Sáng cửa gọi vốn cho bất động sản qua TTCK

Việc Novaland sẽ lên sàn chứng khoán vào cuối năm 2016 không chỉ là bước tiến dài của doanh nghiệp này, mà còn cho thấy "cửa sáng" trong việc gọi vốn phát triển dự án bất động sản thông qua thị trường
Sáng cửa gọi vốn cho bất động sản qua TTCK

Dù chưa chính thức công bố, nhưng theo dự đoán của một số chuyên gia phân tích, giá cổ phiếu của Novaland dự kiến sẽ dao động từ 46.000 - 56.000 đồng/cổ phiếu.

Đại gia địa ốc này cũng sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư tài chính có uy tín và tiềm lực, nhằm bổ sung nguồn vốn để phát triển một số dự án (hiện tại và dự án mới), một phần để bổ sung nguồn vốn lưu động, nguồn vốn dự phòng và có thể thanh toán bớt các khoản nợ của hiện hữu của Novaland. Theo lộ trình, trong tháng 11, Novaland sẽ nộp hồ sơ niêm yết 60 triệu cổ phiếu lên Sở GDCK TP. HCM (HOSE).

Là một trong những doanh nghiệp địa ốc hàng đầu tại Việt Nam, bên cạnh nguồn vốn ngân hàng, Novaland cũng được biết đến với chiến lược thu hút vốn thông qua các kênh khác nhau. Cụ thể, trong năm 2015, Novaland đã huy động gần 50 triệu USD từ 3 nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước.

Từ tháng 7/2015 đến nay, Novaland đã làm việc với khá nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt các nhà đầu tư từ Mỹ, Singapore, Nhật, Hồng Kông, Thái Lan… Bên cạnh đó, Novaland cũng đã tiếp cận nhiều ngân hàng lớn trên thế giới và thời gian qua, cũng nhận được những khoản tài trợ để phát triển dự án thông qua hình thức mua trái phiếu chuyển đổi của doanh nghiệp này.

Tính đến nay, Novaland đã huy động thêm hơn 60 triệu USD từ hai nhà đầu tư đến từ Thuỵ Sỹ và Hồng Kông. Với mức độ này, cộng thêm việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ sắp tới, thì mục tiêu huy động 200 triệu USD là rất khả thi đối với Novaland, giúp cho doanh nghiệp này thêm vững mạnh về tiềm lực tài chính để phát triển dự án trong thời gian tới.

Bước đi của Novaland là bước đi không mới, nhưng phù hợp với bối cảnh hiện tại. GS-TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trước Novaland, nhiều doanh nghiệp địa ốc có tiếng như Vingroup, FLC…, cũng đã chủ động lên sàn để kêu gọi vốn cho các dự án của mình, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào dòng vốn từ ngân hàng. Nhờ đó, các dự án do các chủ đầu tư này triển khai thường được đánh giá cao về tiến độ và chất lượng. Do đó, đây là bài toán mà các doanh nghiệp cần tính tới.

Thực tế, từ trước tới nay, nhiều chủ đầu tư khi phát triển dự án chỉ có vốn chủ sở hữu khoảng 20%, phần lớn số vốn còn lại là huy động từ bên ngoài, trong đó khoảng 60% là vốn vay từ các ngân hàng và một lượng lớn huy động từ khách hàng. Có nhiều dự án, tỷ lệ vay từ ngân hàng lên tới 70 - 80% tổng vốn đầu tư, với thời hạn 10 - 15 năm.

Theo ông Võ, luồng vốn này về cơ bản không ổn định, phụ thuộc vào thăng trầm của thị trường tín dụng, dẫn đến một hệ quả, thị trường bất động sản cũng dễ mất cân đối mỗi khi chính sách tín dụng có sự thay đổi bất thường. Chưa kể, mức lãi suất dù đã giảm, nhưng hiện vẫn ở mức tương đối cao, từ 8 - 10%/năm, gây nhiều áp lực chi phí cho doanh nghiệp.

“Việc thấp thỏm mỗi khi ngân hàng ‘hắt hơi, sổ mũi’ không thể coi là một giải pháp về vốn phát triển bất động sản trong trung và dài hạn. Trong khi đó, nguồn tiền nhàn rỗi từ người dân và doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đầu tư là rất nhiều, nếu có thể huy động được có thể mang lại nhiều lợi ích”, ông Võ nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, đa số doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam có vốn không quá 1.000 tỷ đồng, mà phần lớn chỉ có vốn chủ sở hữu khoảng từ 15 - 20% tổng mức đầu tư dự án, còn lại là vốn vay ngân hàng. Chưa kể, thực trạng ở Việt Nam rất nhiều người mua nhà chỉ có một phần vốn đối ứng, đến khi thiếu tiền lại gõ cửa ngân hàng, trong khi, vốn từ ngân hàng chỉ là nguồn ngắn hạn.

Do đó, việc tìm kiếm nguồn vốn qua kênh chứng khoán là phương án khả thi. Tại nước ngoài, đây là nguồn vốn rất được các doanh nghiệp quan tâm do có sự ổn định trong dài hạn và có mức độ linh hoạt hơn rất nhiều so với vay vốn ngân hàng. Chưa kể, chi phí từ việc huy động vốn trực tiếp trên thị trường chứng khoán cũng rẻ hơn tương đối.

Tuy vậy, ông Nam cũng lưu ý rằng, cơ hội gọi vốn là có, nhưng để theo được những trên tuổi cũng đòi hỏi bản thân doanh nghiệp phải có độ uy tín nhất định, cũng như giá trị thương hiệu đã được khẳng định, thì mới có thể thu hút được nhà đầu tư.

Theo Trang Ninh/Đầu tư BĐS 

Có thể bạn quan tâm