Rủi ro nào chờ đón các ngân hàng nếu “mở toang” room ngoại?

Liên quan đến câu chuyện Ủy ban chứng khoán Nhà nước dự kiến bỏ quyền tự định đoạt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) của các doanh nghiệp đại chúng, nhiều chuyên gia và ngân hàng cho rằng quy định này sẽ mang đến nhiều rủi ro
Rủi ro nào chờ đón các ngân hàng nếu “mở toang” room ngoại?

Ngành đặc thù

Theo quy định của Luật Chứng khoán và các luật hiện hành, room ngoại tại các ngân hàng tối đa chỉ được 30%. Do đó, để săn và giữ chân các đối tác chiến lược, nhiều ngân hàng đã phải dùng đến quyền mở/khóa room ngoại để có dư địa tìm đối tác đầu tư dài hạn hỗ trợ ngân hàng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đơn cử, mới đây, HDBank vừa công bố khóa room vốn ngoại ở mức 21,5% (hiện nhà đầu tư ngoại đang nắm hơn 21% vốn tại HDBank), nhằm phục vụ kế hoạch với đối tác chiến lược. Hay như VPBank cũng đã thông qua phương án giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 22,77% xuống còn 15% nhằm giữ lại room để chào bán cho các đối tác ngoại, từ đó tạo ra cơ hội thu về thặng dư vốn cho ngân hàng.

Hội đồng quản trị Techcombank cũng vừa chấp thuận và phê duyệt việc nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng này lên mức hơn 22,5% vốn điều lệ, tăng nhẹ so với trước. Mục đích của việc nâng giới hạn để người lao động nước ngoài được mua 439.000 cổ phiếu TCB thông qua giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường. Như vậy hiện room ngoại của Techcombank khóa ở mức hơn 22,5%, thấp hơn gần 7,5% so với mức quy định.

Có thể thấy, hiện nay tỷ lệ room ngoại của nhiều ngân hàng vẫn còn nhiều so với chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, trong năm nay các ngân hàng này vẫn chưa có ý định bán bớt. Chẳng hạn, tỷ lệ room ngoại tại VIB là 20,5%, MBB là 22,99%, LPB là 9,99%,…

Tuy nhiên, từ năm 2021, có thể ngân hàng sẽ không còn quyền tự quyết về room ngoại bởi UBCKNN dự kiến bỏ quyền tự định đoạt tỷ lệ room ngoại tại các doanh nghiệp đại chúng.

Quy định trên khiến nhiều ngân hàng thương mại cổ phần hết sức lo lắng. Đại diện MB đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung quy định cho phép Đại hội đồng cổ đông được quyền quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng như cũ.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ngân hàng là ngành đặc thù, các quy định pháp luật hiện hành cũng chỉ đưa ra các tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tối đa không vượt qua một tỷ lệ nhất định, chứ không quy định tỷ lệ này là cố định. Theo đó, các ngân hàng thương mại có quyền quyết định tỷ lệ nhất định trong mức room ngoại tối đa được Nhà nước quy định.

Rủi ro chờ đón

Giải trình về quy định tước quyền định đoạt room vốn ngoại của doanh nghiệp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho rằng, trong quá trình thực hiện quy định cũ, một số công ty thường xuyên thay đổi room ngoại, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông (không thể bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài), không bình đẳng giữa các công ty, ảnh hưởng đến tính minh bạch, tính thanh khoản của cổ phiếu…

Động thái này của UBCKNN nhằm bảo vệ lợi ích cổ đông nhỏ lẻ nhưng việc bãi bỏ quyền tự định đoạt room vốn ngoại của doanh nghiệp sẽ giúp nhà đầu tư ngoại tự do mua bán ngắn hạn, lướt sóng cổ phiếu ngân hàng, giúp thanh khoản tốt hơn, song lại làm mất đi mục tiêu lớn của các ngân hàng thương mại trong việc tìm kiếm, tiếp cận các nhà đầu tư dài hạn, chiến lược.

Theo đó, mất quyền tự quyết về room ngoại khiến các ngân hàng có nguy cơ phải bán cổ phần ở thời điểm giá rẻ nhất. Với các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, quy định mới này sẽ gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại hiện nay chỉ loanh quanh 9-10%. Thêm vào đó, vẫn còn một nửa số ngân hàng chưa đạt chuẩn Basel II. Áp lực tăng vốn để đáp ứng yêu cầu về quản trị theo chuẩn mực mới đang được đặt ra rất bức thiết, nhất là trong bối cảnh Covid-19 đang đe dọa sức khỏe ngân hàng.

Với các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước, việc tăng vốn thời gian qua hầu như phải dựa vào việc chào bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Nhờ quyền tự quyết về room ngoại, các ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV đều chào bán cho nhà đầu tư ngoại ở mức giá tốt, thậm chí cao hơn giá thị trường, giúp ngân sách thu về nguồn thặng dư vốn cổ phần lớn, tăng giá trị doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế  của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, có rất nhiều ví dụ cho thấy, trao quyền tự quyết về room cho doanh nghiệp không chỉ tốt cho doanh nghiệp, mà cho cả Nhà nước. Và đương nhiên, khi giá trị doanh nghiệp tăng lên, cổ đông nhỏ cũng sẽ hưởng lợi.

Trong khi đó, nếu phải mở toang room để bán tự do trên sàn chứng khoán, đến thời điểm này, doanh nghiệp có thể thiệt hại vài tỷ USD.

Không chỉ ngân hàng thương mại quốc doanh, mà các ngân hàng TMCP tư nhân cũng đang đứng trước áp lực tăng vốn rất bức thiết, để đáp ứng nhu cầu mở rộng kinh doanh và đáp ứng tiêu chuẩn Basel II.  

Nguồn vốn trong nước hạn chế, ngân hàng chỉ tăng vốn nhỏ giọt từ nguồn cổ tức không chia, từ phát hành trái phiếu, chia cổ tức bằng cổ phiếu… Việc tăng mạnh vốn điều lệ như kỳ vọng chỉ có thể thực hiện với ngân hàng chào bán thành công cho đối tác nước ngoài.

Đây cũng là lý do room ngoại lên tới 30%, nhưng hầu hết các ngân hàng đều chỉ giới hạn room ở một tỷ lệ nhất định, thậm chí khóa sạch room để làm dư địa tăng vốn ở thời điểm thích hợp. Dư địa tăng vốn đã ít, nếu lại bị tước quyền định đoạt room, thì lại càng thêm hạn hẹp.

Có thể bạn quan tâm