thông, công nghệ thông tin, nhất là kênh Facebook, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ handmade của bà đã được nhiều người biết tới, đặc biệt là khách quốc tế rất thích và ưa chuộng.

Bà Dương Xuân Hồng - Tổng GĐ Công ty CP Vận Tải Hưng Long:

Đảng, Nhà nước chính quyền đã luôn cố gắng và ban hành các chính sách tạo điều kiện cho nữ giới làm kinh tế. Tuy nhiên bà cũng hy vọng chính quyền và cơ quan chức năng hướng dẫn để những doanh nghiệp cạnh cạnh tranh lành mạnh, khống chế những doanh nghiệp kinh doanh không có văn hóa để doanh nghiệp Việt Nam có vị thế hơn trên trường quốc tế.

Có thể bạn quan tâm