Rào cản của doanh nghiệp tư nhân - "nhức nhối" những con số

Những con số chứng minh cho nhiều rào cản mà doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt đã được Báo cáo 'Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017 của Đại học Kinh tế Quốc dân: Tháo gỡ rào cản đối với sự
Rào cản của doanh nghiệp tư nhân - "nhức nhối" những con số

Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ "Hội thảo khoa học Quốc gia về Kinh tế Việt Nam năm 2017 và Triển vọng năm 2018" do Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tổ chức.

Báo cáo "Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017 của Đại học Kinh tế Quốc dân: Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp" do GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân và PGS.TS. Tô Trung Thành đồng chủ biên được các chuyên gia kinh tế đầu ngành đánh giá là mang tính khoa học và đặc biệt có tính thời sự rất cao, trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang hướng tới tháo rào cản cho doanh nghiệp phát triển.

Hàng loạt con số trong Báo cáo được PGS.TS. Tô Trung Thành đưa ra tại buổi Hội thảo đã khắc họa rõ nét hơn muôn vàn khó khăn, thách thức liên quan đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng, chi phí lao động, chi phí cơ sở hạ tầng logistics, chi phí thực hiện nghĩa vụ thuế và hải quan mà cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đang đối mặt.

Tỷ lệ vốn tăng cao nhưng thặng dư ngày càng suy giảm

Theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo, tỷ trọng vốn của doanh nghiệp tư nhân cao nhất trong các loại hình doanh nghiệp, chiếm 40,5%. Điều này phản ánh những nỗ lực đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, thặng dư của doanh nghiệp đang trên đà suy giảm. Nếu trước đó, 1 đồng gia tăng trong vốn của doanh nghiệp sẽ kéo theo 0,33 đồng thặng dư sản xuất thì hiện nay, chỉ còn lại 0,2 đồng thặng dư sản xuất.

Con số này cảnh báo, nếu tiếp tục tăng lương mà không gắn liền với tăng năng suất lao động, thặng dư của doanh nghiệp còn giảm sâu hơn, gây khó khăn rất lớn cho hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất.

Khó tiếp cận vốn tín dụng do quy mô siêu nhỏ và tuổi thọ rất non

Báo cáo cho biết, trong tổng số doanh nghiệp của Việt Nam, trên 90% là doanh nghiệp tư nhân. Trong doanh nghiệp tư nhân, có tới 96% là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sự chênh lệch về quy mô giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước là quá lớn. Quy mô doanh nghiệp tư nhân nhỏ hơn 87 lần doanh nghiệp Nhà nước và nhỏ hơn 6 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Nhức nhối hơn, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh thua lỗ tăng rất nhanh, chiếm gần 50%. Tuổi thọ bình quân của doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất non trẻ.

Những con số trên đang khiến doanh nghiệp tư nhân vô cùng khó trong việc tiếp cận vốn tín dụng.

Trong quá trình điều tra thực hiện Báo cáo, 58% doanh nghiệp được hỏi đều trả lời là đã từng nộp đơn xin vay vốn ngân hàng. Quy mô doanh nghiệp càng nhỏ thì khả năng đồng ý cho vay vốn của ngân hàng càng thấp. Bên cạnh đó, nếu được vay thì lãi suất cũng đang rất cao, chưa kể đến những chi phí phi chính thức mà doanh nghiệp phải gánh thêm trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng.

Còn tồn tại hiện tượng phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp ở các khu vực khác nhau trong quá trình tiếp cận vốn vay.

Áp dụng Luật Bảo hiểm xã hội mới, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm 11,4%

Báo cáo cho biết, một rào cản khác đối với doanh nghiệp là những chi phí ngoài lương từ bảo hiểm xã hội. Theo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, chủ doanh nghiệp không chỉ đóng bảo hiểm cho người lao động dựa trên mức tiền lương cơ bản mà còn gồm các khoản trợ cấp, bổ sung khác.

Xét trong điều kiện "tĩnh" (khi chi phí cho người lao động không tăng lên và sản lượng sản xuất của doanh nghiệp không thay đổi), chi phí lao động của doanh nghiệp sẽ tăng lên 6,8% và mức tăng chi phí này sẽ làm lợi nhuận của doanh nghiệp giảm 11,4%.

Tỷ lệ doanh nghiệp có lợi nhuận giảm rất nhanh và sâu, từ 63,2% doanh nghiệp xuống còn 40,6% doanh nghiệp. Doanh nghiệp có mức lợi nhuận thấp như doanh nghiệp tư nhân hay các công ty TNHH, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dệt may sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Chi phí cơ sở hạ tầng logistics tại Việt Nam chiếm 21% GDP, cao nhất khu vực

Doanh nghiệp tư nhân nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung đang gặp phải rào cản rất lớn từ chi phí cơ sở hạ tầng logistics.

Chỉ số xếp hạng logistics của Việt Nam chậm được cải tiến, vị trí 64 trên 164 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chi phí cơ sở hạ tầng logistics tại Việt Nam đang ở mức 21% và đây là mức cao nhất so với các nước ở trong khu vực, ngoại trừ Indonesia.

Báo cáo chỉ rõ: 70% hàng hóa của Việt Nam hiện nay được vận chuyển bằng đường bộ, trong đó, hệ thống đường bộ tồn tại rất nhiều bất cập về chất lượng cũng như phí cầu đường, cảng bãi.

So với các khu vực kinh tế khác, khu vực kinh tế tư nhân chi phí dịch vụ logistics cao hơn do nhận thức về vai trò logistics còn kém, đa phần hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa nên phụ thuộc phần lớn vào cơ sở hạ tầng giao thông.

Gần 20% doanh nghiệp nói sẽ bị phân biệt nếu không chi trả các khoản thuế phi chính thức

Trong quá trình điều tra thực hiện Báo cáo, 20% doanh nghiệp được hỏi cho rằng mình sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chi các khoản phi chính thức khi nộp thuế doanh nghiệp.

Chưa kể đến việc, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với rào cản từ thủ tục hải quan.

Báo cáo nhận định lĩnh vực tồn tại lớn nhất của hoạt động hải quan là đánh giá kiểm tra chuyên ngành. Đó là sự chồng chéo trong phân công, quản lý, sự độc quyền của các cơ sở tổ chức được giao quyền đánh giá.

Những con số mà Báo cáo đưa ra, thêm một lần nữa, thay lời doanh nghiệp nói rõ hơn những khó khăn chất chồng mà họ đang gặp phải, đồng thời, thể hiện mong muốn hướng tới những giải pháp hữu hiệu để giúp cộng đồng doanh nghiệp tư nhân không còn quá nhỏ bé về quy mô.

Theo Minh Hoa / DNVN

baomoi.com/s/c/25373751.epi https://baomoi.com/s/c/25373751.epi

Có thể bạn quan tâm