Rút ruột, đưa hàng kém chất lượng vào công trình chính là một tội ác

“Phải khẳng định đó là một tội ác. Vì nhà ở xã hội xây dựng cho những người thu nhập thấp và gia đình chính sách. Họ đã phải chắt chiu mua căn nhà đó bằng số tiền tiết kiệm cả đời cùng với vốn vay ưu
Rút ruột, đưa hàng kém chất lượng vào công trình chính là một tội ác

“Phải khẳng định đó là một tội ác. Vì nhà ở xã hội xây dựng cho những người thu nhập thấp và gia đình chính sách. Họ đã phải chắt chiu mua căn nhà đó bằng số tiền tiết kiệm cả đời cùng với vốn vay ưu đãi của nhà nước, vậy mà chỉ ở được một thời gian thì nhà đã hư hỏng…”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói.

Xuống cấp hàng loạt Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong các năm qua, cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 102 dự án nhà ở xã hội (NƠXH). Trong đó có 38 dự án NƠXH cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng 19.680 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.810 tỷ đồng. 64 dự án NƠXH cho công nhân, quy mô xây dựng 20.270 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 4.440 tỷ đồng. Tuy có thể coi là một thành tích song nếu so với nhu cầu thực tế và mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia là đến năm 2020 xây dựng thêm ít nhất 22,5 triệu m2 sàn NOXH, thì có thể thấy, con số trên vẫn còn hết sức khiêm tốn. Thế nhưng không chỉ ít về số lượng, NƠXH hiện nay còn kém cả về chất lượng nữa. Theo đánh giá của các chuyên gia, hầu hết các dự án NƠXH đều có chất lượng không đảm bảo, nhanh xuống cấp chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, dù chủ đầu tư có những cố gắng trong khắc phục, sửa chữa. Chẳng hạn như mới đây, cư dân chung cư The Easter City (huyện Bình Chánh, TP. HCM) đã “tố” chủ đầu tư thi công ẩu, khi mới chỉ nhận nhà được vài tháng đã xuất hiện hàng loạt các dấu hiệu xuống cấp như: nứt tường, trần thấm nước, gạch ốp lát bong tróc, thang máy hư hỏng, thường xuyên bị cúp điện, nước… Cư dân chung cư HQC Plaza (Bình Chánh, TP. HCM) còn bị một phen hú vía khi vừa nhận nhà được vài ngày thì tòa nhà bị chập điện, gây hỏa hoạn. Hàng loạt hộ dân tại block 4 còn bị “lùa” ra ngoài để chủ đầu tư sửa chữa. Hay như dự án Ecohome 1 tại phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vừa được đưa vào sử dụng hơn 1 năm đã xuất hiện nhiều vết nứt nghiêm trọng. Các dãy nhà E có hiện tượng ngấm, rỉ nước qua vết nứt, cửa sổ. Cùng trong tình trạng là khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) với một loạt căn hộ tại các tòa D5, D6, D7, D9 bị nứt tường, thủng trần thạch cao, dột mái hiên, hư hỏng cửa sổ… Trước các hư hại về nhà cửa như vậy, cư dân đều cầu cứu chủ đầu tư, nhưng họ hoặc là chỉ được sửa chữa qua loa, hoặc là chỉ nhận về sự im lặng. Nhiều nơi, cư dân chán nản đành tự bỏ tiền ra sửa chữa cho căn hộ của mình. Mức sửa chữa cũng không hề rẻ, lên tới hàng chục triệu đồng. Nhà hư hỏng nhanh là tội ác Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), trừ một số dự án hiếm hoi của doanh nghiệp tư nhân tự bỏ vốn làm, còn hầu như không có dự án NƠXH nào trên thị trường hiện nay đạt chất lượng tốt. Ông Châu cho rằng nguyên nhân của sự xuống cấp nhanh chóng đó là cơ quan quản lý đã buông lỏng trách nhiệm của mình. “Chúng ta có quy định về những tiêu chuẩn của chủ đầu tư, của công trình xây dựng (như thiết kế, giấy phép xây dựng, lựa chọn nhà thầu…) Nhưng dường như, cơ quan quản lý chỉ hoàn thành việc thẩm định mà không sát sao trong giám sát thực hiện, thanh kiểm tra các dự án xây dựng. Chính vì thế, chủ đầu tư, nhà thầu thi công có cơ hội rút ruột công trình, khiến chất lượng và tuổi thọ của nhà ở giảm sút nhanh chóng”, ông Châu nói. Cũng theo ông Châu, việc thay đổi quy định cũng là nguyên nhân dẫn đến những kẽ hở, tạo điều kiện cho chủ đầu tư rút ruột dự án. Ví dụ như trước đây, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng đảm trách việc kiểm nghiệm chất lượng công trình, nhưng bây giờ việc này được giao cho các đơn vị “có năng lực” làm. Điều này tạo ra kẽ hở cho việc móc nối, mua bán kết quả kiểm nghiệm, trục lợi trên lưng người nghèo. “Đây là tội ác. Vì NƠXH xây dựng cho những người thu nhập thấp và gia đình chính sách. Họ đã phải chắt chiu mua căn nhà đó bằng số tiền tiết kiệm cả đời cùng với vốn vay ưu đãi của nhà nước, vậy mà chỉ ở được một thời gian thì nhà đã hư hỏng…”, ông Châu bức xúc. Để chấn chỉnh, nâng cao chất lượng NƠXH, ông Châu nhấn mạnh cần cơ quan quản lý mà trực tiếp là Sở Xây dựng phải thực hiện rốt ráo việc thanh kiểm tra các dự án đang xây dựng và đã đưa vào sử dụng, nghiêm khắc xử lý các chủ đầu tư rút ruột công trình. Về phía doanh nghiệp, ông Châu nhấn mạnh đến lương tâm của người làm ngành bất động sản. “Thủ tướng đã nói tới việc xây dựng một Chính phủ liêm chính, nhưng Thủ tướng cũng đòi hỏi một cộng đồng doanh nghiệp liêm chính. Tôi cho rằng các doanh nghiệp địa ốc khi bắt tay vào xây dựng một công trình thì không chỉ cần có ý thức tuân thủ pháp luật mà còn cần có lương tâm nữa. Rút ruột, đưa hàng kém chất lượng vào công trình chính là một tội ác”.

Xuân Hải

Có thể bạn quan tâm