Quy hoạch đô thị TPHCM: Tồn đọng, khó giải quyết hậu quả cũ

Trước quá trình phát triển liên tục của TPHCM đã để lại hậu quả là sự phát triển không bền vững, vấn đề quá tải về giao thông, vệ sinh môi trường, ngập nước.
Quy hoạch đô thị TPHCM: Tồn đọng, khó giải quyết hậu quả cũ

Phát biểu tại hội thảo “Quy hoạch đô thị Tp. Hồ Chí Minh – Thực tiễn và cơ hội đầu tư” do Sở Quy hoạch và Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với VTV24 tổ chức ngày 30/10, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, vấn đề hạn chế và yếu kém lớn nhất của TP vẫn là vấn đề quy hoạch được bộc lộ rõ nét ở cả 3 khâu là xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch.

Nhìn nhận về quy hoạch tổng thể, ông Trần Vĩnh Tuyến cho hay, TP phải trở thành khát vọng của cơ quan nhà nước, cơ hội của nhà đầu tư và mong ước của người dân TP, thế nhưng, trên thực tế, đây mới chỉ là mong muốn chủ quan của cơ quan nhà nước, chưa phải là cơ hội đầu tư của DN và nó đã trở thành “vấn nạn” của người dân TP, vì vấn đề chính sách chưa giải quyết tốt, trong quá trình làm việc còn gây phiền hà, ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế người dân.

Nói về những thách thức còn tồn đọng, giải quyết chưa hiệu quả, ông Tuyến chỉ rõ, thách thức lớn nhất của TPHCM chính là giao thông, gồm kẹt xe và vấn đề kết nối của TP còn rất thấp, theo tiêu chuẩn của nước ta về mật độ giao thông: cứ 1 km2 đất thì phải có ít nhất 10 km đường, thì tại TPHCM chỉ đạt khoảng 20%, tức là cứ 1 km2 đất chỉ mới có 2 km đường, tỷ lệ giao thông thấp nhất cả nước, trong khi, TP là đô thị đã góp nguồn ngân sách lớn nhất.

Tiếp đến là vấn đề ngập, một mặt là do biến đổi khí hậu, nhưng mặt khác, TP đang phải giải quyết những vấn đề mà chính chúng ta gây ra, đó là do chúng ta phát triển quá nhanh, các công trình mọc lên gây cản trở cống thoát nước nhất là những vùng phía Tây. Theo tính toán chung, mỗi năm mật độ lún sụt ở khu vực Tây Nam TPHCM khoảng 1cm. 

Cuối cùng là vấn đề ô nhiễm môi trường, thay vì chúng ta quy hoạch theo một cách khách quan nhất thì lại quy hoạch theo mong muốn phát triển của chính chúng ta, nên chúng ta phải trả giá cho vấn đề đó, đây là một trong những bài học đáng giá của TP. Đây cũng là những hạn chế về mặt kiến thức và kinh nghiệm vào những năm 1990, khi UBND TPHCM quy hoạch chỉ để ‘phù hợp’ với sự phát triển để đóng góp chung cho cả nước chứ không có sự chủ động ở lộ trình tính toán phát triển.

Về mặt pháp lý quy hoạch, cứ 5 năm, trình Chính phủ xem xét điều chỉnh quy hoạch một lần, nhưng nếu quy hoạch tốt như ở các nước châu Âu thì quy hoạch cả 100 năm vẫn không thay đổi. Đây là vấn đề thuộc về chất lượng quy hoạch. Do vậy, quy hoạch tổng thể của TP trong những năm tới phải tính toán để làm sao khả năng điều chỉnh bổ sung ít nhất là phải 10 năm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho hay.

Dưới góc nhìn là một chuyên gia, Ông Michel Fanni - Giám đốc Phát triển và cải tiến đô thị cho đô thị mới Marne la Vallee (Pháp) nêu quan điểm, muốn giải quyết được vấn đề tồn đọng hiện nay, TPHCM phải mang một ý chí mạnh mẽ về chính trị hơn nữa, quy hoạch tổng thể cần phải rõ ràng, có tính hấp dẫn nhằm thu hút mọi nguồn lực.

Trong khi nhà ở khu vực ngoại ô còn các hoạt động kinh tế tập trung ở nội đô, cấu trúc đô thị của TPHCM như một vết dầu loang, điều này sẽ gây ra khó khăn cho việc di chuyển của người dân. Chính vì thế, cần có sự vào cuộc của cơ quan liên ngành, cùng nhau làm việc để đặt ra những câu hỏi đúng trọng tâm, từ đó mới có được câu trả lời xác đáng nhất”, ông Michel nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Lý Khánh Tâm Thảo, Quyền trưởng phòng Quản lý Hạ tầng kỹ thuật, sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM cho rằng, rất cần sự tham gia của các bên để tạo nên sức mạnh và phát huy trí tuệ tập thể, tìm ra giải pháp tốt nhất cho TP, đặc biệt là tăng cường minh bạch thông tin đến DN và người dân...  

Những vấn đề khác của TP đang đối mặt như ngập, ô nhiễm không khí... hay nhu cầu đầu tư hạ tầng kỹ thuật của các khu vực khác nhau của TP là những thách thức rất lớn, TPHCM qua nhiều thời kỳ đã mang trong mình rất nhiều kiến trúc, cảnh quan khác nhau, dung nạp những con người khác nhau từ những vùng đất khác nhau vì vậy việc phát triển TP phải đi đôi với việc phát triển bản sắc đô thị, ông Thảo cho hay.

Về mục tiêu phát triển TP trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TPHCM thông tin, sẽ tiếp tục hoàn thiện phát triển quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm trở thành đô thị mới, trung tâm tài chính quốc tế; phát triển đô thị thông minh ở Quận 1, 12 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm; xây dựng khu đô thị sáng tạo ở Quận 2, 9 và Thủ Đức; phát triển Khu đô thị du lịch sinh thái Cần Giờ; phát triển đô thị cảng ở khu vực Quận 2, 9 và huyện Nhà Bè; phát triển khu đô thị ven sông; khu vực đô thị giáo dục ở khu vực Tây Bắc của TP...

TPHCM là đô thị đặc biệt của Việt Nam, mỗi năm đóng góp 30% GDP cho ngân sách cả nước, đến nay đã đóng góp 480.000 tỷ đồng tương đương với khoảng 22 tỷ USD. Dự kiến trong năm 2019, TP sẽ đóng góp về Trung ương khoảng 500.000 tỷ đồng.

Trước những yêu cầu đó, đòi hỏi TP phải có sự phát triển mạnh để đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước, đó là phát triển bền vững theo yêu cầu của xã hội, văn hóa, kinh tế... theo nhu cầu đầu tư phát triển của DN và theo nhu cầu phát triển của người dân.

Có thể bạn quan tâm