Quy chế đấu thầu dịch vụ bảo hiểm của PVN bị “sờ gáy”?

Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cần “thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”.
Quy chế đấu thầu dịch vụ bảo hiểm của PVN bị “sờ gáy”?

Văn bản này được phát hành ngay sau khi PVN ban hành “Quy chế sử dụng dịch vụ bảo hiểm để quản lý rủi ro cho con người, tài sản, dự án, quyền lợi và hoạt động” có nhiều nội dung được cho là “hạn chế nhà thầu tham gia”.

Có thể kể đến trong Công văn số 07, CTCP Bảo hiểm Bưu điện Hà Nội (PTI Hà Nội) cho biết trong quá trình tham gia cung cấp trên thị trường bảo hiểm trong nước, PTI Hà Nội đã gặp vướng mắc liên quan đến Quyết định số 6097 như tiêu chí tối thiểu áp dụng cho nhà cung cấp bảo hiểm đã quy định một số tiêu chí để định hướng nhà thầu tham dự và đi ngược với hướng dẫn của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn của Luật Đầu thầu hiện hành như các quy định tại Khoản 2, Điều 5 của Quy chế 6097.

Trong khi đó, Luật sư Lê Đức Thắng, Trưởng Văn phòng Luật sư Lê & đồng sự (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), phân tích quy định tại Khoản 2, Điều 5 của Quy chế 6097 quy định giới hạn các tiêu chí, yêu cầu bắt buộc phải đạt “tối thiểu” các tiêu chí thì bản chất và thực tế trên thị trường bảo hiểm chỉ có duy nhất một nhà bảo hiểm thoả mãn tất các các tiêu chí, đó là PVI.

“Với tiêu chí này đã loại ngay nhà bảo hiểm được xếp hạng trong nước là lớn nhất Việt Nam hiện nay, đó là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Việt. Trong khi đó, bản chất của việc đánh giá, xếp hạng theo thông lệ quốc tế chỉ áp dụng đối với hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm, chưa áp dụng với hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc. Ngoài ra, tại Việt Nam, các công ty bảo hiểm gốc làm xếp hạng để kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, đây là điều kiện gần như bắt buộc phải có. Vì vậy, đây không phải là quy định thực sự để có thể lựa chọn ra nhà bảo hiểm có khả năng tài chính tốt trong bối cạnh thị trường bảo hiểm Việt Nam”, Luật sư Thắng phân tích.

Ngoài ra, tại Khoản 3 quy định trường hợp nhà cung cấp bảo hiểm thành lập liên danh để cấp đơn bảo hiểm gốc thì liên danh này không được nhiều hơn 2 thành viên và các thành viên phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chí đáp ứng tại Khoản 2 điều này.

Theo PTI Hà Nội, với gói thầu có giá trị lớn mà lại khống chế liên danh không được nhiều hơn 2 thành viên sẽ làm giảm đi ý nghĩa của liên danh, gián tiếp làm giảm quyền lợi và mục tiêu hiệu quả kinh tế cho chính người tham gia bảo hiểm.

Ngoài ra, tại một số điều khoản khác trong quy chế có nội dung vô cùng chi tiết, đi ngược tính định hướng chung, mà quy chế này mang tính áp đặt như Khoản 1, Điều 5; khoản 2, Điều 6; hay mục c, Khoản 2, Điều 6.

Trước những vấn đề được cho là bất cập này, Cục Quản lý đấu thầu cho biết, trường hợp hoạt động mua bảo hiểm của PVN thuộc dự án đầu tư phát triển thì trong hồ sơ mời thầu không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng (khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP).

“Việc ban hành các quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp này thuộc trách nhiệm của PVN song phải đảm bảo mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Trường hợp PVN quy định hoạt động mua bảo hiểm của PVN phải thực hiện đấu thầu rộng rãi nhưng hồ sơ mời thầu lại đưa ra các tiêu chí đánh giá nhằm hướng tới một hoặc một số ít nhà thầu cụ thể hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số ít nhà thầu thì việc đấu thầu rộng rãi không còn ý nghĩa, chỉ mang tính hình thức và có thể dẫn đến không bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”, Cục Quản lý đấu thầu nêu quan điểm.

Từ những lý lẽ trên, Cục Quản lý đấu thầu cho rằng: “PVN cần cân nhắc việc đưa ra các tiêu chí đánh giá để không hạn chế sự tham gia của nhà thầu khi tham dự thầu các gói thầu bảo hiểm của PVN” đồng thời cảnh báo: “PVN thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”.

Có thể bạn quan tâm