“Sập sàn” HoSE: Chỉ đơn giản là sự cố bất ngờ?

Việc không thể khớp lệnh trong phiên ATC không gây thiệt hại trực tiếp cho tài khoản của nhà đầu tư nhưng có thể khiến họ không được toại nguyện bởi có thể đánh mất mức giá tốt mà họ kỳ vọng.
“Sập sàn” HoSE: Chỉ đơn giản là sự cố bất ngờ?

Trong phiên giao dịch ngày 9/6 vừa qua, thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục chuỗi ngày thăng hoa với hàng loạt mã tăng trần hỗ trợ chỉ số Vn-Index vượt mốc 900 điểm. Tuy nhiên đến phiên khớp lệnh đóng cửa, hệ thống giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đã gặp sự cố dẫn đến không thể khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa với toàn bộ các mã chứng khoán niêm yết tại HoSE.

Tuy nhiên, đến phiên giao dịch sáng ngày 10/9, HoSE đã thông báo hoàn tất khắc phục sự cố giao dịch và trở lại giao dịch bình thường.

Sự cố bất ngờ

Sự cố giao dịch tại HoSE diễn ra trong bối cảnh chỉ số Vn-Index đã ghi nhận mức tăng 36% từ đáy gần nhất do tác động của dịch Covid-19. Đợt hồi phục mạnh mẽ này được cho là nhờ làn sóng tăng giá của các cổ phiếu lớn trong đó có nhiều mã vượt đỉnh cũ.

Chỉ tính riêng trong tháng 5, chỉ số Vn-Index đã tăng 12,4% với giá trị giao dịch bình quân đạt 5.739 tỷ đồng/phiên tương đương khối lượng giao dịch đạt 314 triệu cổ phiếu, tăng lần lượt 36,42% và 15,89% so với tháng 4.

“Đại gia chống lưng” cho các mã cổ phiếu nói trên là dòng tiền đến từ các nhà đầu tư cá nhân mới tham gia gia vào thị trường trước diễn biến các kênh đầu tư khác như tiết kiệm, bất động sản đều không thuận lợi.

Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối tháng 5, có khoảng 2,5 triệu tài khoản chứng khoán trong và ngoài nước đang giao dịch. Số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường tăng vọt trong giai đoạn đầu năm với 131.763 tài khoản được mở mới. Trong đó, 130.378 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Cũng tính đến thời điểm cuối tháng 5, trên HoSE có 381 cổ phiếu, 3 chứng chỉ quỹ đóng, 4 chứng chỉ quỹ ETF, 63 chứng quyền có bảo đảm và 42 trái phiếu niêm yết với tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết đạt gần 89,17 tỷ cổ phiếu. Tổng giá trị vốn hóa niêm yết đạt gần 3,01 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với tháng 4 và đạt khoảng 41,68% GDP năm 2019 (GDP theo giá hiện hành sau khi tính toán lại).

Lần gần đây nhất HoSE gặp sự cố diễn ra vào đầu năm 2018, “tình cờ” đây cũng là thời điểm thị trường tăng trưởng nóng và giá cổ phiếu cũng tăng cao. Khi đó để khắc phục sự cố, HoSE đã phải tạm dừng giao dịch 2 phiên đã khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc.

Bởi lẽ, giao dịch ở các phiên ATC thường chiếm khoảng 12-15% tổng giao dịch trong 1 phiên, có lúc lên tới 40%/tổng giá trị phiên. Theo đó, nếu không thể khớp lệnh thì giá trị giao dịch toàn sàn có thể bị “kẹt” tới hàng ngàn tỷ đồng.

Thậm chí ảnh hưởng tới uy tín của thị trường chứng khoán Việt tại thời điểm đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản giao dịch. Còn đối với lần sự cố của hiện tại là trong bối cảnh thị trường đang tìm cách “níu chân” dòng vốn ngoại trong chuỗi bán ròng chưa có ngày dừng lại.

Thiệt hại gián tiếp về kinh tế

Đây không phải là lần đầu tiên sàn HoSE gặp sự cố, khoảng 10 năm trước, vào tháng 5/2008, HoSE cũng từng một lần bị dừng giao dịch trong 3 ngày khiến nhà đầu tư hoang mang. Tuy nhiên, ở vào thời điểm đó, khối lượng giao dịch không nhiều và do vậy mức độ ảnh hưởng không lớn như vào thời điểm hiện tại.

Thực tế, sự cố hệ thống giao dịch chứng khoán không phải sự kiện hy hữu mà có thể xảy ra với bất kỳ sàn giao dịch nào. Trong quy chế hoạt động của các Sở GDCK trên thế giới đều có các quy định, quy trình xử lý tương ứng với các tình huống có thể xảy ra trong thực tế.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán là một kênh đầu tư khá nhạy cảm bởi chỉ cần một biến động như tin xấu của doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt... cũng có thể ảnh hưởng sâu sắc tới tâm lý nhà đầu tư trong khi đây lại là sự cố không thể giao dịch.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sự cố “sập sàn” dù không gây thiệt hại trực tiếp cho tài khoản của nhà đầu tư nhưng sẽ không khiến họ toại nguyện kỳ vọng đầu tư tại mức giá tốt.

Ví dụ, một nhà đầu tư mua cổ phiếu A ở mức giá 10.000 đồng/cp sau thời gian nắm giữ đã tăng lên 15.000 đồng/cp đã quyết định bán ra. Trong phiên giao dịch mà nhà đầu tư này xác định đặt lệnh bán cổ phiếu, thị trường giao dịch khá tích cực với đà tăng lan tỏa, mã cổ phiếu A giao dịch lình xình trong khoảng giá 15.000 – 15.300 đồng/cp.

Tại thời gian xác định giá đóng cửa, quan sát sức mua cổ phiếu A đang khá tốt nhà đầu tư đặt lệnh bán tại giá 15.400 đồng/cp và kỳ vọng sẽ được khớp lệnh vào 15 phút cuối cùng của phiên. Tuy nhiên, hệ thống báo giao dịch không thể thực hiện do lỗi giao dịch và chỉ được khớp lệnh ở mức giá xác định nào đó theo quy định của HoSE.

Theo một chuyên gia chứng khoán, bản chất của thị trường chứng khoán là nơi huy động vốn, khi thị trường ngưng hoạt động, tâm lý nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng và niềm tin vào thị trường bị sụt giảm rất lớn dù ít hay nhiều, kéo theo thanh khoản giảm và mọi thành phần tham gia trên thị trường đều bị thiệt hại.

Ở một diễn biến khác, tại các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cho rằng sau quãng thời gian thăng hoa “mua con nào cũng trúng” của thị trường thì đây là thời điểm các nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận, quá nhiều lệnh bán được đặt thì pha “lỗi kỹ thuật” sẽ cứu chỉ số một “bàn thua”. Tuy nhiên, đây chỉ là nhận định mang tính cá nhân không mang tính xác thực.

Có thể bạn quan tâm