Ra mắt cổng tư vấn trực tuyến Hiệp định EVFTA cho doanh nghiệp ĐBSCL

Đại diện VCCI Cần Thơ cho biết việc công bố cổng thông tin tư vấn trực tuyến về EVFTA với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp ở ĐBS Cửu Long một cách nhanh chóng, thuận tiện, chuyên sâu và hiệu quả.
Ra mắt cổng tư vấn trực tuyến Hiệp định EVFTA cho doanh nghiệp ĐBSCL

Cổng thông tin, tư vấn Hiệp định EVFTA trực tuyến và cung cấp thông tin cần thiết cho cơ quan xúc tiến Đồng bằng sông Cửu Long ra mắt trước ngày Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực (ngày 1/8).

Theo đó, cổng thông tin, tư vấn trực tuyến về Hiệp định EVFTA có địa chỉ: https://www.vccimekong.com/vi/cac-cau-hoi-thuong-gap.

Đại diện VCCI Cần Thơ cho biết việc công bố cổng thông tin tư vấn trực tuyến về EVFTA với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long một cách nhanh chóng, thuận tiện, chuyên sâu và hiệu quả.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, đây là phương thức tư vấn mới, thuận tiện cho doanh nghiệp hỏi đáp, tìm hiểu thông tin về EVFTA hay làm việc trực tuyến với các chuyên gia (khi cần thiết) sẽ giúp các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long hiểu rõ hơn về Hiệp định EVFTA, giúp doanh nghiệp tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc cụ thể của Hiệp định EVFTA.

Cũng theo ông Lam, cổng thông tin, tư vấn cũng sẽ là nơi cung cấp và cập nhật các thông tin mới về chính sách, pháp luật hay các nội dung có liên quan để doanh nghiệp có thể tham khảo. Từ đó chủ động tận dụng cơ hội và phòng tránh rủi ro, nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó góp phần phát triển đất nước nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, đặc biệt là giai đoạn này, cùng nhau vượt qua khó khăn và củng cố nội lực trong thời gian xảy ra dịch bệnh.

Doanh nghiệp sẽ được giải đáp các thắc mắc trong các lĩnh vực về: cam kết thuế quan, nguyên tắc xuất xứ hàng hóa, rào cản kỹ thuật TBT, SPS, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý và các nội dung về thương mại và phát triển bền vững, cách thức phòng vệ thương mại cũng như cách thức gia nhập thị trường EU.

Cổng thông tin do VCCI Cần Thơ là đơn vị tổ chức thực hiện chính, phối hợp cùng Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI - với vai trò là thành viên Hội đồng tư vấn Hiệp định EVFTA trực tuyến.

Ngoài ra, công thông tin còn có sự tham gia tư vấn từ các chuyên gia độc lập trong từng lĩnh vực cụ thể của hiệp định; trong đó, nổi bật là về cam kết thuế quan, nguyên tắc xuất xứ hàng hóa, rào cản kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý và các nội dung về thương mại và phát triển bền vững…

Theo quy trình vận hành của Cổng thông tin, doanh nghiệp sẽ đặt câu hỏi thông qua mục Tư vấn trực tuyến EVFTA (https://www.vccimekong.com/vi/cac-cau-hoi-thuong-gap) hoặc có thể gửi email về cho Ban Thư ký (banthuky.mkpc@gmail.com).

Sau khi tiếp nhận thông tin, Ban thư ký sẽ gửi cho các chuyên gia trong Hội đồng tư vấn trả lời và phản hồi doanh nghiệp trong vòng 3 ngày làm việc.

Đối với những nội dung đặc biệt, cần nghiên cứu chuyên sâu để trả lời, Ban thư ký sẽ gửi email cho doanh nghiệp về thời gian phản hồi câu hỏi. Hàng tháng, các câu hỏi sẽ được tổng hợp và đăng tải để chia sẻ cùng các doanh nghiệp. Các hội thảo chuyên đề trực tuyến hoặc trực tiếp cũng sẽ được tổ chức hàng quý tùy vào mức độ quan tâm của doanh nghiệp.

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, EU là 1 trong 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam bên cạnh Mỹ và Trung Quốc. Năm ngoái, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt 41,54 tỷ USD, chiểm 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Thời gian qua, quan hệ thương mại Việt Nam - EU đã phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả, từ năm 2000 đến năm 2019, trao đổi thương mại song phương Việt Nam-EU đã tăng gần 13,8 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm ngoái. Riêng xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 15 lần, từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD.

Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng của Việt Nam được hưởng lợi về thuế quan; trong đó, có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long như cá tra, tôm, trái cây.

Cụ thể, với con tôm, thì tôm sú đông lạnh được giảm từ mức thuế GSP (chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập) 4,2% về 0% ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Trong khi đó, tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm. Với mặt hàng cá tra, mức thuế EU dành cho Việt Nam trong EVFTA sẽ được giảm từ 5,5% như hiện nay về 0% vào năm thứ 3 sau khi hiệp định này có hiệu lực.

Còn mặt hàng rau quả, EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam trong Hiệp định EVFTA, cụ thể là sẽ xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả.

Theo VCCI Cần Thơ, việc Hiệp định EVFTA được thông qua được kỳ vọng sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vào các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tăng thêm 45% vào năm 2030, góp phần thúc đẩy GDP cả nước tăng khoảng 7% trong giai đoạn 2029-2033.

Có thể bạn quan tâm