Quỹ Lộc Việt bị đưa vào tình trạng kiểm soát

Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa thông báo về việc đưa CTCP Quản lý quỹ Lộc Việt vào tình trạng kiểm soát, bắt đầu từ ngày 30/5/2018 và kéo dài 1 năm đến 30/5/2019.
Quỹ Lộc Việt bị đưa vào tình trạng kiểm soát

Theo thông báo của UBCKNN, việc đặt CTCP Quản lý quỹ Lộc Việt vào tình trạng bị kiểm soát căn cứ trên luật chứng khoán và nhiều nghị định, thông tư cũng như đề nghị của vụ trưởng vụ quản lý các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán.

Hội đông quản trị, Tổng giám đốc, CTCP Quản lý quỹ Lộc Việt có trách nhiệm tuân thủ các quy định nhằm khắc phục tình trạng bị kiểm soát, theo quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng được chỉ tiêu an toàn tài chính.

Quỹ Lộc Việt gần đây cũng nổi lên do liên quan đến "đại án" Ngân hàng Xây dựng giai đoạn 1, TAND TPHCM khi tuyên án đã có 10 kiến nghị cần được điều tra làm rõ đối với hành vi của các cá nhân, đại diện tổ chức liên quan, trong đó có kiến nghị điều tra đối với ông Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc Công ty Quỹ Lộc Việt) có hành vi ký hợp đồng ủy thác đầu tư trái phiếu với VNCB, tạo điều kiện cho ông Phạm Công Danh rút tiền, gây thất thoát cho VNCB 903 tỷ đồng.

Ngay sau khi thụ lý hồ sơ, Cơ quan điều tra đã vào cuộc, sai phạm của ông Hà được vạch rõ tại bản cáo trạng mà phiên tòa đang xét xử đã nêu. Đó là ông Phạm Công Danh đã chỉ đạo Phan Thành Mai (Tổng giám đốc VNCB) tìm mọi cách rút tiền ra khỏi VNCB và chuyển về Tập đoàn Thiên Thanh.

Ông Mai đề xuất với ông Hà là ủy thác đầu tư cho Quỹ Lộc Việt để mua trái phiếu VNCB. Bộ ba Danh, Mai, Hà đã thống nhất ủy thác cho Quỹ Lộc Việt 2.000 tỷ đồng với phí ủy thác 0,3%.

Sau khi các hợp đồng giữa hai bên được ký kết, vào nửa cuối tháng 5/2013, Phan Thành Mai đã ký chuyển 903 tỷ đồng (900 tỷ đồng ủy thác và 3 tỷ đồng phí dịch vụ) từ tài khoản VNCB sang tài khoản của Quỹ Lộc Việt để thực hiện việc đầu tư, mua, bán trái phiếu.

Ông Hà bị bắt, hiện tạm giam tại T16 - Bộ công an với cáo buộc hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

>> Phiên tòa sáng 9/1: Phạm Công Danh dùng tiền gửi tại TPBank trả nợ thay cho 11 công ty, gây thiệt hại 1.740 tỷ đồng

Có thể bạn quan tâm