Sáng nay 6/6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn

Sáng nay 6/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội với 3 nhóm vấn đề nóng dư luận đang quan tâm.
Sáng nay 6/6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn

3 nhóm vấn đề các ĐBQH sẽ chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gồm: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; Công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập; Giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Trước đó ngày 30/5, trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 31/73 điều; bổ sung 2 điều mới; bãi bỏ 1 điều và 1 khoản; thay thế cụm từ tại 1 điều…

Theo Bộ trưởng, Luật GDĐH năm 2012 còn một số bất cập như mức học phí chưa được tính theo cơ chế giá dịch vụ, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các bậc đào tạo và chất lượng của từng cơ sở GDĐH. Bộ trưởng cho rằng, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật GDĐH là quan trọng và cấp thiết. Trên cơ sở đó, về quản lý tài chính, tài sản, luật sẽ sửa đổi để chuyển học phí của cơ sở GDĐH sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo, phù hợp với luật Giá, luật Phí và lệ phí.

Đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện do các cơ quan nhà nước quy định khung giá. Đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước, cơ sở GDĐH tự chủ quyết định mức giá dịch vụ, công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh.

Ngoài ra, theo dự thảo luật, cơ sở GDĐH có quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo; được quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách của cơ sở GDĐH; quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu hợp pháp.

Tờ trình của Chính phủ cũng nhấn mạnh, dự thảo luật lần này đã sửa đổi, bổ sung điều 32 và các nội dung liên quan tới tự chủ đại học ở một số điều khác, nhằm tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở GDĐH phát huy tối đa nội lực trong thực hiện tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế.

Về tự chủ trong hoạt động chuyên môn, các cơ sở GDĐH được tự chủ mở ngành, tự chủ liên kết đào tạo ở trong và ngoài nước; tự chủ trong việc thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát văn bằng cho người học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hoạt động khoa học và công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các cơ sở GDĐH.

Tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự đảm bảo để Hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên theo quy định của pháp luật. Hiệu trưởng trường đại học công lập do cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận trên cơ sở đề xuất của Hội đồng trường; Hiệu trưởng trường đại học tư thục do Hội đồng quản trị quyết định.

Tự chủ tài chính, tài sản thể hiện ở quy định về cơ sở GDĐH có quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo; được quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách của cơ sở giáo dục đại học; quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu hợp pháp…

Có thể bạn quan tâm