Quan điểm xử lý nợ xấu của ngân hàng cần phải thay đổi

Theo Ts Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, nợ xấu gộp đến cuối năm 2020 của ngành ngân hàng sẽ đạt khoảng 4,5% và tăng lên 5-6% trong năm 2021. Do đó, năm 2021 kế hoạch cũng như quan điểm xử lý nợ xấu sẽ phải thay đổi.
Quan điểm xử lý nợ xấu của ngân hàng cần phải thay đổi

"Ế ẩm" nợ xấu

BIDV vừa có thông báo bán khoản nợ của Công ty TNHH MTV Hàm Rồng (Công ty Hàm Rồng) giá trị hơn 232 tỷ đồng, tính đến ngày 31/8/2019. Trong đó, dự nợ gốc là 80 tỷ đồng, lãi là 152 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo của khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 88/10 khu phố Đông Nhi, thị trấn Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương. Diện tích khu đất là 9.443,5m2, diện tích sàn là 6.581m2. Giá chào bán là hơn 120 tỷ đồng, thấp hơn nửa giá so với giá trị khoản nợ.

Năm 2019, BIDV từng 2 lần rao bán khoản nợ này nhưng không thành công. Tổ chức vay vốn, Công ty Hàm Rồng được cho là có liên quan đến vụ án tham ô tài sản ở Công ty Cho thuê tài chính ALCII của người sáng lập ông Vũ Quốc Hảo. 

Trước đó, BIDV cũng rao bán lần thứ 5, khoản nợ của của CTCP Nhà Hưng Ngân với tổng giá trị gần 564 tỷ đồng, gồm 372 tỷ đồng dư nợ gốc và lãi vay gần 191,8 tỷ đồng. Khoản nợ được đảm bảo bằng 3 bất động sản và 2 tài sản hình thành từ vốn vay là dự án bất động sản. Giá chào bán là 395,8 tỷ đồng, thấp hơn so với các lần trước đó.

Nhắc đến các khoản nợ được rao bán nhiều lần của BIDV không thể bỏ qua “món vay” của Công ty Thuận Thảo. Ngân hàng này từng rao bán 12 lần các tài sản đảm bảo với giá chào bán liên tục giảm trăm tỷ đồng qua mỗi đợt.

Không riêng BIDV, VietinBank năm qua cũng liên tục thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo, khoản nợ nhiều lần. Gần nhất, ngân hàng đấu giá lần thứ 16 tài sản của CTCP TMXD Vận tải Anh Đạt với giá khởi điểm 143 triệu đồng gồm tài sản là xe ôtô. Ngân hàng cũng thông báo bán khoản nợ 104 tỷ đồng của Công ty TNHH Kim Anh (lần 4) với giá khởi điểm 75 tỷ đồng, hay tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Kim Kim Dung với giá 36 tỷ đồng. 

Nhiều công ty khác cũng có tên trong danh sách bán nợ của ngân hàng như như CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình, giá trị 161 tỷ đồng gồm 161,36 tỷ đồng gốc và gần 26,3 tỷ đồng tiền lãi; nợ có tài sản bảo đảm của CTCP Thương mại - Tư vấn - Đầu tư - Xây dựng Bách Khoa Việt để xử lý, với tổng dư nợ hơn 226,3 tỷ đồng… 

Tại Vietcombank, ngân hàng này cũng 4 lần thông báo bán nợ của Công ty TNHH Việt Trường Sơn với giá khởi điểm 28 tỷ đồng; hay 7 lần rao bán tài sản đảm bảo nhà máy VinaXuki tại Thanh Hóa với giá khởi điểm 28,2 tỷ đồng; các bất động sản tại An Giang với giá khởi điểm hơn 189 tỷ đồng. 

Sacombank cũng có nhiều tài sản đảm bảo là bất động sản đang được rao bán giá trăm tỷ từ lâu. Ngân hàng này đâng rao bán khu đất tại dự án Khu dân cư Bảo Hưng và 2 thửa đất khác với giá 711 tỷ đồng, 15 quyền sử dụng đất tại phường Ngãi Thắng, xã Dĩ An, Tỉnh Bình Dương với 448,5 tỷ đồng và thửa đất khác tại huyện Bình Chánh có giá 397,5 tỷ đồng…

Cần nhiều sự thay đổi

Bên cạnh những khối nợ "trường tồn" với thời gian, theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 10/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã vượt 2%. Tuy nhiên, con số này chỉ phản ánh phần nào tình hình thực tế, bởi dù năm tài chính 2020 đã kết thúc, nhưng thời điểm này các ngân hàng chưa công bố kết quả kinh doanh quý IV.

Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong năm 2020 con số nợ xấu của các ngân hàng chưa phản ánh đúng thực tế, vì ngay sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra, NHNN đã ban hành Thông tư 01 cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và cho phép giữ nguyên nhóm nợ. Do đó, nợ xấu thực tế sẽ cao hơn con số báo cáo.

PGS.TS Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, ngân hàng luôn phải đặt nhiệm vụ xử lý nợ xấu là trọng tâm, đặc biệt là việc xây dựng các giải pháp riêng biệt cho từng nhóm khách hàng và đẩy mạnh bán nợ.

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động mua bán, giao dịch nợ hiện nay ngoài VAMC còn có sự tham gia của các đơn vị, tổ chức khác như Công ty TNHH mua bán nợ VN (DATC) trực thuộc Bộ Tài chính; các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của các NH (AMC) và những công ty tổ chức đấu giá, thẩm định giá... mỗi đơn vị này đều tự tổ chức tìm kiếm nhà đầu tư và bản thân người mua nếu cần cũng phải rất khó để tìm hiểu về khoản nợ. Điều đó khiến cho lượng nhà đầu tư tham gia rất ít và các khoản nợ vẫn mãi tồn đọng trong các nhà băng.

Do vậy, các chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng cho rằng cần sớm thành lập sàn giao dịch mua bán nợ xấu và hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tạo cơ sở pháp lý để thực hiện ngay khi sàn đi vào hoạt động. “Khi hành lang pháp lý đầy đủ, nợ xấu mới dễ bán”, một lãnh đạo ngân hàng cho hay.

Ngoài ra, một giải pháp cần thiết để hạn chế nợ xấu gia tăng được chuyên gia khuyến nghị đó là các ngân hàng ngoài việc nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn, thì về dài hạn cần điều chỉnh danh mục cho vay, thậm chí hướng tới điều chỉnh danh mục tài sản tiến tới giảm tỷ trọng tài sản tín dụng, tăng tài sản phi tín dụng.

Có thể bạn quan tâm