Phút 90: Lật ngược đòi thu cổ tức BIDV và VietinBank

Lần đầu tiên Bộ Tài chính đề xuất hai ngân hàng BIDV và VietinBank chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt và nộp hết tiền về ngân sách nhà nước. Song các cổ đông của hai nhà băng này đã biểu quyết “nhất t
Phút 90: Lật ngược đòi thu cổ tức BIDV và VietinBank

Vậy điều gì sẽ diễn ra sau “phút thứ 90” này?

Cuối tháng 4/2016, ĐHCĐ thường niên năm 2016 của BIDV và Vietinbank đã đạt được sự đồng thuận tuyệt đối 99,99-100% của cổ đông hay ngân hàng về nội dung chia cổ tức năm 2015. Trong đó, BIDV sẽ chia cổ tức 8,5% bằng cổ phiếu, còn Vietinbank không chia cổ tức vì các điều khoản ràng buộc của hợp đồng sáp nhập ký với PGbank.
Thu hồi cổ tức “khủng”
Mọi việc tưởng như đã “quyết” xong, nhưng mới đây, Bộ Tài chính bất ngờ đề xuất với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng chỉ đạo Người đại diện vốn nhà nước tại BIDV và Vietinbank phải biểu quyết chia cổ tức bằng tiền mặt. Toàn bộ tiền cổ tức của cổ đông Nhà nước nộp vào ngân sách.
Tính đến cuối năm 2015, Nhà nước vẫn đang sở hữu 64,46% vốn điều lệ tại VietinBank và nắm hơn 95% vốn của BIDV. Với BIDV, lợi nhuận còn lại sau khi trừ đi lỗ luỹ kế của ngân hàng MHB chỉ còn lại 5.842 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ cổ tức được biểu quyết thông qua là 8,5% bằng cổ phiếu, tương ứng 2.905 tỷ đồng và phần cổ tức của Nhà nước là hơn 2.759 tỷ đồng.
Tương tự, lợi nhuận sau thuế năm 2015 của VietinBank là hơn 5.698 tỷ đồng, sau khi trừ đi các khoản trích lập quỹ, thù lao, còn lại 3.660 tỷ đồng. Các năm trước, VietinBank vẫn đảm bảo cổ tức 10%, song năm nay, ngân hàng này quyết định không chia cổ tức.
Nếu VietinBank chia cổ tức 8,5% như BIDV thì Nhà nước sẽ thu về khoảng 2.040 tỷ đồng. Có thể thấy, khoản tiền cổ tức mà cổ đông Nhà nước nhận được rất lớn, giờ phân xử ra sao cho “vẹn cả đôi đường” là vấn đề không hề dễ?
Tại ĐHCĐ thường niên 2016, Tổng giám đốc Vietinbank Lê Đức Thọ giải thích, năm 2015, ngân hàng không chia cổ tức nhằm bổ sung nguồn vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phù hợp với chiến lược phát triển của VietinBank. Đồng thời việc tăng vốn này nhằm đảm bảo tuân thủ các giới hạn về an toàn vốn theo quy định của NHNN và thông lệ quốc tế.
Trước thông tin Bộ Tài chính “đòi” thu cổ tức, ông Thọ cho hay, VietinBank đang đề xuất với Bộ xem xét việc giữ lại lợi nhuận để tăng vốn như ĐHCĐ đã thông qua, tiếp tục giải trình với Bộ Tài chính và NHNN về vấn đề này. Không chỉ VietinBank, BIDV cũng chịu áp lực phải tăng vốn, năng lực tài chính theo chuẩn mực quốc tế.
Tại ĐHCĐ ngày 24/4, lãnh đạo BIDV cho biết việc chia cổ tức phải chờ NHNN xem xét phê duyệt, mà việc chia cổ tức bằng tiền mặt là “khá khó khăn để thuyết phục Nhà nước cho phép” nên chỉ biểu quyết chia cổ tức 8,5% bằng cổ phiếu. Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà cho hay “Chúng tôi vẫn kiên trì thuyết phục Chính phủ để lại lợi nhuận dành tăng vốn ngân hàng vì cần “nuôi dưỡng nguồn thu”.
Sẽ biểu quyết lại cổ tức?
Bộ Tài chính đang tỏ rõ quyết tâm khi “đòi” khoản cổ tức “khủng” của hai ngân hàng gốc quốc doanh trong năm 2015. Theo các quy định hiện hành, nguồn thu cân đối ngân sách năm 2016 có thêm nhiều khoản như: lợi nhuận còn lại và cổ tức được chia cho phần vốn Nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp do Bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu, lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước sở hữu 100% là 55.000 tỷ đồng. Nghị định 57/2012/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định về chế độ tài chính đối với ngân hàng, trong đó nêu “ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, người đại diện vốn nhà nước tại ngân hàng phải lấy ý kiến NHNN và thống nhất với Bộ Tài chính về việc phân chia lợi nhuận còn lại để biểu quyết tại ĐHCĐ”.
Hơn nữa, Người đại diện vốn Nhà nước phải có trách nhiệm “yêu cầu công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên nộp vào ngân sách nhà nước khoản lợi nhuận, cổ tức được chia tương ứng với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty”. Vấn đề đặt ra là, tại ĐHCĐ thường niên 2016, NHNN đã chỉ đạo người đại diện vốn nhà nước tại BIDV và VietinBank thực hiện bỏ phiếu đồng ý phương án giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức tiền mặt hoặc chia bằng cổ phiếu.
Đến giờ, trước áp lực đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh thu khó khăn, Bộ Tài chính lại muốn NHNN chỉ đạo người đại diện vốn nhà nước tại BIDV và VietinBank phải “biểu quyết lại” về nội dung chia cổ tức. Phải chăng tại ĐHCĐ thường niên 2016, Bộ Tài chính và NHNN vẫn chưa thống nhất quan điểm “đồng ý” hay “phủ quyết” việc chia cổ tức tiền mặt?
Điều khó hiểu là ĐHCĐ vẫn diễn ra suôn sẻ với tỷ lệ nhất trí 99,99-100% đối với nội dung “không chia cổ tức tiền mặt” của VietinBank và “chia 8,5% bằng cổ phiếu” của BIDV. Nếu tình huống “biểu quyết lại” xảy ra thì hai ngân hàng phải triệu tập họp ĐHCĐ bất thường để tiến hành bỏ phiếu lại về nội dung cổ tức. Khi các cơ quan quản lý nhà nước chưa thống nhất về quan điểm thì trách nhiệm sẽ dồn lên vai những Người đại diện phần vốn nhà nước tại BIDV và VietinBank.

Theo Thu Hằng /TBKD

Có thể bạn quan tâm